Chỉ vì lợi ích kinh tế, các bị cáo bất chấp pháp luật, cố ý thực hiện hành vi phạm tội

Đại diện Viện kiểm sát nhận định, hành vi phạm tội của 27 bị cáo là nguy hiểm cho xã hội, gây thiệt hại rất lớn cho Nhà nước và xã hội. Hành vi phạm tội của các bị cáo cần phải có mức hình phạt thật nghiêm khắc để đảm bảo tính răn đe cũng như phòng ngừa chung.

Cố ý thực hiện những sai phạm

Ngày 14/5, phiên tòa sơ thẩm xét xử cựu Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) Nguyễn Linh Ngọc và 26 bị cáo trong vụ án Vi phạm quy định về nghiên cứu, thăm dò, khai thác tài nguyên; Vi phạm quy định về kế toán gây hậu quả nghiêm trọng; Buôn lậu; Tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có; Vi phạm quy định về quản lý sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí; Gây ô nhiễm môi trường xảy ra tại Mỏ đất hiếm Yên Phú, Công ty Cổ phần Tập đoàn Thái Dương (Công ty Thái Dương) và các đơn vị có liên quan tiếp tục phần tranh luận.

 Đại diện Viện kiểm sát phân tích, đánh giá về nguyên nhân, điều kiện phạm tội, vị trí vai trò, các tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ, nhân thân của từng bị cáo. Ảnh: Hồng Nguyên

Đại diện Viện kiểm sát phân tích, đánh giá về nguyên nhân, điều kiện phạm tội, vị trí vai trò, các tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ, nhân thân của từng bị cáo. Ảnh: Hồng Nguyên

Trước khi bước sang phần tranh luận, đại diện Viện kiểm sát thực hành quyền công tố và kiểm sát các hoạt động tư pháp tại phiên tòa, phát biểu quan điểm về vụ án, phân tích, đánh giá những chứng cứ đã được thẩm tra làm rõ tại phiên tòa, lời khai nhận của các bị cáo, lời trình bày của những người có quyền, nghĩa vụ liên quan trong vụ án để làm cơ sở cho HĐXX quyết định một bản án có căn cứ, khách quan, toàn diện, đúng quy định pháp luật.

Tại phiên tòa, đại diện Viện kiểm sát đã phân tích, đánh giá về nguyên nhân, điều kiện phạm tội, vị trí vai trò, các tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ, nhân thân của từng bị cáo, cũng như trách nhiệm dân sự để trên cơ sở đó cân nhắc mức hình phạt đối với từng bị cáo đảm bảo đúng quy định và mang tính nhân văn.

Quá trình điều tra, truy tố và xét hỏi công khai tại phiên tòa, các bị cáo đều thừa nhận diễn biến hành vi phạm tội, tội danh và điều khoản áp dụng đối với các bị cáo thể hiện trong bản cáo trạng là đúng, toàn bộ 27 bị cáo đều đề nghị được xem xét giảm nhẹ hình phạt cũng như bối cảnh khi các bị cáo thực hiện hành vi phạm tội.

Đại diện Viện kiểm sát nhấn mạnh, như vậy, một lần nữa khẳng định Cáo trạng của VKSND tối cao truy tố 27 bị cáo về các tội danh “Vi phạm quy định về nghiên cứu, thăm dò, khai thác tài nguyên”, “Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí”, “Vi phạm quy định về kế toán gây hậu quả nghiêm trọng”, “Buôn lậu”; “Tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có”, “Gây ô nhiễm môi trường” là có căn cứ, đúng người, đúng tội và đúng quy định pháp luật.

 Các bị cáo đều thừa nhận cáo trạng của VKSND tối cao truy tố đúng người, đúng tội, đúng pháp luật. Ảnh: Hồng Nguyên

Các bị cáo đều thừa nhận cáo trạng của VKSND tối cao truy tố đúng người, đúng tội, đúng pháp luật. Ảnh: Hồng Nguyên

Đây là vụ án đặc biệt nghiêm trọng liên quan đến hoạt động khai thác, kinh doanh, xuất khẩu khoáng sản quặng đất hiếm và Cơ quan quản lý Nhà nước có trách nhiệm cấp, gia hạn, thu hồi Giấy phép khai thác khoáng sản.

Cũng theo đại diện Viện kiểm sát, đất hiếm là một loại khoáng sản chiến lược có vai trò quan trọng trong nhiều lĩnh vực công nghiệp hiện đại. Vì vậy, Nhà nước đã ban hành nhiều quy định, quy hoạch và kế hoạch nhằm phát triển ngành công nghiệp khai thác, chế biến và sử dụng khoáng sản quặng đất hiếm một cách bền vững và hiệu quả.

Luật Khoáng sản năm 2010 có hiệu lực từ 01/7/2011 đã quy định cụ thể và chặt chẽ đối với lĩnh vực khoáng sản. Đồng thời, năm 2012, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị 02 ngày 09/01/2012 về việc tăng cường công tác quản lý nhà nước đối với hoạt động thăm dò, khai thác, chế biến, sử dụng và xuất khẩu khoáng sản, trong đó có quặng đất hiếm. Căn cứ theo Chỉ thị nêu trên việc khai thác đất hiếm bắt buộc phải gắn liền với chế biến sâu.

