Chìa khóa để phát triển Đông Nam Á
Năm 2024, trước nhiều thách thức và cơ hội, Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) sẽ cần tăng cường các nỗ lực chung và đoàn kết nội khối. Trong đó, trên cương vị Chủ tịch ASEAN năm 2024, Lào có 9 ưu tiên chính, là những 'chìa khóa' cho sự phát triển khu vực.
Chung sức thúc đẩy nền kinh tế tuần hoàn và trung hòa carbon
Trong bối cảnh thế giới và khu vực chứng kiến những biến động đa chiều, nhanh chóng và phức tạp, những ưu tiên mà ASEAN đặt ra trong năm 2024 đều cho thấy sự hướng tới tăng cường kết nối và khả năng phục hồi. Năm 2024 cũng là giai đoạn cuối cùng thực hiện Kế hoạch Tổng thể về kết nối ASEAN (MPAC) 2025, được thông qua năm 2016. Vì vậy, việc tăng cường kết nối và khả năng phục hồi là điều rất phù hợp với ASEAN trong giai đoạn hiện nay.
Theo Tổng Thư ký ASEAN Kao Kim Hourn, 9 ưu tiên chính trong vai trò Chủ tịch ASEAN của Lào trong năm nay đều là “chìa khóa” cho sự phát triển của khu vực, thể hiện sâu sắc ở 4 nội dung tăng cường kết nối và 5 nội dung tăng cường khả năng phục hồi.
Trong đó, ASEAN xác định rằng, hợp tác, kết nối về kinh tế sẽ giúp tăng cường sức mạnh nội khối, bao gồm việc hướng tới mục tiêu phát triển nền kinh tế xanh và giải quyết vấn đề biến đổi khí hậu, là những thách thức hiện nay của khu vực. Ông Hourn nhấn mạnh, biến đổi khí hậu là thách thức toàn cầu đối với toàn nhân loại và đối với tất cả các quốc gia. ASEAN đã đặt ra rất nhiều nỗ lực và ưu tiên, trong đó có chiến lược châu Á về trung hòa carbon. ASEAN cam kết phát triển bền vững bằng cách nhấn mạnh các hoạt động xuyên suốt về nền kinh tế tuần hoàn và trung hòa carbon. Kế hoạch thực hiện Khung kinh tế tuần hoàn cho Cộng đồng Kinh tế (AEC), cũng như Chương trình Công tác tương ứng để hỗ trợ thực hiện Khung kinh tế tuần hoàn là "chìa khóa" để đạt được một tương lai ít carbon cho ASEAN.
Thực tế hiện nay, một số nước thành viên ASEAN đã triển khai các dự án riêng lẻ, như biến rác thải thành giải pháp năng lượng ở Việt Nam, Thái Lan, Malaysia. Các nước thành viên ASEAN và đối tác cũng đang hợp tác triển khai một số dự án khác, thể hiện nỗ lực trong việc ASEAN không chỉ ứng phó mà còn giảm thiểu được những tác động xấu của biến đổi khí hậu từ hình thái thời tiết cực đoan như bão, lốc, lũ lụt, hạn hán...
Tổng Thư ký ASEAN chỉ ra rằng, việc xây dựng Chiến lược ASEAN về trung hòa carbon đang được tiến hành sẽ cung cấp một lộ trình toàn diện, có trật tự và có hệ thống. Chiến lược được xây dựng dựa trên các sáng kiến hiện có và xác định các lĩnh vực chung để đẩy nhanh quá trình chuyển đổi của khu vực sang trung hòa carbon và phát triển bền vững.
ASEAN đã thực hiện hơn 50 sáng kiến, bao gồm các lĩnh vực đa dạng như: Công nghệ sinh học; khí tượng; vi điện tử và công nghệ vũ trụ. Song hành với đó, để thúc đẩy tăng trưởng xanh, một số sáng kiến đã được triển khai như: Thành lập Mạng lưới ASEAN về sinh học, thông tin và kinh tế xanh; xây dựng Hướng dẫn về biến đổi khí hậu; chuyển giao công nghệ các giải pháp điện tử sẵn sàng từ công nghệ xanh đến doanh nghiệp.
Thúc đẩy thịnh vượng và nâng cao lợi ích cho người dân
Về định hình Chiến lược hợp tác đến năm 2045, Tổng Thư ký ASEAN cho biết, ASEAN đã chuẩn bị từ rất sớm cho giai đoạn phát triển mới thông qua việc định hình chiến lược hợp tác này. Khi tiếp tục củng cố quá trình xây dựng Cộng đồng thông qua việc thực hiện đầy đủ Tầm nhìn Cộng đồng ASEAN 2025, ASEAN đã bắt đầu lên kế hoạch cho giai đoạn tiếp theo trong tương lai của khu vực. Nền tảng cho tương lai của ASEAN sau năm 2025 bắt đầu sớm với việc thông qua Tuyên bố Hà Nội về Tầm nhìn Cộng đồng ASEAN sau năm 2025 tại Hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 37 năm 2020.
