Chìa khóa để đồng bào sông nước 'bám bờ'
Sau gần 20 năm thực hiện Chỉ thị số 08-CT/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy (khóa XV) về đẩy mạnh cuộc vận động 'Toàn dân hỗ trợ, giúp đỡ hộ nghèo chưa có nhà ở, đang ở nhà tạm bợ, dột nát và ổn định đồng bào sinh sống trên sông', nhiều địa phương đã bố trí quỹ đất cho đồng bào sinh sống trên sông lên cạn ổn định cuộc sống; kêu gọi các nguồn lực hỗ trợ hộ nghèo xây dựng nhà ở.
(Ảnh minh họa)
Trong gần hai thập kỷ qua dù toàn tỉnh đã cấp đất, hỗ trợ xây dựng 812 nhà ở cho đồng bào nghèo sinh sống trên sông, nhưng hiện vẫn còn 324 hộ, trong đó có 308 hộ là đồng bào công giáo chưa thể lên cạn. Nguồn thủy sản cạn kiệt, thu nhập bấp bênh cứ níu chặt họ lại với con thuyền và hành trình chật hẹp trên những khúc sông quen thuộc. Việc học hành của con cái cũng chấp chôm theo hành trình của những mái chèo.
Để tiếp tục triển khai thực hiện hiệu quả chủ trương hỗ trợ đồng bào nghèo sinh sống trên sông xây dựng nhà ở, phấn đấu đến năm 2023 hoàn thành việc cấp đất ở và hỗ trợ xây dựng xong 324 nhà ở cho đồng bào nghèo đang sinh sống trên sông lên cạn định cư, cần phải có sự khẩn trương, trách nhiệm hơn nữa của các cấp ủy, chính quyền, đoàn thể, sự chung tay, góp sức của nhà hảo tâm và toàn dân. Trong đó những địa phương đang có đồng bào sinh sống trên sông phải tập trung cao cho công tác lãnh, chỉ đạo, sớm xây dựng đề án, kế hoạch giải quyết tình trạng khó khăn về đất ở và hỗ trợ đồng bào xây dựng nhà ở, ổn định đời sống. Đồng thời đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức của các cấp, ngành, cán bộ, đảng viên và Nhân dân về ý nghĩa, tầm quan trọng của việc thực hiện chủ trương hỗ trợ xây dựng nhà ở cho đồng bào nghèo sinh sống trên sông.
Cùng với kinh phí hỗ trợ từ ngân sách, các địa phương cần tiếp tục đẩy mạnh xã hội hóa để hỗ trợ đồng bào xây dựng nhà ở. Việc huy động phải công khai, minh bạch, sử dụng đúng mục đích, không xảy ra sai sót trong tiếp nhận và phân bổ, nhằm vừa hỗ trợ trước mắt vừa tạo động lực khuyến khích đồng bào vươn lên sau đó. Đặc biệt, cần phải bảo đảm người dân được tiếp cận với các dịch vụ thiết yếu ngay khi chuyển đến nơi ở mới; trẻ em được đến trường; xây dựng, triển khai phương án chuyển đổi nghề, tạo việc làm và hỗ trợ sinh kế lâu dài sau khi đồng bào định cư trên cạn. Phải xem đây là chìa khóa mở ra cánh cửa cho bà con “bám bờ”, không quay lại với sông nước như từng xảy ra trước đó.