Chi tiêu của giới trẻ có thu nhập cao - 'mỏ vàng' của các cửa hàng bách hóa Nhật

Các cửa hàng bách hóa của Nhật Bản đang phục hồi sau thời kỳ suy thoái do đại dịch, nhờ mức chi tiêu mạnh mẽ trong nhóm những người trẻ có thu nhập cao tương đối, ở các khu vực đô thị.

Người dân mua sắm tại một chợ ở Tokyo, Nhật Bản. Ảnh: AFP/TTXVN

Người dân mua sắm tại một chợ ở Tokyo, Nhật Bản. Ảnh: AFP/TTXVN

Cụ thể, doanh thu tổng hợp của 167 cửa hàng bách hóa do 66 doanh nghiệp Nhật Bản điều hành và khai thác đạt 5.100 tỷ yen (35 tỷ USD) trong năm tài chính 2022 (bắt đầu từ 1/4/2022 đến hết 31/3/2023), cao hơn 19,8% so với cùng kỳ năm tài chính trước và là năm tài chính thứ hai liên tiếp tăng trưởng. Doanh số bán hàng cũng tăng 16% so với năm tài chính trước, phục hồi tới 88% mức doanh số của năm tài chính 2019, thời điểm trước khi đại dịch COVID-19 xuất hiện.

Trong số các cửa hàng bách hóa, trung tâm Isetan, thuộc công ty Isetan Mitsukoshi Holdings ở vùng Shinjuku của thủ đô Tokyo, đã tạo ra doanh thu 327,6 tỷ yen trong năm tài chính 2022, tăng 29% so với năm tài chính trước. Đây cũng là mức doanh thu kỷ lục của Isetan, vượt qua con số kỷ lục trước đó được thiết lập vào năm tài chính 1991.

Tương tự, cửa hàng bách hóa Hankyu ở Osaka cũng chứng kiến doanh thu tăng 30% lên 261 tỷ yen, cao nhất từ trước đến nay.

Theo đánh giá của các nhà phân tích, chi tiêu của nhóm người tiêu dùng “khá giả” là động lực chính, thúc đẩy doanh số bán hàng tại các cửa hàng bách hóa. Báo cáo do Viện nghiên cứu Nomura công bố vào tháng 3/2023 cho thấy các cá nhân giàu có của Nhật Bản, với tài sản tài chính có giá trị từ 100-500 triệu yen, và các cá nhân sở hữu lượng tài sản ròng có giá trị từ 500 triệu yen trở lên, đã tăng 17% từ năm 2017 đến năm 2021, lên khoảng 1,48 triệu hộ gia đình. Con số này là cao nhất kể từ năm 2005.

Một điểm đáng chú ý là trong số những người được xếp vào diện khá giả của Nhật Bản, nhóm người có độ tuổi từ 40 đổ xuống đang ngày càng nhiều hơn. Đây cũng là nhóm người có xu hướng tiêu dùng cao nhất.

Tại cửa hàng bách hóa Isetan Shinjuku, hoạt động mua hàng qua hình thức mua sắm cá nhân của những người ở độ tuổi 40 trở xuống chiếm 33% doanh thu trong phân khúc này, tăng 10 điểm phần trăm so với năm tài chính 2020.

Cửa hàng bách hóa Daimaru Matsuzakaya cũng chứng kiến lượng mua hàng của khách hàng ở độ tuổi từ 20 đến 40 thông qua kênh mua sắm cá nhân tăng hơn 20% và đang có xu hướng tăng lên mỗi năm.

Trong khi các cửa hàng bách hóa ở các khu vực thành thị lớn của Nhật Bản chứng kiến mức tăng trưởng doanh thu mạnh mẽ thì doanh số bán hàng tại các cửa hàng bách hóa ở các thành phố nhỏ hơn và các tỉnh lẻ lại chỉ đạt tăng trưởng 5,3% cho cả năm tài chính 2022.

Theo Hiệp hội Cửa hàng Bách hóa Nhật Bản, doanh số bán hàng tại các cửa hàng bách hóa trên toàn quốc từ tháng 1-6/2023 đạt khoảng 2.500 tỷ yen, tăng 10% so với cùng kỳ năm ngoái./.

Diệu Linh (Theo Nikkei)

Nguồn Bnews: https://bnews.vn/chi-tieu-cua-gioi-tre-co-thu-nhap-cao-mo-vang-cua-cac-cua-hang-bach-hoa-nhat/304226.html