'Chìa khóa' giúp ngành Hải quan đáp ứng lượng việc gia tăng nhanh chóng
Theo báo cáo của Bộ Tài chính trước thềm phiên chất vấn và trả lời chất vấn tại Phiên họp thứ 31 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội vừa qua đối với nhóm vấn đề thuộc lĩnh vực tài chính, toàn ngành Hải quan đã nỗ lực đơn giản hóa, hài hòa hóa các thủ tục hải quan, kiểm tra, giám sát hải quan, chuẩn hóa các chế độ quản lý hải quan.
Kỳ 1: Nỗ lực đơn giản hóa, hài hòa hóa thủ tục hải quan
Với nỗ lực của toàn ngành Hải quan, các nội dung về thủ tục hải quan, kiểm tra, giám sát hải quan được đơn giản hóa, hài hòa hóa, các chế độ quản lý hải quan được chuẩn hóa phù hợp với Công ước Kyoto sửa đổi; thực hiện thủ tục hải quan chủ yếu bằng phương thức điện tử.
Thông quan với tờ khai luồng xanh chỉ từ 1 - 3 giây
Cùng với nỗ lực đơn giản hóa thủ tục, ngành Hải quan đã áp dụng phương pháp quản lý rủi ro có những bước phát triển nhanh chóng; kiểm tra sau thông quan hoạt động chuyên nghiệp; triển khai Cơ chế một cửa quốc gia, một cửa ASEAN; xây dựng và áp dụng chế độ ưu tiên đặc biệt; xây dựng và phát triển hệ thống xác định trước trị giá hải quan, phân loại hàng hóa và xuất xứ hàng hóa; đại lý làm thủ tục hải quan được xây dựng và phát triển, từng bước trở thành cầu nối quan trọng giữa Hải quan và tổ chức, cá nhân thực hiện xuất nhập khẩu hàng hóa.
Cụ thể, thủ tục hải quan được đơn giản, hài hòa hóa, phù hợp với chuẩn mực và thông lệ quốc tế trên các phương diện: Loại bỏ các yêu cầu cung cấp thông tin, chứng từ trùng lắp, chồng chéo; phân định rõ thủ tục và các chế độ quản lý hải quan trên cơ sở khuyến nghị và chuẩn mực của Công ước Kyoto sửa đổi; hài hòa hóa các thủ tục và chế độ hải quan có chung nội dung, bản chất về một thủ tục, chế độ quản lý chuẩn mực trên cơ sở khuyến nghị của Công ước Kyoto sửa đổi.
Triển khai Hệ thống thông quan điện tử tự động VNACCS/VCIS tại 100% các Cục Hải quan tỉnh, TP, 100% các Chi cục Hải quan trên cả nước với 100% các loại hình hải quan cơ bản, trên 99,56% tổng số doanh nghiệp (DN) thực hiện thủ tục hải quan, đạt 99,32% tổng kim ngạch xuất nhập khẩu và hơn 99,63% tổng số tờ khai hải quan trên cả nước. Việc triển khai thủ tục hải quan điện tử đã tạo ra bước cải cách đột phá, thay đổi toàn diện phương thức khai, nộp hồ sơ hải quan từ thủ công sang điện tử, việc xử lý phản hồi của cơ quan Hải quan cho DN cũng thực hiện thông qua hệ thống điện tử, tạo thuận lợi lớn cho hoạt động xuất nhập khẩu, giảm thiểu chứng từ, giấy tờ và đơn giản hóa hồ sơ hải quan trong các khâu, các bước thực hiện thủ tục hải quan, giảm bớt sự tiếp xúc giữa công chức hải quan và DN, hạn chế các phiền hà, tiêu cực, sách nhiễu, giảm thời gian và chi phí cho DN. Thời gian tiếp nhận và thông quan đối với tờ khai luồng xanh chỉ từ 1 - 3 giây.
