Chỉ thị 31 tạo chuyển biến mạnh về an toàn giao thông học đường

Sau một năm triển khai Chỉ thị 31 của Thủ tướng Chính phủ, công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông học đường tại Bình Thuận đã có những chuyển biến tích cực. Số vụ vi phạm giao thông liên quan đến học sinh giảm mạnh, ý thức chấp hành luật giao thông của phụ huynh, học sinh được nâng cao. Nhiều giải pháp đồng bộ, từ tăng cường kiểm tra, xử lý vi phạm đến đẩy mạnh tuyên truyền, ứng dụng công nghệ, đã góp phần xây dựng môi trường giao thông an toàn, văn minh trước cổng trường.

Huy động các lực lượng tham gia bảo đảm an toàn giao thông

Sau 1 năm thực hiện nghiêm túc Chỉ thị 31 của Thủ tướng Chính phủ, tình hình trật tự an toàn giao thông (TTATGT) trên địa bàn tỉnh cơ bản ổn định, không xảy ra tai nạn đặc biệt nghiêm trọng. Nhờ các biện pháp đồng bộ, ý thức chấp hành pháp luật giao thông của phụ huynh, học sinh có chuyển biến tích cực, góp phần giảm vi phạm, tai nạn liên quan đến học sinh.

 Trong năm qua, lực lượng Cảnh sát giao thông tỉnh Bình Thuận lập biên bản xử lý 1.164 trường hợp vi phạm liên quan đến học sinh

Trong năm qua, lực lượng Cảnh sát giao thông tỉnh Bình Thuận lập biên bản xử lý 1.164 trường hợp vi phạm liên quan đến học sinh

Ngay sau khi Chỉ thị được ban hành, Công an tỉnh phối hợp với Sở Giao thông Vận tải, các trường học, lực lượng tự quản tổ chức rà soát phương tiện đưa đón học sinh, kiểm tra điều kiện an toàn kỹ thuật, hướng dẫn bố trí xe phù hợp. Đồng thời, các tuyến đường gần trường học cũng được kiểm tra, xử lý kịp thời những bất cập nhằm giảm nguy cơ ùn tắc, tai nạn.

Cùng với đó, công tác tuyên truyền được đẩy mạnh thông qua các hội thảo, diễn đàn về an toàn giao thông trong học đường, phong trào “Học sinh với văn hóa giao thông”. Hơn 193.000 lượt giáo viên, học sinh đã ký cam kết không vi phạm Luật Giao thông, trong đó hơn 81.000 lượt cam kết không giao xe cho học sinh chưa đủ tuổi, góp phần nâng cao nhận thức và trách nhiệm trong cộng đồng.

Nhằm đảm bảo trật tự tại khu vực cổng trường, tỉnh đã xây dựng 8 mô hình "Cổng trường an toàn giao thông" tại các trường THPT, duy trì hoạt động của 94 mô hình tương tự tại các trường mầm non, tiểu học, THCS, THPT. Mô hình này không chỉ giúp giảm ùn tắc mà còn bảo vệ an toàn cho học sinh khi đến và rời khỏi trường học. Các trường học cũng chủ động phối hợp với chính quyền địa phương để tăng cường kiểm tra, giám sát, điều tiết giao thông vào giờ cao điểm.

Lực lượng chức năng đã tiến hành tổng rà soát, thống kê các "điểm đen", "điểm tiềm ẩn" và những bất cập trong tổ chức giao thông trên địa bàn tỉnh. Kết quả ghi nhận 6 "điểm đen", 27 "điểm tiềm ẩn", 1 điểm bất hợp lý. Các cơ quan chức năng đã gửi 30 văn bản kiến nghị khắc phục, đồng thời đề xuất bổ sung hệ thống biển báo, lắp đặt gờ giảm tốc tại các khu vực có nguy cơ tai nạn cao.

