Chi, tổ hội nông dân nghề nghiệp giúp tăng liên kết giữa hội viên

Thực hiện nhiệm vụ đột phá, đổi mới trong năm 2021 và giai đoạn 2021 - 2025, Hội Nông dân tỉnh triển khai xây dựng các chi, tổ hội nông dân nghề nghiệp trên địa bàn tỉnh. Nhiệm vụ này cũng đồng thời cụ thể hóa thực hiện Nghị quyết số 04-NQ/HNDTW ngày 5-8-2019 của Ban Chấp hành Hội Nông dân Việt Nam về đẩy mạnh xây dựng chi hội, tổ hội nông dân nghề nghiệp.

Theo đồng chí Nguyễn Thị Vĩnh An, Phó Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh, xây dựng các chi, tổ hội nông dân nghề nghiệp nhằm đa dạng hóa, góp phần đổi mới phương thức hoạt động, tập hợp hội viên, xây dựng tổ chức cơ sở hội ngày càng vững mạnh. Đồng thời, cũng tăng cường sự gắn kết giữa hội viên với tổ chức hội; từng bước nâng cao năng lực tổ chức sản xuất, kết nối tiêu thụ nông sản, không ngừng nâng cao thu nhập, đời sống cho hội viên. Thông qua các chi, tổ hội, các cấp hội sẽ dễ tập trung được nguồn lực đầu tư, tiếp cận khoa học kỹ thuật, tiết kiệm chi phí đầu vào và kiểm soát chất lượng, giá cả đầu ra, hỗ trợ kết nối tiêu thụ sản phẩm cho hội viên nông dân.

Lãnh đạo Hội Nông dân xã Kim Phú (TP Tuyên Quang) kiểm tra, nắm tình hình hoạt động tại cơ sở sản xuất mỳ gạo
của anh Phạm Thế Yên, Tổ trưởng tổ sản xuất mỳ gạo.

Hội Nông dân tỉnh đã đề ra 5 giải pháp thực hiện. Trong đó, tập trung chỉ đạo Hội Nông dân cấp huyện tuyên truyền sâu rộng về mục đích, ý nghĩa đối với việc xây dựng chi, tổ hội nông dân nghề nghiệp đến toàn thể cán bộ, hội viên các cơ sở hội. Các cấp hội chủ động phối hợp tổ chức các lớp tập huấn kiến thức xây dựng và vận hành chi, tổ hội nghề nghiệp về xây dựng kế hoạch sản xuất kinh doanh, bồi dưỡng kiến thức quản lý, kiến thức ứng dụng khoa học công nghệ, cập nhật những thông tin về giá cả, thị trường, về định hướng phát triển kinh tế tập thể, liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm. Ban điều hành quỹ hỗ trợ nông dân cấp tỉnh, cấp huyện gắn việc cho vay thực hiện các dự án với việc thành lập chi, tổ hội nông dân nghề nghiệp…

Đến đầu tháng 11 này, Hội Nông dân cấp xã đã thành lập mới 87 chi, tổ hội nông dân nghề nghiệp, nâng tổng số chi, tổ hội nông dân nghề nghiệp trên địa bàn tỉnh là 182 với trên 1.800 thành viên. Các chi, tổ hội nghề nghiệp có từ 5 hội viên trở lên, đây là nơi tập hợp của những hội viên có chung lĩnh vực lao động, cùng ngành nghề sản xuất, cùng mối quan tâm, cùng có sự chia sẻ trách nhiệm và cùng hưởng lợi. Các chi, tổ hội nghề nghiệp thành lập mới có 12/87 chi, tổ hội được vay từ quỹ hỗ trợ nông dân với tổng vốn 4,4 tỷ đồng. Bước đầu, đa số các chi, tổ hội nông dân nghề nghiệp đều đang phát huy hiệu quả, tiêu biểu như: Chi hội sản xuất hữu cơ thị trấn Yên Sơn, Tổ hội trồng cây ăn quả xã Lực Hành (Yên Sơn), Tổ hội chăn nuôi gà thiến thôn Đèo Ảng, xã Bình Xa; Tổ hội trồng thanh long thôn 1 Minh Phú, xã Yên Phú (Hàm Yên), Tổ hội sản xuất mỳ gạo xã Kim Phú (TP Tuyên Quang)...

Anh Phạm Thế Yên, Tổ trưởng tổ hội sản xuất mỳ gạo xã Kim Phú vui mừng cho biết, tổ có 5 thành viên, thì có 3 thành viên là chủ sản xuất mỳ gạo đều đã được vay vốn từ quỹ hỗ trợ nông dân, mức vay 50 triệu đồng/thành viên. Ở giai đoạn khó khăn của dịch bệnh Covid-19, nguồn vốn đó giúp các cơ sở có thêm vốn đầu tư phát triển ổn định sản xuất. Các thành viên tích cực chia sẻ kinh nghiệm, tư vấn, hỗ trợ nhau về kỹ thuật, thị trường tiêu thụ, hướng tới xây dựng thương hiệu. Trung bình, mỗi ngày các cơ sở sản xuất từ 200 - 500 kg sản phẩm mỳ khô cung cấp cho thị trường trong và ngoài tỉnh.

Trước những khó khăn về tiêu thụ nông sản do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 thì vai trò của các chi, tổ hội nông dân nghề nghiệp đã phát huy hiệu quả, tạo sự gắn kết của hội viên nông dân. Trong tháng 8 và 9, các cấp hội đã kết nối tiêu thụ được trên 560 tấn na, nhãn cho nông dân huyện Yên Sơn, Chiêm Hóa. Số nông sản hỗ trợ tiêu thụ được đó đều là của những hội viên nông dân đã tham gia các chi, tổ hội. Thực tế, khi Hội Nông dân tỉnh triển khai hỗ trợ nông dân tiêu thụ na, nhãn cho hội viên cũng gặp không ít khó khăn từ khâu kiểm soát chất lượng nông sản, lên kế hoạch, điều tiết thu hoạch, vận chuyển, đóng gói...

Khi đó, các chi, tổ hội đóng vai trò kết nối với phía hợp tác xã (hợp tác xã có uy tín được Hội Nông dân tỉnh giao làm đầu mối) tổ chức kiểm soát, chịu trách nhiệm về chất lượng, lên kế hoạch tiêu thụ, thống nhất cách đóng gói, thời gian vận chuyển đi tiêu thụ thì mọi việc dễ dàng, tiết kiệm công sức, thời gian và tăng tính hiệu quả nếu so với việc các cấp hội làm việc với từng hội viên. Trước đó, đa số hội viên tại các chi hội, tổ hội nghề nghiệp đều xây dựng kế hoạch sản xuất, tích cực chia sẻ kinh nghiệm sản xuất, đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất, cùng giám sát lẫn nhau nên chất lượng nông sản luôn đảm bảo.

Việc xây dựng chi, tổ hội nghề nghiệp sẽ tạo tiền đề cho việc thành lập tổ hợp tác, hợp tác xã nâng cao hiệu quả kinh tế; tăng cường mối liên kết giữa hội viên với nhau, góp phần xây dựng tổ chức cơ sở hội ngày càng vững mạnh.

Bài, ảnh: Lý Thịnh

Nguồn Tuyên Quang: http://www.baotuyenquang.com.vn/xa-hoi/cuoc-song/chi-to-hoi-nong-dan-nghe-nghiep-giup-tang-lien-ket-giua-hoi-vien-151567.html