'Chìa khóa' đẩy lùi cái nghèo
Mùa xuân đã về khắp muôn nơi, nhiều hộ nghèo đón thêm niềm vui mới khi nhận được hỗ trợ kịp thời từ Nhà nước và của tỉnh với những chính sách, chương trình, đề án được thực hiện hiệu quả. Năm 2024, với những giải pháp đồng bộ được các cấp, các ngành triển khai đã tạo sinh kế để các hộ nghèo trên địa bàn tỉnh bứt phá vươn lên, tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn tỉnh giảm nhanh và bền vững.
Giúp hộ nghèo “chiếc cần câu”
Trong thời gian qua, tỉnh Tuyên Quang luôn xác định công tác giảm nghèo là một trong những nhiệm vụ quan trọng hàng đầu. Tỉnh đã triển khai đầy đủ các chính sách hỗ trợ của Nhà nước, của tỉnh đối với hộ nghèo. Đồng thời tăng cường các giải pháp như: thu hút đầu tư, tạo việc làm cho người lao động, đẩy mạnh công tác tuyên truyền làm thay đổi ý thức của hộ nghèo…
Việc xác định nguyên nhân nghèo để có biện pháp hỗ trợ hộ nghèo kịp thời được coi là giải pháp căn cơ, hiệu quả nhất. Ngành Lao động - Thương binh và Xã hội đã phối hợp với các cơ quan, đơn vị, các huyện, thành phố tiến hành rà soát số hộ nghèo, hộ cận nghèo trên địa bàn, đồng thời tổ chức đánh giá chất lượng triển khai thực hiện Chương trình giảm nghèo theo từng năm để từ đó tiếp tục triển khai các giải pháp phù hợp.
Gia đình chị Triệu Thị Nghim, dân tộc Dao ở thôn Nà Mỏ, thị trấn Na Hang trước đây nghèo lắm. Song mấy năm trở lại đây, cuộc sống của gia đình chị đã thay đổi nhiều kể từ ngày con gái đi làm việc ở Nhật Bản theo hợp đồng. Không có tiền cho con đi làm việc ở nước ngoài, gia đình chị được Ngân hàng Chính sách xã hội huyện cho vay vốn ưu đãi. Chị Nghim cho biết, con gái chị đi làm việc ở Nhật Bản trong lĩnh vực nông nghiệp, con trai chị cũng đi làm việc ở khu công nghiệp ở tỉnh Hưng Yên. Nhờ có 2 nguồn thu ổn định nên gia đình chị đã xây được nhà khang trang, vươn lên thoát nghèo.
Đối với gia đình chị Đặng Thị Nhung ở thôn Bản Luông, xã Hồng Quang (Lâm Bình), nguyên nhân nghèo được xác định là do thiếu kiến thức sản xuất. Từ đó, gia đình chị được chính quyền địa phương tạo điều kiện tham gia các lớp tập huấn về trồng trọt, chăn nuôi để phát triển cây, con đặc sản. Việc thay đổi cách nghĩ, nếp làm, tích cực ứng dụng khoa học kỹ thuật vào chăn nuôi đã giúp gia đình chị phát triển thành công mô hình kinh tế tổng hợp. Từ mô hình nuôi trâu sinh sản, lợn thịt và trồng rừng đến nay gia đình chị đã vươn lên thoát nghèo, xây được nhà khang trang. Chị Nhung cho biết, để thoát nghèo thì kiến thức là rất quan trọng, nếu mình có kiến thức, kỹ thuật thì việc gì làm cũng thuận, biết ứng dụng khoa học kỹ thuật vào trồng và chăm sóc thì cây trồng vật nuôi sinh trưởng phát triển tốt đem lại lợi nhuận cao hơn nhiều so với cách làm truyền thống trước đây.
Tiếp tục triển khai đồng bộ, hiệu quả các giải pháp
Căn cứ Văn bản hướng dẫn của Bộ, ngành Trung ương, UBND tỉnh Tuyên Quang đã kịp thời chỉ đạo các cơ quan đơn vị tham mưu UBND tỉnh trình HĐND, UBND tỉnh ban hành các nghị quyết, quyết định, kế hoạch, chương trình và các văn bản chỉ đạo kịp thời triển khai thực hiện công tác giảm nghèo nói chung và Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững nói riêng đầy đủ, kịp thời. Tỉnh đã triển khai hiệu quả các dự án, tiểu dự án thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững. Trong đó, tập trung hỗ trợ đầu tư phát triển hạ tầng kinh tế - xã hội các huyện nghèo, các xã đặc biệt khó khăn; đa dạng hóa sinh kế, phát triển mô hình giảm nghèo; phát triển giáo dục nghề nghiệp, việc làm bền vững; hỗ trợ nhà ở cho hộ nghèo, hộ cận nghèo trên địa bàn các huyện nghèo…
Theo Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, từ việc triển khai hiệu quả các chính sách của Nhà nước, của tỉnh, sự nỗ lực vươn lên của mỗi hộ nghèo đã giúp công tác giảm nghèo trên địa bàn tỉnh đạt nhiều kết quả tích cực, tỷ lệ hộ nghèo giảm nhanh và bền vững. Năm 2024 tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh giảm từ 14,03% xuống còn 10,19%, trong năm giảm 3,84% hoàn thành chỉ tiêu giảm nghèo trước 1 năm so với kế hoạch giai đoạn 2021-2025.
Đồng chí Tô Hoàng Linh, Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội cho biết, để tiếp tục thực hiện hiệu quả công tác giảm nghèo trên địa bàn tỉnh trong thời gian tới, Sở tiếp tục phối hợp với các cơ quan, đơn vị, các huyện, thành phố trên địa bàn tỉnh triển khai hiệu quả các giải pháp trọng tâm. Trong đó, đẩy mạnh công tác tuyên truyền nhằm khơi dậy ý chí nỗ lực vươn lên và xóa bỏ tư tưởng trông chờ ỷ lại của hộ nghèo, hộ cận nghèo coi đây là giải pháp then chốt, đột phá để giảm nghèo nhanh và bền vững; đẩy mạnh phát triển sản xuất, tăng thu nhập, cải thiện đời sống nhân dân. Đồng thời quan tâm đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ và tập huấn về kiến thức triển khai thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia cho đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là đội ngũ cán bộ ở cơ sở xã, thôn, bản, những người trực tiếp chỉ đạo thực hiện; tăng cường vai trò chủ động của cấp xã, cộng đồng thôn/bản trong việc quản lý, giám sát đầu tư, khai thác, sử dụng các công trình cơ sở hạ tầng quy mô nhỏ và các dự án hỗ trợ phát triển sản xuất phát huy nguồn lực và đóng góp của người dân trong thực hiện các dự án phát triển sản xuất, chú trọng các mô hình liên kết, gắn phát triển sản xuất với chế biến, tiêu thụ sản phẩm; tăng cường lồng ghép sử dụng hiệu quả nguồn vốn Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững với các Chương trình mục tiêu quốc gia, chương trình phát triển kinh tế - xã hội của địa phương; tiếp tục chỉ đạo triển khai thực hiện việc rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo đảm bảo theo quy định, xác định rõ nguyên nhân của từng hộ nghèo để có giải pháp giảm nghèo phù hợp cho từng hộ gia đình…
Nguồn Tuyên Quang: http://baotuyenquang.com.vn/chia-khoa-day-lui-cai-ngheo-204306.html