Năm 2022, Nhóm đặc nhiệm cấp cao về Tầm nhìn Cộng đồng ASEAN sau năm 2025 (HLTF-ACV) đã được thành lập với sứ mệnh chung là xây dựng Tầm nhìn ASEAN thể hiện khát vọng của cả các nhà lãnh đạo và người dân ASEAN sau năm 2025. Đến nay, ASEAN đã đạt được một số cột mốc quan trọng trong quá trình phát triển Tầm nhìn Cộng đồng ASEAN sau năm 2025, bao gồm các yếu tố cốt lõi của Tầm nhìn Cộng đồng ASEAN sau năm 2025, liên quan đến các thành phần cơ bản của những gì ASEAN mong muốn và các khuyến nghị nhằm tăng cường sức mạnh của ASEAN; nâng cao năng lực thể chế và hiệu quả.
Trong bối cảnh cạnh tranh nước lớn ngày càng gay gắt, khó lường, để đảm bảo vai trò trung tâm của ASEAN và thúc đẩy phát triển khu vực, ASEAN nhất quán chủ trương đưa quan hệ giữa ASEAN và các đối tác đi vào chiều sâu, thực chất và hiệu quả.
“ASEAN là đối tác vì hòa bình, thịnh vượng và vì con người. Vì vậy, chúng tôi luôn tăng cường hợp tác giữa các quốc gia thành viên và với các quốc gia khác để thúc đẩy sự phát triển chung với các đối tác bên ngoài nhằm duy trì hòa bình, thúc đẩy thịnh vượng và nâng cao lợi ích cho người dân” - Tổng Thư ký ASEAN Kao Kim Hourn nêu rõ.
Ông Hourn cho hay, ASEAN duy trì sự thống nhất trên cơ sở các cam kết chung và trách nhiệm chung vì hòa bình, thịnh vượng của khu vực và toàn cầu, các nguyên tắc tôn trọng độc lập, chủ quyền, không can thiệp vào công việc nội bộ của các nước thành viên. ASEAN hợp tác thông qua việc thúc đẩy sự hiểu biết sâu sắc hơn, xây dựng lòng tin và tăng cường hợp tác nhằm theo đuổi lợi ích chung trong nhận thức đầy đủ về lợi ích quốc gia của các nước thành viên. Đây là thế mạnh riêng của ASEAN và là yếu tố quan trọng của Phương thức ASEAN.
Từ thực tế lịch sử cho thấy, các thành viên ASEAN và người dân có thể chung sống hòa thuận và đoàn kết dù có sự đa dạng. Trong nhiều trường hợp, ASEAN đã có thể quản lý và biến bất lợi thành lợi thế. Các quyết định trong ASEAN được đưa ra dựa trên sự đồng thuận. “Phương thức ASEAN” này nhằm đảm bảo rằng không quốc gia thành viên nào bị bỏ lại phía sau trong việc giải quyết các vấn đề cùng quan tâm hoặc lợi ích chung.
Ông Kao Kim Hourn khẳng định, người dân các nước ASEAN có nhiều điểm chung hơn là khác biệt. Ngoài lịch sử và đặc điểm địa lý chung, những điểm tương đồng về ngôn ngữ, tôn giáo, thuộc tính và tập quán văn hóa, các dân tộc ASEAN còn có lịch sử lâu dài và tiếp tục tương tác thông qua thương mại, tôn giáo và di cư. Trong những lúc cần thiết như thiên tai, các nước láng giềng ASEAN luôn chung tay thể hiện sự quan tâm, chia sẻ của ASEAN.
Từ đó, Tổng Thư ký ASEAN tin tưởng, ASEAN sẽ có thể phát huy truyền thống đoàn kết, thống nhất của mình và vượt lên trên những thách thức. Dù từng nước ASEAN có tốc độ phát triển khác nhau, chẳng hạn như khi thực hiện các cam kết kinh tế; tuy nhiên, cả 10 nước thành viên ASEAN đều có chung mục tiêu và tầm nhìn về một Cộng đồng ASEAN ổn định, tự cường và thịnh vượng - đó là điều quan trọng nhất, có thể xóa nhòa những vấn đề liên quan tới tốc độ phát triển.
Nguồn Biên Phòng: https://bienphong.com.vn/chia-khoa-de-phat-trien-dong-nam-a-post473140.html