'Chìa khóa' giảm nghèo bền vững

Thời gian qua, đồng hành với người dân thoát nghèo bền vững, các cấp, ngành ở huyện Lộc Ninh đã triển khai đồng bộ, kịp thời các chính sách đến hộ nghèo, cận nghèo. Trong đó, tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi và trao sinh kế là một trong những 'chìa khóa' giúp các hộ vượt khó thoát nghèo bền vững.

Phát huy hiệu quả vốn vay

Chị Nguyễn Thị Thúy An ở xã Lộc Phú, huyện Lộc Ninh là một trong những hộ vượt khó vươn lên ổn định cuộc sống nhờ sử dụng hiệu quả vốn vay ưu đãi. Chị An cho biết, chị được vay 20 triệu đồng hộ cận nghèo năm 2020 để đầu tư nuôi dê và trồng tiêu. Năm 2022, gia đình chị thoát cận nghèo, trả nợ đến hạn theo quy định. Tuy nhiên, bản thân chị luôn lo lắng vì trả nợ xong, nguồn vốn tái sản xuất chẳng còn là bao, nếu không may gặp rủi ro trong chăn nuôi thì rất dễ tái nghèo. Đúng lúc đó, năm 2023, gia đình chị được bình xét vay vốn chương trình hộ mới thoát nghèo, với số tiền 40 triệu đồng. Có vốn, chị cải tạo, mở rộng xây dựng chuồng nuôi dê. Với cách làm kinh tế tổng hợp, chăn nuôi kết hợp trồng tiêu mang lại cho gia đình thu nhập ổn định hơn.

Chị Thạch Thị Kim Thành, xã Lộc Hòa, huyện Lộc Ninh chăm sóc vườn cây ăn trái đầu tư từ nguồn vốn vay Ngân hàng CSXH huyện

Chị Thạch Thị Kim Thành, xã Lộc Hòa, huyện Lộc Ninh chăm sóc vườn cây ăn trái đầu tư từ nguồn vốn vay Ngân hàng CSXH huyện

Từng là hộ có điều kiện kinh tế khó khăn của địa phương, nhưng gần 2 năm trở lại đây, kinh tế gia đình chị Thạch Thị Kim Thành ở xã Lộc Hòa, huyện Lộc Ninh đã có những chuyển biến tích cực. Từ vốn vay 50 triệu đồng của Ngân hàng Chính sách xã hội (CSXH) huyện năm 2022, gia đình chị đầu tư cải tạo đất và mua cây giống về trồng. Hiện gia đình chị đã phát triển vườn cây ăn trái sầu riêng và chôm chôm Thái gần 1 ha với hệ thống tưới nước tự động giúp cây phát triển tốt. Chị Thành chia sẻ: Ngoài vốn đầu tư vào vườn cây ăn trái, gia đình còn được vay 20 triệu đồng để làm nhà vệ sinh và khoan giếng nước. Nhờ có nguồn vốn chính sách nên cuộc sống gia đình đã ổn định hơn trước rất nhiều.

Giám đốc Phòng Giao dịch Ngân hàng CSXH huyện Lộc Ninh Nguyễn Đức Phong cho biết: Năm 2023, Ngân hàng CSXH huyện xét cho 230 hộ nghèo, khó khăn vay với tổng hơn 9 tỷ đồng. Ngoài tạo điều kiện tốt nhất để các hộ nghèo, cận nghèo, hộ đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) tiếp cận vốn này, các tổ chức hội, đoàn thể nhận ủy thác đã chủ động tìm hiểu nhu cầu, định hướng cây - con giống phù hợp, chuyển giao khoa học - kỹ thuật. Qua đó, giúp các hộ vay sử dụng hiệu quả nguồn vốn, từng bước thoát nghèo bền vững.

Trao sinh kế phù hợp

Chị Nguyễn Thị Mau ở xã Lộc Thuận, huyện Lộc Ninh hoàn cảnh đặc biệt khó khăn. Chị bị khuyết tật, sống một mình. Thời gian qua, được sự quan tâm của Đảng ủy, chính quyền xã cùng các nhà hảo tâm, chị Mau được trao tặng nhà tình thương, hỗ trợ 2 con bò giống trị giá 40 triệu đồng. Đây là việc làm ý nghĩa thiết thực, tạo sinh kế để chị Mau sớm vượt qua khó khăn, vươn lên thoát nghèo. Chị Mau chia sẻ: Khi được tặng nhà và bò giống, tôi mừng lắm. Nhờ chăm sóc tốt, đầu năm nay bò đã sinh thêm 2 con bê. Tôi cảm ơn sự quan tâm, chăm lo của các cấp, nhà hảo tâm và sẽ phấn đấu vươn lên để có cuộc sống ổn định hơn.

Các hộ nghèo, hộ dân tộc thiểu số được trao sinh kế (bò giống) để có điều kiện vươn lên thoát nghèo bền vững

Các hộ nghèo, hộ dân tộc thiểu số được trao sinh kế (bò giống) để có điều kiện vươn lên thoát nghèo bền vững

Với phương châm hỗ trợ sinh kế, thay đổi nếp nghĩ, cách làm nhằm tạo động lực để các hộ thoát nghèo bền vững, điểm nhấn trong công tác giảm nghèo năm 2023 của huyện Lộc Ninh là đã lồng ghép nguồn lực từ chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững với chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi cùng chương trình giảm 1.000 hộ nghèo DTTS trên địa bàn tỉnh, với tổng vốn thực hiện trong năm qua hơn 200 tỷ đồng. Qua đó đã kịp thời hỗ trợ người dân phát triển sản xuất, ổn định cuộc sống, thoát nghèo bền vững.

Từ những chính sách hỗ trợ thiết thực, đến cuối năm 2023, toàn huyện Lộc Ninh giảm được 196 hộ nghèo, trong đó, giảm 125 hộ nghèo DTTS, đưa số hộ nghèo toàn huyện xuống còn 34 hộ, chiếm 0,1% tổng số hộ dân. Trong đó, số hộ nghèo DTTS giảm còn 14, chiếm 41,17% tổng số hộ nghèo; vượt chỉ tiêu tỉnh giao 0,02%. Các xã Lộc Ðiền, Lộc Thạnh, Lộc Thịnh và thị trấn Lộc Ninh không còn hộ nghèo. Hiện toàn huyện còn 422 hộ cận nghèo, chiếm 1,27% tổng số hộ dân, trong đó 227 hộ cận nghèo DTTS, chiếm 54,69%.

Có thể thấy, việc lồng ghép nguồn lực từ các chương trình giảm nghèo ở huyện vùng biên Lộc Ninh đang mang lại hiệu quả tích cực. Đây là “chìa khóa” để các hộ vươn lên phát triển kinh tế, tăng thu nhập, từng bước thoát nghèo bền vững. Từ đó, chất lượng cuộc sống người dân trên địa bàn huyện dần được nâng cao, góp phần đưa Lộc Ninh sớm hoàn thành mục tiêu về đích huyện nông thôn mới vào cuối năm 2024.

Hoàng Mỹ

Nguồn Bình Phước: https://baobinhphuoc.com.vn/news/9/155463/chia-khoa-giam-ngheo-ben-vung