“Dù quy định của pháp luật cũng như chỉ đạo của Chính phủ chặt chẽ như vậy, nhưng các bị cáo trong vụ án này vẫn không chấp hành mà còn cố ý để thực hiện những sai phạm”, đại diện Viện kiểm sát nhận định.

 Các bị cáo đứng nghe đại diện Viện kiểm sát công bố bản luận tội và đề nghị mức án. Ảnh: Hồng Nguyên

Các bị cáo đứng nghe đại diện Viện kiểm sát công bố bản luận tội và đề nghị mức án. Ảnh: Hồng Nguyên

Đúng người, đúng tội, đúng pháp luật

Đối với nhóm bị cáo phạm tội Vi phạm quy định về khai thác tài nguyên, đại diện VKSND chỉ rõ sau khi được cấp Giấy phép số 927 ngày 13/6/2013 của Bộ Tài nguyên và Môi trường, quá trình khai thác khoáng sản, bị cáo Đoàn Văn Huấn (Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Công ty Thái Dương) đã chỉ đạo Nguyễn Văn Chính (Phó Tổng Giám đốc kiêm Kế toán trưởng Công ty Thái Dương), Nguyễn Quang Mạnh (Giám đốc điều hành mỏ Yên Phú - Công ty Thái Dương) thực hiện việc khai thác không đúng Luật Khoáng sản 2010, Nghị định 158 của Chính phủ và nội dung Giấy phép số 927.

Từ năm 2019 đến năm 2023, bị cáo Đoàn Văn Huấn đã chỉ đạo Nguyễn Văn Chính và Nguyễn Quang Mạnh tổ chức khai thác, tiêu thụ trái phép với số lượng hơn 10.292.529 kg quặng đất hiếm hàm lượng Treo 18-20% và 280.846.978 kg quặng sắt. Số tiền thu được từ bán trái phép quặng đất hiếm, quặng sắt là hơn 736 tỉ đồng.

 Bị cáo Đoàn Văn Huấn, Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Công ty Thái Dương. Ảnh: Hồng Nguyên

Bị cáo Đoàn Văn Huấn, Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Công ty Thái Dương. Ảnh: Hồng Nguyên

Đối với nhóm bị cáo phạm tội Buôn lậu tại Công ty CP Đất hiếm Việt Nam, đại diện Viện kiểm sát nêu rõ, Mặc dù tại phần xét hỏi bị cáo Lưu Anh Tuấn (Chủ tịch Công ty CP Đất hiếm Việt Nam) chưa thỏa mãn về hành vi Buôn lậu như Cáo trạng truy tố và cho rằng hành vi phạm tội của bị cáo do nguyên nhân khách quan là có sự mâu thuẫn, chồng chéo, chưa rõ ràng giữa các Thông tư của Bộ Công thương về điều kiện xuất khẩu khoáng sản và Nghị định số 123, 125 của Chính phủ, gây khó hiểu cho người thực hiện.

Tuy nhiên, căn cứ vào lời khai của các bị cáo Đỗ Hạnh Hương (Phó Giám đốc Công ty CP Đất hiếm Việt Nam), Phạm Xuân Hậu và Phạm Thị Yến (nhân viên Xuất nhập khẩu Công ty CP Đất hiếm Việt Nam) là nhân viên cấp dưới đã được thẩm vấn công khai tại phiên tòa đều khẳng định bị cáo Tuấn là người chỉ đạo che giấu, không khai báo đúng về nguồn gốc, xuất xứ của nguyên liệu đất hiếm dùng để chế biến xuất khẩu.

Qua đó, lợi dụng việc xuất khẩu theo loại hình sản xuất xuất khẩu để hợp thức việc xuất khẩu trái phép số lượng quặng đất hiếm đã mua không có hóa đơn, chứng từ của bị cáo Đoàn Văn Huấn. Vì vậy, lý do bị cáo Tuấn đưa ra về những vướng mắc trong việc áp dụng Thông tư, Nghị định không phải là nguyên nhân lý giải cho việc bị cáo thực hiện hành vi phạm tội Buôn lậu.

Căn cứ kết quả điều tra, lời khai trong quá trình điều tra, đặc biệt lời khai nhận tội tại phiên tòa của các bị cáo Phạm Xuân Hậu, Phạm Thị Yến, Đỗ Hạnh Hương có đủ căn cứ để khẳng định: Từ năm 2019 đến 2023, Tuấn là người chỉ đạo điều hành Hậu, Yến, Hương kê khai gian dối 63 Tờ khai hải quan để buôn lậu 473.980 kg Tổng Oxit đất hiếm trị giá hơn 379 tỉ đồng.

