Chỉ trong 6 tháng, PV GAS đã cán đích mục tiêu lợi nhuận năm 2024

Lũy kế 6 tháng đầu năm, PV GAS thu về 5.798 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, vượt 3% mức kế hoạch mà tổng công ty đã đặt ra tại Đại hội đồng cổ đông năm 2024 tổ chức hồi tháng 5 vừa qua.

Ảnh minh họa: PV GAS.

Ảnh minh họa: PV GAS.

Tổng Công ty Khí Việt Nam - CTCP (PV GAS, HoSE: GAS) vừa công bố báo cáo tài chính quý 2/2024 với doanh thu thuần đạt hơn 30.000 tỷ đồng, tăng 25% so với cùng kỳ năm trước (YoY). Doanh thu tăng trong khi chi phí giá vốn thay đổi không đáng kể giúp tổng công ty thu về 5.736 tỷ đồng lãi gộp. Biên lãi gộp được cải thiện, tăng từ 18% lên 19%.

Trong kỳ, doanh thu tài chính đi lùi 26%, còn 445 tỷ đồng. Trong khi đó, chi phí tài chính tăng mạnh lên 229 tỷ đồng, gấp 2,4 lần cùng kỳ do lỗ chênh lệch tỷ giá. Chi phí quản lý doanh nghiệp cũng vọt lên gần 1.200 tỷ đồng, gấp gần 4 lần YoY, chủ yếu do ghi nhận hơn 815 tỷ đồng chi phí dự phòng, trong khi cùng kỳ ghi nhận chỉ hơn 100 tỷ đồng.

Kết quả, sau khi khấu trừ các chi phí, PV GAS báo lãi sau thuế 3.416 tỷ đồng, tăng gần 7% so với cùng kỳ. Giải trình về kết quả kinh doanh, PV GAS cho biết, lợi nhuận được cải thiện là nhờ giá dầu bình quân quý 2/2024 đạt 84,94 USD/thùng, tăng 8% so với quý 2/2023 (78,39 USD/thùng).

Lũy kế 6 tháng đầu năm 2024, PV GAS ghi nhận 53.367 tỷ đồng doanh thu thuần, tăng 18% YoY và lãi sau thuế đạt 5.960 tỷ đồng, giảm 10% YoY.

Năm nay, PV GAS đặt kế hoạch doanh thu hợp nhất 70.176 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế 5.798 tỷ đồng. Như vậy, sau nửa đầu năm, tổng công ty đã đạt 76% chỉ tiêu doanh thu và vượt 3% kế hoạch lợi nhuận năm.

Tại Đại hội đồng cổ đông năm 2024, PV GAS cho biết, kế hoạch được đặt trong bối cảnh nguồn khí trong nước bước vào giai đoạn suy giảm nhanh, đặc biệt là nguồn từ hệ thống Nam Côn Sơn 1, Hàm Rồng - Thái Bình. Nguồn khí có giá rẻ giảm sâu, vì vậy phải thay thế bằng nguồn giá cao như Thiên Ưng, Đại Hùng, Sao Vàng - Đại Nguyệt, PM3 - Cà Mau mua từ Petronas. Các nguồn này đang chiếm tỷ trọng lớn.

Trong khi đó, thị trường kinh doanh LPG (khí dầu mỏ hóa lỏng) trong nước có sự cạnh tranh khốc liệt về nguồn cung và thị phần, kéo mặt bằng giá xuống thấp, làm ảnh hưởng đến hiệu quả kinh doanh. Bản chất LPG cũng đang biến động thất thường khó dự đoán, rủi ro liên quan đến giá khá cao, do đó việc kinh doanh trong nước cũng như quốc tế sẽ khó khăn.

Ngoài ra, sự cố phía thượng nguồn có xu hướng ngày một tăng và thường kéo dài thời gian dừng/gián đoạn cấp khí. Chi phí bảo dưỡng sửa chữa cho các công trình khí ngày một lớn, trong khi sản lượng khí đưa về bờ ngày một giảm, làm tăng giá thành các sản phẩm khí.

Tại thời điểm ngày 30/6/2024, tổng tài sản của PV GAS đạt 95.167 tỷ đồng, tăng 8% so với con số hồi đầu năm. Chiếm tỷ trọng lớn nhất trong cơ cấu tài sản là khoản tiền, tiền gửi ngân hàng với 43.919 tỷ đồng. Đây cũng là quý ghi nhận lượng tiền nắm giữ cao kỷ lục của tổng công ty.

Nửa đầu năm nay, PV GAS nhận về gần 831 tỷ đồng lãi tiền gửi và tiền cho vay, giảm 20% so với cùng kỳ trong bối cảnh lãi suất xuống thấp.

Hàng tồn kho giảm 29% so với hồi đầu năm, còn gần 2.800 tỷ đồng.

Bên kia bảng cân đối, tổng nợ phải trả của PV GAS ghi nhận 24.246 tỷ đồng, trong đó, nợ ngắn hạn tăng 18%, lên 17.645 tỷ đồng. GAS còn hơn 1.100 tỷ đồng nợ vay ngắn hạn, giảm 29% và 3.300 tỷ đồng nợ vay dài hạn, giảm 24% so với đầu năm, đều là nợ vay ngân hàng.

Vốn chủ sở hữu tại thời điểm cuối quý 2/2024 ghi nhận 70.921 tỷ đồng, tăng hơn 5.600 tỷ đồng; trong đó quỹ đầu tư phát triển là 27.445 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế chưa phân phối là 18.866 tỷ đồng.

PV GAS chiếm khoảng 70% thị phần cung ứng LPG tại Việt Nam, cung cấp sản phẩm khí để sản xuất trên 9% sản lượng điện, khoảng 70% sản lượng phân đạm.

Nửa đầu năm nay, công ty đã nhập 4 chuyến LNG với giá trị gần 3.000 tỷ đồng để cung cấp cho điện, đặc biệt là trong cao điểm mùa khô, góp phần bù đắp sản lượng khí nội địa đang sụt giảm nhanh.

Thu Thảo

Nguồn Mekong Asean: https://mekongasean.vn/chi-trong-6-thang-pv-gas-da-can-dich-muc-tieu-loi-nhuan-nam-2024-31923.html