Chi trả giảm phát thải khí nhà kính tại Huế giúp giữ rừng, cải thiện sinh kế

Sau 3 năm triển khai thực hiện thí điểm chi trả giảm phát thải khí nhà kính (ERPA), thành phố Huế có hơn 205,5 nghìn ha rừng tự nhiên được đưa vào cơ chế ERPA, với tổng số tiền gần 136 tỷ đồng.

Giám đốc Quỹ Bảo vệ và phát triển rừng thành phố Huế Nguyễn Tất Tùng phát biểu tại Hội nghị. Ảnh: Mai Trang - TTXVN

Giám đốc Quỹ Bảo vệ và phát triển rừng thành phố Huế Nguyễn Tất Tùng phát biểu tại Hội nghị. Ảnh: Mai Trang - TTXVN

Ngày 15/7, Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng thành phố Huế tổ chức Hội nghị Tổng kết đánh giá công tác thực hiện thí điểm Thỏa thuận chi trả giảm phát thải khí nhà kính (ERPA) tại thành phố Huế, giai đoạn 2023 - 2025.

Giám đốc Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng thành phố Huế Nguyễn Tất Tùng cho biết, địa phương có hơn 205 nghìn ha rừng tự nhiên, trong giai đoạn 2023-2025 được điều phối gần 136 tỷ đồng để thực hiện công tác chi trả ERPA đến hơn 600 chủ rừng là tổ chức, cộng đồng nhóm hộ và Ủy ban nhân dân các xã. Trong hai năm 2023 - 2024, thông qua thỏa thuận đã chi trả trên 99% tổng số tiền chi trả cho các đối tượng hưởng lợi; phấn đấu trong những thời gian tới chi trả hơn 95% nguồn tiền năm 2025 cho các bên hưởng lợi.

Bên cạnh đó, có 97 cộng đồng được hỗ trợ phát triển sinh kế với tổng số tiền hơn 5 tỷ đồng tập trung vào các hoạt động như: xây dựng hàng rào, cổng chào, nhà vệ sinh, hệ thống chiếu sáng bằng năng lượng mặt trời, hỗ trợ con giống, cây giống… Các hoạt động cho thấy, thành phố Huế là một trong những địa phương đổi mới cách tiếp cận, lấy người dân làm trung tâm, phát huy vai trò cộng đồng, kết hợp hài hòa giữa mục tiêu bảo vệ rừng và nâng cao đời sống người dân.

Thực hiện Nghị định số 107/2022/NĐ-CP của Chính phủ, thành phố Huế là một trong sáu tỉnh, thành phố vùng Bắc Trung bộ được tham gia thí điểm Thỏa thuận chi trả giảm phát thải khí nhà kính vùng Bắc Trung Bộ (ERPA).

Thỏa thuận đánh dấu một bước tiến quan trọng trong việc thí điểm cơ chế tài chính chuyển nhượng kết quả giảm phát thải CO₂, góp phần huy động nguồn lực quốc tế để bảo vệ rừng và thúc đẩy phát triển bền vững; đồng thời, đây là hoạt động chi trả giảm phát thải dựa vào kết quả hấp thụ và lưu giữ các-bon của rừng, tiến tới triển khai toàn diện về chi trả dịch vụ môi trường rừng.

Sau 3 năm triển khai thực hiện, thành phố Huế có hơn 205,5 nghìn ha rừng tự nhiên được đưa vào cơ chế chi trả ERPA, với tổng số tiền gần 136 tỷ đồng. Thông qua triển khai các cơ chế, chính sách, các chương trình, thí điểm Thỏa thuận đã góp phần nâng cao giá trị của rừng, tạo việc làm, tăng thu nhập cho người dân, bảo vệ môi trường sinh thái, an ninh quốc phòng. Đặc biệt, địa phương ghi nhận nhiều chuyển biến tích cực trong công tác quản lý, bảo vệ rừng; nỗ lực hạn chế phá rừng cả về diện tích lẫn số vụ vi phạm đều giảm sâu so với các năm trước, phản ánh hiệu quả bước đầu của các biện pháp tăng cường kiểm tra, giám sát và nâng cao nhận thức cộng đồng trong công tác bảo vệ rừng. Tổng diện tích rừng bị phá trong năm 2024 chỉ ở mức 2,68 ha, với 25 vụ vi phạm. Đây là năm có số vụ và diện tích rừng bị xâm hại thấp nhất trong giai đoạn 2021- 2024. Diện tích rừng bị phá tập trung chủ yếu ở rừng sản xuất (hơn 2,6 ha), rừng phòng hộ bị ảnh hưởng không đáng kể (khoảng 0,06 ha) và không có thiệt hại nào xảy ra tại rừng đặc dụng.