 Bị cáo Lưu Anh Tuấn, Chủ tịch Công ty CP Đất hiếm Việt Nam. Ảnh: Hồng Nguyên

Bị cáo Lưu Anh Tuấn, Chủ tịch Công ty CP Đất hiếm Việt Nam. Ảnh: Hồng Nguyên

Đại diện Viện kiểm sát nhấn mạnh, như vậy Cáo trạng của VKSND tối cao truy tố các bị cáo Tuấn, Hương, Yến, Hậu phạm tội Buôn lậu theo khoản 4 Điều 188 Bộ luật Hình sự, trong đó Hương, Yến, Hậu có vai trò đồng phạm giúp sức cho bị cáo Tuấn là đúng người, đúng tội, đúng pháp luật.

Đối với nhóm bị cáo phạm tội Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí tại Bộ Tài nguyên và Môi trường, đại diện Viện kiểm sát nêu rõ trong suốt quá trình điều tra cũng như tại phiên tòa các bị cáo đều thừa nhận hành vi sai phạm.

 Cựu Thứ trưởng Nguyễn Linh Ngọc. Ảnh: Hồng Nguyên

Cựu Thứ trưởng Nguyễn Linh Ngọc. Ảnh: Hồng Nguyên

Các bị cáo biết rõ hồ sơ xin cấp phép khai thác của Công ty Thái Dương (không có giấy chứng nhận đầu tư Dự án Nhà máy thủy luyện Yên Bái; không có Giấy chứng nhận đầu tư nhà máy chiết tách Hải Phòng; vốn chủ sở hữu của Công ty Thái Dương không đảm bảo tỷ lệ bằng 30% tổng số vốn đầu tư của Dư án) nhưng vẫn đề xuất từ cấp dưới để Thứ trưởng Nguyễn Linh Ngọc ký Giấy phép cho Công ty Thái Dương khai thác khoáng sản gây thất thoát Nhà nước hơn 736 tỉ đồng, vi phạm Luật khoáng sản 2010 và Nghị định số 15 của Chính phủ.

Bị cáo Lưu Vũ (Quốc tịch Trung Quốc) phạm tội Tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có thừa nhận hành vi sai phạm, là người nước ngoài vi phạm pháp luật ở Việt nam nên chấp hành quy định pháp luật của Việt Nam, chỉ đề nghị HĐXX xem xét những khoản đã đầu tư vào Việt Nam cho bị cáo.

Do đó, Cáo trạng truy tố bị cáo Lưu Vũ về tội Tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có là đúng người, đúng tội, đúng pháp luật.

Đại diện Viện kiểm sát cũng phân tích, đánh giá về nguyên nhân, điều kiện phạm tội, vị trí vai trò đối với nhóm bị cáo phạm tội Vi phạm quy định về kế toán gây hậu quả nghiêm trọng; Nhóm bị cáo phạm tội Gây ô nhiễm môi trường.

 Quang cảnh phiên tòa xét xử 27 bị cáo. Ảnh: Hồng Nguyên

Quang cảnh phiên tòa xét xử 27 bị cáo. Ảnh: Hồng Nguyên

Bất chấp pháp luật, cố ý để thực hiện hành vi phạm tội

Bản luận tội của Viện kiểm sát nhận định, hành vi phạm tội của 27 bị cáo là nguy hiểm cho xã hội, gây thiệt hại rất lớn cho Nhà nước và xã hội. Các bị cáo đều là những người có trình độ chuyên môn ở từng lĩnh vực khác nhau.

Đối với nhóm các bị cáo bị truy tố về tội Vi phạm quy định về khai thác tài nguyên, Buôn lậu, Tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có chỉ vì lợi ích kinh tế cho cá nhân, doanh nghiệp mà bất chấp pháp luật, cố ý để thực hiện hành vi phạm tội.

Đối với các bị cáo phạm tội Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí, đãng lẽ ra với chức năng, nhiệm vụ là Cơ quan quản lý Nhà nước trong lĩnh vực khoáng sản, các bị cáo phải là người tham mưu, “Gác cổng” cho Chính phủ, cho UBND tỉnh Yên Bái về việc cấp phép, gia hạn, thu hồi Giấy phép khai thác khoáng sản khi chưa đủ điều kiện, nhưng ngược lại các bị cáo biết Công ty Thái Dương chưa đủ điều kiện khai thác nhưng vẫn cấp phép;

Các bị cáo ở Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Yên Bái với chức năng nhiệm vụ của mình, biết và phải biết Công ty Thái Dương có nhiều sai phạm trong khai thác nhưng vẫn báo cáo nhận xét Công ty Thái Dương đã chấp hành các quy định của pháp luật để gia hạn cho Công ty Thái Dương tiếp tục khai thác trái phép gây thiệt hại cho Nhà nước hơn 736 tỉ đồng.

Hành vi phạm tội của 27 bị cáo cần phải có mức hình phạt thật nghiêm khắc để đảm bảo tính răn đe cũng như phòng ngừa chung.

Vũ Phương - Hồng Nguyên

Nguồn BVPL: https://baovephapluat.vn/phap-dinh/ky-an/chi-vi-loi-ich-kinh-te-cac-bi-cao-bat-chap-phap-luat-co-y-thuc-hien-hanh-vi-pham-toi-177698.html