'Chìa khóa' đẩy nhanh tiến độ xây dựng nông thôn mới ở Đắk Lắk

Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Đắk Lắk cho biết, vấn đề cốt lõi, quyết định đẩy nhanh tiến độ hoàn thành xây dựng nông thôn mới trên địa bàn là phát triển kinh tế nông thôn.

Những kết quả nổi bật trong xây dựng nông thôn mới

Xác định việc xây dựng nông thôn mới không có điểm kết thúc, hướng đến mục tiêu phát triển nông thôn bền vững, thời gian qua các địa phương trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk đã đồng loạt triển khai nhiều giải pháp, mang lại hiệu quả tích cực. Liên quan đến vấn đề này, PV Người Đưa Tin đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Hoài Dương, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Đắk Lắk, Phó Trưởng Ban Chỉ đạo các Chương trình Mục tiêu quốc gia tỉnh.

NĐT: Thưa ông, ông có thể cho biết về những kết quả đạt được trong công tác xây dựng nông thôn mới của tỉnh Đắk Lắk tính đến thời điểm hiện nay?

Ông Nguyễn Hoài Dương: Đến nay, với sự nỗ lực của các ngành, các cấp, các địa phương và bà con nhân dân, Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới của tỉnh đã đạt được nhiều kết quả quan trọng.

Toàn tỉnh Đắk Lắk có 5 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao.

Toàn tỉnh Đắk Lắk có 5 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao.

Tính đến nay, tỉnh Đắk Lắk đã có 79/149 xã đạt chuẩn nông thôn mới. Dự kiến, đến hết năm 2024 sẽ có 83 xã đạt chuẩn nông thôn mới. Tổng số tiêu chí bình quân mỗi xã đạt 16/16 tiêu chí, đạt 85% số tiêu chí nông thôn mới. Bên cạnh đó, toàn tỉnh đã có 5 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao.

Chương trình xây dựng nông thôn mới mang lại kết quả lớn nhất là góp phần thay đổi ý thức, nhận thức của người dân các vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Người dân không những không dựa vào sự hỗ trợ của nhà nước, của mọi người, mà còn nhận thức được phải nỗ lực vươn lên, cùng với sự hỗ trợ tạo cho mình nền tảng, sinh kế ngày càng phát triển.

Cùng với kết quả nói trên, toàn tỉnh có 230 sản phẩm OCOP. Trong đó, 3 sản phẩm tiềm năng 5 sao, 42 sản phẩm 4 sao... Từ đó, góp phần quan trọng nâng cao giá trị sản phẩm, thu nhập cho bà con ở vùng nông thôn. Đồng thời, tạo ra tư duy mới trong sản xuất sản phẩm có chất lượng, có thương hiệu. Đây là vấn đề quan trọng, bền vững để các sản phẩm của địa phương được đưa ra thị trường trong và ngoài nước, mang lại hiệu quả cao. Qua đó, đóng góp lớn cho sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Ông Nguyễn Hoài Dương, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Đắk Lắk tham quan mô hình sản xuất chuối công nghệ cao trên địa bàn.

Ông Nguyễn Hoài Dương, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Đắk Lắk tham quan mô hình sản xuất chuối công nghệ cao trên địa bàn.

NĐT: Trong thời gian tới, tỉnh Đắk Lắk sẽ phải đối diện với những khó khăn, thách thức nào trong công tác xây dựng nông thôn mới, thưa ông?

Ông Nguyễn Hoài Dương: Bên cạnh những kết quả đã đạt được, chặng đường xây dựng nông thôn mới của tỉnh trong thời gian đến cũng còn nhiều rất gian gian và còn rất nhiều vấn đề.

Trong thời gian đến, chúng tôi đặt ra mục tiêu lớn, quan trọng là phải tập trung hoàn thành chương trình xây dựng nông thôn mới của tỉnh. Tuy nhiên, Đắk Lắk là tỉnh có điểm xuất phát còn có nhiều khó khăn, đặc biệt là kết cấu hạ tầng, diện tích rộng lớn. Bình quân một xã có hơn 8.300ha, gấp 3 lần bình quân 1 xã của cả nước.

Bên cạnh đó, dân cư nhiều vùng sống thưa thớt, điều kiện kinh tế xã hội của nhiều vùng cũng còn nhiều khó khăn. Hơn nữa, nguồn lực đầu tư trong giai đoạn 2021-2025 lại giảm, chỉ bằng 2/3 so với giai đoạn trước. Trong khi đó, giai đoạn 2021-2025, bộ tiêu chí chương trình xây dựng nông thôn mới vừa ban hành lại yêu cầu rất cao, các tiêu chí và chất lượng đều cao hơn so với giai đoạn trước. Những xã đã đạt chuẩn trước đây, đa phần có những cái thuận lợi nhưng các xã sau này lại khó khăn hơn.

Do đó, vấn đề xây dựng nông thôn mới của tỉnh trong thời gian đến rất khó khăn, đòi hỏi sự nỗ lực cao độ của các ngành, các cấp thì mới có thể hoàn thành được.

