Nhiều nguồn lực cho công tác giảm nghèo bền vững
Nhờ những nỗ lực không ngừng của cả hệ thống chính trị và nhân dân cùng sự hỗ trợ của các chương trình mục tiêu quốc gia (CTMTQG), năm 2024, tỷ lệ hộ nghèo của tỉnh Long An giảm đáng kể, vượt kế hoạch đề ra.
Hỗ trợ sinh kế cho người nghèo
Từ ngày được địa phương trao 2 con bò, sáng nào ông Lê Văn Phúc (ấp 6, xã Vĩnh Công, huyện Châu Thành) cũng dậy sớm đi cắt cỏ. 2 con bò cái là niềm hy vọng của vợ chồng ông Phúc. Có cặp bò, vợ chồng ông có nguồn thu nhập bền vững và ổn định trong những ngày sắp tới.
Ông Phúc trước đây thuộc diện hộ nghèo, gia đình không có đất sản xuất, vợ chồng ông lớn tuổi, không làm thuê được nên cuộc sống khá chật vật.
Năm 2023, gia đình ông được hỗ trợ tiền sửa lại căn nhà đang ở kiên cố hơn. Tháng 9/2024, gia đình ông lại được nhận 2 con bò cái từ dự án hỗ trợ bò của huyện. Nhờ vậy, kinh tế gia đình ông có phần ổn định hơn.
“Được hỗ trợ 2 con bò cái, tôi mừng lắm! Nuôi bò không tốn nhiều chi phí, chủ yếu bỏ công cắt cỏ. Bò cái đẻ được bò con là coi như có nguồn thu. Giờ tôi ở nhà cắt cỏ, vợ thì buôn bán nhỏ, cuộc sống ổn định hơn nhiều. Nhờ vậy, gia đình thoát được cảnh nghèo” - ông Phúc chia sẻ.
Ông Phúc là 1 trong 53 hộ thoát nghèo tại huyện Châu Thành trong năm 2024, góp phần giảm hộ nghèo trong toàn huyện xuống còn 0,19%.
Từ nguồn vốn CTMTQG giảm nghèo bền vững được tỉnh phân bổ và nỗ lực xã hội hóa, trong năm, huyện Châu Thành có nhiều chương trình, hoạt động hỗ trợ, giúp đỡ hộ nghèo, cận nghèo phát triển kinh tế, thoát nghèo bền vững.
Phó Trưởng phòng Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện Châu Thành - Đỗ Tấn Đạt cho biết, năm 2024, huyện triển khai, thực hiện hiệu quả các dự án thuộc CTMTQG giảm nghèo bền vững năm 2024. Trong đó, trao 193 con bò cái sinh sản cho 104 hộ nghèo, cận nghèo và hộ mới thoát nghèo trên địa bàn các xã với tổng kinh phí hơn 2,8 tỉ đồng.
Ngoài ra, từ nguồn kinh phí xã hội hóa, huyện còn vận động xây dựng 4 căn nhà tình nghĩa, sửa chữa 8 căn nhà, vận động xây dựng 47 căn nhà tình thương, nhà Đại đoàn kết, nhà Đồng đội và trao tặng thêm bò giống cho các hộ nghèo, cận nghèo, có hoàn cảnh khó khăn khác.
Gia cảnh nghèo khó, làm mướn với số tiền ít ỏi, bà Nguyễn Thị Bé (SN 1949, ngụ ấp 4, xã Hướng Thọ Phú, TP.Tân An) và chồng động viên nhau phải cố gắng vươn lên. Nhưng biến cố ập đến, chồng mất, bà sức khỏe yếu nên không thể đi làm. Mọi chi phí sinh hoạt trong nhà dựa vào con trai và địa phương hỗ trợ.
Bà Bé nói: “Dịp lễ, tết, gia đình tôi thường nhận được 10kg gạo và các phần quà từ xã, nhà hảo tâm. Tôi còn được cho vay vốn Ngân hàng Chính sách xã hội 2 lần. Nhờ Nhà nước và những tấm lòng hảo tâm, chúng tôi được đỡ đần phần nào. Các con cũng có việc làm, ổn định cuộc sống”. Với tinh thần lạc quan, nỗ lực không ngừng, bà thoát cận nghèo vào cuối năm 2023.
Theo Phó Trưởng phòng Lao động - Thương binh và Xã hội TP.Tân An - Phạm Nguyên Mai Khanh, CTMTQG giảm nghèo bền vững là nhiệm vụ trọng tâm của địa phương. Các chính sách, chương trình như Đa dạng hóa sinh kế, vay vốn, hỗ trợ giáo dục, bảo hiểm y tế, tiền điện, trợ cấp hàng tháng cho hộ nghèo,... đều được triển khai đồng bộ, góp phần nâng cao chất lượng đời sống người dân.
