Có thể nâng mức giảm trừ gia cảnh tính thuế TNCN vào tháng 10

Lãnh đạo Bộ Tài chính cho biết trường hợp chỉ số CPI năm 2025 biến động cao, quy định về mức giảm trừ gia cảnh khi tính thuế thu nhập cá nhân có thể phải điều chỉnh vào tháng 10.

 Nếu chỉ số CPI năm 2025 biến động mạnh, có thể trình Quốc hội nâng mức giảm trừ gia cảnh cho người nộp thuế vào tháng 10. Ảnh: Nam Khánh.

Nếu chỉ số CPI năm 2025 biến động mạnh, có thể trình Quốc hội nâng mức giảm trừ gia cảnh cho người nộp thuế vào tháng 10. Ảnh: Nam Khánh.

Đây là chia sẻ của ông Trương Bá Tuấn, Phó cục trưởng Cục Quản lý, giám sát thuế phí và lệ phí (Bộ Tài chính) tại cuộc họp báo ngày 7/1.

Cụ thể, liên quan tiến trình xây dựng dự án Luật Thuế thu nhập cá nhân (TNCN) sửa đổi mà Bộ Tài chính đã đề xuất, ông Trương Bá Tuấn cho biết dự thảo này mang tính chất sửa đổi, bổ sung toàn diện Luật Thuế TNCN với 7 nhóm chính sách gồm thu nhập chịu thuế, thu nhập miễn thuế, mức giảm trừ gia cảnh, biểu thuế, thuế suất...

Hiện có ý kiến cho rằng thời gian sửa đổi Luật Thuế TNCN còn khoảng 2 năm (dự kiến trình Quốc hội cho ý kiến vào tháng 10/2025 và thông qua vào tháng 5/2026), trong khi mức giảm trừ gia cảnh hiện tại đã lạc hậu, gây áp lực cho người nộp thuế trong bối cảnh kinh tế nhiều khó khăn.

Lãnh đạo Cục Quản lý, giám sát thuế phí và lệ phí cho biết việc điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh đã được quy định rất rõ theo Luật Thuế TNCN hiện hành.

“Luật quy định rất rõ trường hợp chỉ số giá tiêu dùng (CPI) biến động trên 20% so với lần giảm trừ gia cảnh gần nhất thì Chính phủ báo cáo Quốc hội để điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh cho người nộp thuế”, ông Tuấn nói và cho biết lần gần nhất mức giảm trừ gia cảnh được điều chỉnh là tháng 7/2020.

Hiện tại, mức giảm trừ gia cảnh cho cá nhân người nộp thuế là 11 triệu đồng/tháng và mức giảm trừ gia cảnh cho mỗi người phụ thuộc là 4,4 triệu đồng/tháng.

Ông Tuấn cho biết kể từ lần điều chỉnh gần nhất, tức tháng 7/2020, Bộ Tài chính vẫn thường xuyên theo dõi diễn biến chỉ số CPI để đánh giá đã vượt ngưỡng 20% hay chưa.

Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, chỉ số CPI từ tháng 7/2020 đến cuối năm 2024 mới tăng khoảng 15%, tức chưa vượt ngưỡng 20% theo quy định để nâng mức giảm trừ gia cảnh. Do đó, ông Tuấn khẳng định Bộ Tài chính chưa thể đề xuất Chính phủ trình Quốc hội việc nâng mức giảm trừ gia cảnh.

Tuy nhiên, theo lãnh đạo Cục Quản lý, giám sát thuế phí và lệ phí, chỉ số CPI được dự báo có biến động trong năm 2025. Nếu mức biến động này đủ lớn để lũy kế mức tăng CPI từ tháng 7/2020 vượt ngưỡng 20% thì có thể điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh cho người nộp thuế mà không cần chờ sửa luật.

“Nếu chỉ số CPI có biến động lớn thì có thể tại kỳ họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội vào tháng 10/2025 sẽ có nội dung nghị quyết liên quan tới giảm trừ gia cảnh”, ông Tuấn chia sẻ.

Về dự án Luật Thuế TNCN sửa đổi, lãnh đạo Bộ Tài chính cho rằng đây là chính sách sửa đổi, bổ sung toàn diện nên cần đánh giá kỹ lưỡng, tiếp thu, lấy ý kiến các bộ ngành và đơn vị liên quan.

Hiện Bộ Tài chính đã tổng hợp xong các ý kiến, góp ý của các bộ ngành, địa phương về dự thảo luật. Thời gian tới, Bộ sẽ gửi hồ sơ dự án luật sang Bộ Tư pháp để thẩm định. Theo trình tự, dự thảo luật này sẽ được đăng ký vào chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2025 và dự kiến trình Quốc hội cho ý kiến vào tháng 10/2025, có thể thông qua vào tháng 5/2026.

Quang Thắng

Nguồn Znews: https://znews.vn/co-the-nang-muc-giam-tru-gia-canh-tinh-thue-tncn-vao-thang-10-post1523352.html