Những tuyến đường nông thôn mới ở các vùng sâu, vùng xa được xây dựng khang trang.

Những tuyến đường nông thôn mới ở các vùng sâu, vùng xa được xây dựng khang trang.

Cần cụ thể hóa cơ chế, chính sách ở các địa phương

NĐT: Trước những khó khăn đặt ra, ông có thể chia sẻ về các giải pháp để việc thực hiện xây dựng nông thôn mới trong giai đoạn tới đạt hiệu quả cao?

Ông Nguyễn Hoài Dương:Trong giai đoạn tới, chúng tôi cho rằng, phải tập trung nhiều giải pháp trọng tâm. Trước hết, cả hệ thống chính trị phải ý thức cao về vai trò, trách nhiệm của mình trong xây dựng nông thôn mới. Đồng thời, phải cụ thể hóa bằng các chương trình, kế hoạch ở từng địa phương để đạt được các mục tiêu, chỉ tiêu của cả giai đoạn và hàng năm đề ra.

Thêm vào đó, phải đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phát huy vai trò chủ thể của người dân ở vùng nông thôn trong việc cùng bàn bạc các vấn đề lớn của địa phương, đồng thời trực tiếp tham gia đóng góp sức người, công của phù hợp để góp phần hoàn thành xây dựng nông thôn mới.

Nhiều công trình thủy lợi được chú trọng đầu tư.

Nhiều công trình thủy lợi được chú trọng đầu tư.

Ngoài trách nhiệm của các địa phương, rất cần vai trò, trách nhiệm của các sở, ban, ngành của tỉnh trong việc kiểm tra, giám sát, hướng dẫn, tạo điều kiện, cụ thể hóa các cơ chế, chính sách vào thực tế, thực tiễn ở các địa phương. Như vậy, mới có thể thúc đẩy nhanh, hỗ trợ cho các địa phương trong công tác xây dựng nông thôn mới.

Việc đầu tư kết cấu hạ tầng cũng là nhiệm vụ hết sức quan trọng và đóng góp rất lớn đến việc hoàn thành xây dựng nông thôn mới. Do đó, các địa phương cần phải lựa chọn xây dựng các công trình phù hợp, mang tính lan tỏa. Ngoài vốn nhà nước, phải huy động sự đóng góp của người dân, doanh nghiệp, thu hút các nguồn lực đầu tư, góp phần hoàn thiện kết cấu hạ tầng nông thôn. Trong đầu tư kết cấu hạ tầng nông thôn, đòi hỏi phải làm đúng quy trình, đúng quy định, phải được công khai, minh bạch nhằm đảm bảo các công trình đạt chất lượng, sớm phát huy hiệu quả.

Ngoài ra, người dân phải tham gia tích cực vào quá trình xây dựng địa phương, phát huy vai trò tự quản, đảm bảo an ninh trật tự, giảm dần các tệ nạn xã hội. Các ngành, các cấp cần tăng cường hơn nữa việc kiểm tra, giám sát, đóng góp ý kiến cho địa phương để chương trình xây dựng nông thôn mới được liên tục và có hiệu quả nhất.

Nhiều mô hình liên kết sản xuất nông nghiệp mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Nhiều mô hình liên kết sản xuất nông nghiệp mang lại hiệu quả kinh tế cao.

NĐT: Theo ông, vấn đề cốt lõi nào giúp thúc đẩy nhanh tiến độ hoàn thành xây dựng nông thôn mới?

Ông Nguyễn Hoài Dương, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Đắk Lắk phát biểu tại buổi lễ công bố xã Ea Kao (Tp.Buôn Ma Thuột) đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao.

Ông Nguyễn Hoài Dương, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Đắk Lắk phát biểu tại buổi lễ công bố xã Ea Kao (Tp.Buôn Ma Thuột) đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao.

Ông Nguyễn Hoài Dương: Tôi cho rằng, phát triển triển kinh tế nông thôn là vấn đề cốt lõi, quyết định đẩy nhanh việc hoàn thành xây dựng nông thôn mới. Để làm được điều này, cần tổ chức lại các khâu sản xuất của vùng nông thôn, trong đó nông nghiệp là chủ đạo.

Phải tập trung tái cơ cấu nông nghiệp ở vùng theo hướng chuyên canh tập trung các sản phẩm chủ lực, có thế mạnh của địa phương theo chuỗi giá trị.

Đặc biệt, phải phát triển mạnh mẽ các hợp tác xã để gắn kết người nông dân, tạo ra sản phẩm đảm bảo chất lượng, có chứng nhận và liên kết hợp tác với các doanh nghiệp. Từ đó, sản phẩm được tạo ra có giá thành giảm, chất lượng đảm bảo và có đầu ra, tiêu thụ tốt. Như vậy, mới tạo nền tảng phát huy nông nghiệp tại địa phương theo hướng bền vững, hiệu quả.

Khánh Ngọc

Nguồn Người Đưa Tin: https://nguoiduatin.vn/chia-khoa-day-nhanh-tien-do-xay-dung-nong-thon-moi-o-dak-lak-20424112112565829.htm