Giảm đáng kể tỷ lệ các lô hàng phải kiểm tra
Trong bối cảnh lượng hàng hóa xuất nhập khẩu ngày càng tăng với kim ngạch xuất nhập khẩu ngày càng nhiều, số lượng tờ khai phát sinh lớn trong khi số lượng biên chế không tăng thêm mà còn phải thực hiện tinh giản theo chính sách tinh giản biên chế của Đảng và Nhà nước, việc thực hiện thủ tục hải quan điện tử và ứng dụng công nghệ thông tin trong các khâu nghiệp vụ hải quan, đã giúp ngành Hải quan đáp ứng được mức độ gia tăng nhanh chóng của khối lượng công việc. Theo đó, tổng trị giá xuất nhập khẩu của cả nước trong năm 2023 đạt 649,96 tỷ USD, tương ứng với hơn 14 triệu tờ khai, trong đó xuất khẩu đạt 337,62 tỷ USD và nhập khẩu đạt 312,35 tỷ USD.
Ngoài ra, việc trao đổi, chia sẻ dữ liệu điện tử với các cơ quan quản lý có liên quan, các nước trong khu vực và trên thế giới cũng thông qua Cổng thông tin một cửa quốc gia, một cửa ASEAN đã mang lại lợi ích to lớn cho DN và cho cơ quan Hải quan. Trong năm 2023, Cơ chế một cửa quốc gia đã có 250 thủ tục hành chính của 13 Bộ, ngành kết nối với sự tham gia của 67.830 DN. Kết nối chính thức để trao đổi thông tin chứng nhận xuất xứ mẫu D điện tử với tất cả 9 nước thành viên ASEAN. Phối hợp với Ban Thư ký ASEAN và các nước thành viên để triển khai kết nối trao đổi tờ khai Hải quan ASEAN theo đúng kế hoạch, lộ trình chung. Chuẩn bị các yêu cầu liên quan để kết nối thử nghiệm trao đổi chứng nhận kiểm dịch thực vật. Bên cạnh đó, ASEAN cũng đang trao đổi để xây dựng giải pháp, lộ trình kết nối trao đổi chứng từ điện tử giữa ASEAN và các đối tác: Nhật Bản, Trung Quốc, Hàn Quốc.
Công tác giám sát hải quan đã thay đổi cơ bản về mục tiêu, yêu cầu, phương thức giám sát hải quan, tạo ra chuyển biến mạnh mẽ, đặc biệt là ở các địa bàn trọng điểm như cảng biển, cảng hàng không. Chế độ ưu tiên đối với DN được chính thức áp dụng, đến nay tổng số DN ưu tiên được công nhận là hơn 70 DN, gần 40% tổng kim ngạch xuất nhập khẩu cả nước.
Áp dụng quản lý rủi ro trong việc giải quyết thủ tục hải quan, kiểm tra giám sát hải quan trong những năm qua cũng đã có những bước phát triển nhanh chóng; các biện pháp khuyến khích các DN chấp hành tốt pháp luật, tăng cường kiểm tra, kiểm soát các đối tượng trọng điểm, hàng hóa có độ rủi ro cao được áp dụng đã hài hòa giữa yêu cầu tạo thuận lợi cho hoạt động xuất nhập khẩu và bảo đảm yêu cầu quản lý nhà nước về hải quan, thúc đẩy việc thông quan nhanh hàng hóa, giảm thiểu các chi phí phát sinh cho cơ quan Hải quan và DN. Số liệu thống kê cho thấy, thời gian qua tỷ lệ các lô hàng phải kiểm tra hồ sơ, kiểm thực tế hàng hóa trong thực hiện thủ tục hải quan đã giảm đáng kể. Năm 2023, toàn ngành phát sinh hơn 14 triệu tờ khai, trong đó luồng xanh miễn kiểm tra chiếm 68,35%, luồng vàng kiểm tra hồ sơ 27,83%, luồng đỏ kiểm tra thực tế hàng hóa là 3,82%.
Ngành Hải quan đã đẩy mạnh công tác kiểm tra bằng việc chủ động trang bị các trang thiết bị kỹ thuật trong kiểm tra hải quan như máy soi, cân điện tử. Việc kiểm tra qua máy soi container trung bình từ 1 - 3 phút, kiểm tra kết hợp máy soi và thủ công trung bình khoảng hơn 30 phút.