Thời gian qua, các chương trình cho vay hộ nghèo, cận nghèo trên địa bàn TP.Tân An luôn được quan tâm. Chỉ tính riêng năm 2024, TP.Tân An giải quyết hồ sơ và chính thức cho vay 8 hộ nghèo với số tiền 420 triệu đồng, 264 hộ cận nghèo với tổng số tiền hơn 14,9 tỉ đồng. Thành phố cũng tạo thêm điều kiện cho 1 người lao động vay vốn 50 triệu đồng đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng.
"Sở đang đề xuất, kiến nghị Trung ương cho chuyển nguồn kinh phí CTMTQG giảm nghèo bền vững năm 2024 chưa sử dụng hết sang thực hiện trong năm 2025; đồng thời, cho địa phương điều chuyển kinh phí từ đơn vị không còn đối tượng thực hiện sang đơn vị khác có nhu cầu”.
Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội - Đặng Ngọc Tảo
"Huyện xác định công tác giảm nghèo là nhiệm vụ quan trọng, chương trình trọng điểm để phát triển KT-XH, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của người dân. Để đạt chỉ tiêu nghị quyết đề ra, huyện tập trung một số nội dung: Mở các lớp đào tạo nghề nông thôn, chuyển giao khoa học - kỹ thuật; phối hợp doanh nghiệp tổ chức tuyển dụng lao động nhàn rỗi ở nông thôn cũng như huy động các nguồn vốn hỗ trợ hộ nghèo, cận nghèo có điều kiện sản xuất;... Huyện ủy, HĐND, UBND, UBMTTQ Việt Nam huyện Châu Thành quyết tâm lãnh đạo, hướng đến mục tiêu năm 2025 xóa hết hộ nghèo trên địa bàn huyện”.
Phó Chủ tịch UBND huyện Châu Thành - Phạm Văn Thật
"Huyện Cần Đước chủ trương “trao cần câu không trao cá”, gắn giải quyết việc làm với giảm nghèo. Năm 2024, huyện mở 8 lớp đào tạo nghề, giúp 241 học viên có thêm kỹ năng mới, nâng cao thu nhập. Huyện còn tạo điều kiện cho lao động sang nước ngoài làm việc. Năm nay, huyện đưa 230 người đi làm việc tại Nhật Bản, Hàn Quốc, Úc, Đài Loan,... Nhờ đó mà đến nay, huyện chỉ còn 170 hộ nghèo, giảm 59 hộ, vượt chỉ tiêu năm 2024 là 15% hộ nghèo (35 hộ)”.
Trưởng phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện Cần Đước - Nguyễn Thị Kim Lành
Vượt chỉ tiêu về giảm nghèo
Sự nỗ lực của các địa phương đã tạo nên kết quả chung cho công tác giảm nghèo toàn tỉnh, thực hiện vượt chỉ tiêu kế hoạch đề ra trong năm 2024. Theo Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội - Đặng Ngọc Tảo, trong năm 2024, toàn tỉnh giảm 911 hộ nghèo, giảm được 18% (kế hoạch đề ra là 15%).
Tính đến cuối năm 2024, tỉnh còn 2.743 hộ nghèo, chiếm 0,57%. Trong khi đó, sau rà soát, số hộ nghèo đầu nhiệm kỳ của tỉnh là 6.296 hộ.
Như vậy, sau 4 năm thực hiện CTMTQG giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025, tỉnh đạt thành tích khả quan khi giảm hơn 56% hộ nghèo. Tức là đến cuối năm 2024, tỉnh đã thực hiện vượt chỉ tiêu giảm 50% số hộ nghèo đa chiều theo Nghị quyết Đại hội XI Đảng bộ tỉnh trước kế hoạch.
Ông Đặng Ngọc Tảo cho biết: Để đẩy mạnh công tác giảm nghèo, Sở tăng cường thông tin, tuyên truyền bằng nhiều hình thức để tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức của cấp ủy Đảng, chính quyền; nâng cao tinh thần trách nhiệm, quyết liệt trong chỉ đạo, điều hành của người đứng đầu.
Bên cạnh đó, ngành Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh đã tổ chức các lớp tập huấn nâng cao năng lực, học hỏi kinh nghiệm từ địa phương làm tốt cho đội ngũ chuyên viên. Đồng thời, Sở còn thường xuyên kiểm tra, giám sát, theo dõi, đôn đốc địa phương thực hiện, nhất là những vùng giải ngân thấp.
Những kết quả trong công tác giảm nghèo là minh chứng cho sự nỗ lực không ngừng của cả hệ thống chính trị và nhân dân./.
Nguồn Long An: https://baolongan.vn/nhieu-nguon-luc-cho-cong-tac-giam-ngheo-ben-vung-a187044.html