Quang cảnh Hội nghị. Ảnh: Mai Trang - TTXVN

Quang cảnh Hội nghị. Ảnh: Mai Trang - TTXVN

Toàn bộ diện tích rừng tự nhiên được chi trả, đã góp phần giúp cho công tác quản lý bảo vệ rừng được hiệu quả hơn, giữ vững độ che phủ rừng trên địa bàn thành phố 57,18%.

Việc có thêm nguồn kinh phí từ ERPA đã giúp cho các chủ rừng là tổ chức tăng cường thêm lực lượng bảo vệ rừng; đồng thời, có thêm nguồn kinh phí phục vụ cho công tác phát triển rừng bằng việc triển khai các hoạt động lâm sinh như khoanh nuôi xúc tiến tái sinh rừng, nuôi dưỡng làm giàu rừng... cải thiện chất lượng rừng tự nhiên.

Với phương thức “lấy cộng đồng người dân làm trung tâm trong các hoạt động liên quan chi trả ERPA”, chương trình đã tiếp sức thêm một nguồn tài chính mới, tăng thêm nguồn lực cho cộng đồng, tạo nguồn sinh kế bền vững cho người dân sống gần rừng, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số chiếm gần 70%.

Quang cảnh Hội nghị. Ảnh: Mai Trang - TTXVN

Quang cảnh Hội nghị. Ảnh: Mai Trang - TTXVN

Tại hội nghị, lãnh đạo các ngành, địa phương đã thảo luận, đánh giá toàn diện quá trình thực hiện thí điểm, rút ra các bài học kinh nghiệm và đề xuất các giải pháp để thực hiện về sau. Anh Hồ Đức Kiệu, Trưởng Ban Quản lý rừng cộng đồng thôn 3, xã Thượng Nhật, huyện Phú Lộc (nay là xã Nam Đông) cho biết, nguồn chi trả ERPA chính là nguồn lực quan trọng đã giúp cộng đồng nâng cao năng lực quản lý bảo vệ rừng.

Cùng với việc xây dựng các mô hình sinh kế dưới tán rừng tự nhiên, các hộ thành viên trong cộng đồng còn được vay vốn phát triển chăn nuôi, tạo việc làm và thu nhập ổn định. Qua đó, công tác quản lý, tuần tra bảo vệ rừng ngày càng hiệu quả hơn, đã có không ít diện tích rừng nghèo được phục hồi cải thiện, góp phần thực hiện tốt hơn chức năng phòng hộ, cung ứng dịch vụ môi trường rừng, nâng cao khả năng và giá trị bảo tồn đa dạng sinh học. Đại diện Ban Quản lý rừng phòng hộ A Lưới kiến nghị, tăng định mức hỗ trợ sinh kế từ 50.000.000 đồng lên 100.000.000 đồng/cộng đồng thôn để thuận lợi cho việc thực hiện những công trình sinh kế cấp thiết cho thôn.

Sau khi kết thúc thời gian thí điểm, cho phép các chủ rừng tổ chức chuyển tiếp nguồn tiền chưa thực hiện giải ngân được vào nguồn tiền dịch vụ môi trường rừng của đơn vị và được thực hiện theo Nghị định 156/2018/NĐ-CP ngày 16/11/2018 của Chính phủ về quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Lâm nghiệp, Nghị định số 91/2024/NĐ-CP ngày 18/7/2024 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 156/2018/NĐ-CP.

Mai Trang/vnanet.vn

Nguồn Bnews: https://bnews.vn/chi-tra-giam-phat-thai-khi-nha-kinh-tai-hue-giup-giu-rung-cai-thien-sinh-ke/380612.html