 Cảnh sát giao thông tuyên truyền nâng cao nhận thức chấp hành luật giao thông cho các bậc phụ huynh

Cảnh sát giao thông tuyên truyền nâng cao nhận thức chấp hành luật giao thông cho các bậc phụ huynh

Ngoài ra, chính quyền địa phương đã huy động nguồn lực để cải tạo, nâng cấp hệ thống đường sá tại các khu vực gần trường học. Nhiều tuyến đường được mở rộng, bổ sung hệ thống chiếu sáng, vạch kẻ đường rõ ràng, giúp phụ huynh, học sinh di chuyển an toàn hơn.

Công tác tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm giao thông vẫn được tăng cường trong suốt 1 năm qua. Lực lượng Cảnh sát giao thông đã triển khai 6.225 ca tuần tra, phát hiện và lập biên bản xử lý 1.164 trường hợp vi phạm liên quan đến học sinh, xử phạt 1.035 trường hợp với tổng số tiền nộp ngân sách đạt 589 triệu đồng, tạm giữ 1.106 phương tiện. Đồng thời, 420 trường hợp vi phạm được thông báo đến nhà trường để có biện pháp giáo dục và xử lý phù hợp.

Cảnh sát giao thông cũng đã kiểm tra, rà soát các phương tiện đưa đón học sinh, bảo đảm tiêu chuẩn an toàn kỹ thuật. Các bãi giữ xe gần trường học được yêu cầu cam kết không trông giữ xe máy trên 50 phân khối của học sinh nhằm hạn chế tình trạng học sinh sử dụng phương tiện khi chưa đủ tuổi.

Ứng dụng công nghệ vào quản lý giao thông

Nhằm nâng cao hiệu quả quản lý, lực lượng chức năng đã đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số vào giám sát, điều hành giao thông. Hiện nay, tất cả phương tiện đưa đón học sinh trên 9 chỗ ngồi đều được trang bị thiết bị giám sát hành trình và camera, tích hợp vào hệ thống giao thông thông minh để theo dõi, phát hiện, xử lý vi phạm kịp thời. Đồng thời, trí tuệ nhân tạo (AI) cũng được thử nghiệm để phân tích dữ liệu, nhận diện các hành vi vi phạm phổ biến, giúp nâng cao hiệu quả kiểm soát giao thông.

 Số vụ vi phạm giao thông liên quan đến học sinh giảm mạnh sau một năm thực hiện Chỉ thị số 31

Số vụ vi phạm giao thông liên quan đến học sinh giảm mạnh sau một năm thực hiện Chỉ thị số 31

Bên cạnh đó, các trường học phối hợp với địa phương triển khai ứng dụng hỗ trợ phụ huynh theo dõi lộ trình xe đưa đón học sinh, bảo đảm an toàn. Lực lượng chức năng tiếp tục khảo sát, xác định các khu vực có nguy cơ mất an toàn cao, đặc biệt là trước cổng trường, để triển khai giải pháp phù hợp như lắp đặt gờ giảm tốc, bố trí điểm đón trả học sinh hợp lý, hạn chế tình trạng lấn chiếm lòng đường.

Phong trào quần chúng tham gia bảo đảm trật tự an toàn giao thông cũng được đẩy mạnh với sự phối hợp chặt chẽ giữa công an - nhà trường - gia đình. Các hoạt động tuyên truyền được thực hiện đa dạng như tổ chức cuộc thi tìm hiểu Luật Giao thông, tuyên truyền trực quan trên mạng xã hội nhằm nâng cao nhận thức của học sinh, phụ huynh.

Song song đó, tỉnh sẽ tiếp tục đầu tư hệ thống giám sát giao thông tự động, khai thác dữ liệu số hóa để phát hiện, xử lý vi phạm nhanh chóng. Đây sẽ là bước tiến quan trọng trong việc xây dựng môi trường giao thông an toàn, văn minh, góp phần giảm thiểu rủi ro cho học sinh và cộng đồng.

Thạc Hiếu

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/chi-thi-31-tao-chuyen-bien-manh-ve-an-toan-giao-thong-hoc-duong-post404226.html