'Chìa khóa' hỗ trợ công tác quản lý, bảo vệ rừng

Để hỗ trợ cho các tổ chức, hộ gia đình có thêm nguồn lực giữ rừng, Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng tỉnh nỗ lực triển khai các giải pháp thu tiền dịch vụ môi trường rừng (DVMTR) và chi trả kịp thời cho các đơn vị, tổ chức, cá nhân để các chủ rừng trên địa bàn tỉnh yên tâm giữ rừng.

Theo Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng tỉnh, trong năm 2024, đơn vị đã giải ngân cho các chủ rừng, UBND các xã được 22.782.219 nghìn đồng, trong đó kinh phí năm 2024 là 2.218.242/27.295.773 nghìn đồng, đạt 8% kế hoạch; năm 2023 là 21.563.977/22.790.950,237 nghìn đồng, đạt 95%; giải ngân cho hộ gia đình, nhóm hộ, cộng đồng dân cư thôn 16.234.412 nghìn đồng; giải ngân cho chủ rừng là tổ chức 5.329.565 nghìn đồng (Ban Quản lý rừng đặc dụng, khu bảo tồn 528.003 nghìn đồng; tổ chức khác 63.403 nghìn đồng; chi cho UBND xã 4.738.159 nghìn đồng). Tổng diện tích rừng được chi trả tiền DVMTR năm 2024 là 217.495,27 ha, trong đó, rừng phòng hộ 93.952,94 ha, rừng đặc dụng 10.739,46 ha, rừng sản xuất 108.980,06 ha, rừng ngoài quy hoạch 3.822,81 ha.

Theo đồng chí Hoàng Thị Duyên, Giám đốc Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng tỉnh, để công tác chi trả tiền DVMTR kịp thời, đúng đối tượng và diện tích, trong năm 2024, đơn vị nỗ lực triển khai nhiều giải pháp, như: xây dựng bản đồ chi trả DVMTR; tổ chức hội nghị tuyên truyền phổ biến pháp luật về chi trả DVMTR cho 21 đơn vị (10 nhà máy thủy điện, 7 cơ sở sản xuất nước sạch và 4 cơ sở sản xuất công nghiệp). Quỹ phối hợp với Báo Cao Bằng viết tin, bài tuyên truyền về chính sách chi trả DVMTR. Tổ chức học tập, trao đổi kinh nghiệm về thực hiện chi trả DVMTR tại các tỉnh Bình Định, Đồng Nai, Tây Ninh, Điện Biên, Lai Châu. Kiểm tra về việc chấp hành các quy định của pháp luật trong việc thu, chi trả tiền DVMTR, trồng rừng thay thế. Qua các cuộc giám sát chi trả tiền DVMTR kết hợp tuyên truyền trực tiếp với các hộ dân, nhóm hộ và cộng đồng xóm về chi trả DVMTR. Để đảm bảo tính công khai minh bạch, an toàn nguồn kinh phí, chi trả kịp thời, đúng đối tượng, Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng tỉnh triển khai thực hiện chi trả tiền DVMTR cho các chủ rừng trên địa bàn tỉnh qua ngân hàng cho các chủ rừng (gồm chủ rừng là tổ chức, UBND xã, hộ gia đình, cộng đồng). Số lượng chủ rừng được hưởng tiền DVMTR không dùng tiền mặt là 33.289 chủ rừng, trong đó 33.151 hộ gia đình; 119 UBND xã; 19 Ban quản lý rừng đặc dụng và các tổ chức khác, đạt 100% so với tổng số lượng chủ rừng được hưởng tiền DVMTR.

Người dân xã Vĩnh Quang (Bảo Lâm) nhận tiền chi trả dịch vụ môi trường rừng.

Người dân xã Vĩnh Quang (Bảo Lâm) nhận tiền chi trả dịch vụ môi trường rừng.

Cùng với công tác chi trả tiền DVMTR, Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng tỉnh đã nỗ lực triển khai các giải pháp thu tiền DVMTR để chi trả kịp thời cho các đơn vị. Để bảo đảm thu tiền DVMTR đạt kế hoạch, ngay từ đầu năm đơn vị chủ động ban hành văn bản hướng dẫn các đơn vị sử dụng DVMTR đăng ký kế hoạch nộp tiền DVMTR năm 2024; đồng thời tổ chức làm việc với các đơn vị để đôn đốc nộp tiền DVMTR theo kế hoạch. Tính đến ngày 31/12/2024, thu tiền DVMTR được 35.959.644/27.295.773 nghìn đồng đạt 131,7% so với kế hoạch UBND tỉnh giao. Trong đó, Quỹ Trung ương điều phối 21.218.126 nghìn đồng, thu thủy điện nội tỉnh 14.180.956 nghìn đồng, thu nước sạch 497.828 nghìn đồng, thu cơ sở sản xuất công nghiệp 29.661 nghìn đồng, lãi ngân hàng 33.073 nghìn đồng.

Ngoài nhiệm vụ thu, chi tiền DVMTR, những năm qua Quỹ còn được giao thực hiện thu, chi tiền trồng rừng thay thế. Tổng số tiền trồng rừng thay thế các chủ đầu tư dự án có chuyển đổi mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác không tự trồng rừng phải nộp tiền về Quỹ Bảo vệ Phát triển rừng từ năm 2013 đến nay là 66.976.325 nghìn đồng, diện tích rừng chuyển đổi là 493,323 ha (diện tích nộp tiền trồng rừng thay thế đã quy đổi 901,8 ha). Về giải ngân tiền trồng rừng thay thế, Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng tỉnh đã thanh toán tổng kinh phí 15.500.005 nghìn đồng cho công tác trồng rừng và chăm sóc rừng. Có nguồn vốn này, những năm qua, các chủ rừng đã trồng được 795,24 ha rừng thay thế.

Chính sách chi trả DVMTR đã có tác động đến công tác bảo vệ và phát triển rừng. Toàn bộ diện tích có rừng nằm trong lưu vực thủy điện đều được chi trả tiền DVMTR, công tác bảo vệ rừng được quan tâm, bảo vệ tốt diện tích rừng hiện có góp phần nâng cao giá trị rừng, tăng tính đa dạng sinh học, nâng cao chức năng phòng hộ, hạn chế xói mòn đất, bảo vệ môi trường. Đồng thời, còn góp phần cải thiện sinh kế của người làm nghề rừng. Số tiền DVMTR giúp các hộ gia đình mua thêm cây giống trồng rừng và nâng cao đời sống cho gia đình, mua sắm vật dụng gia đình, trang thiết bị, dụng cụ phục vụ cho công tác quản lý, bảo vệ rừng và đây được xem là “chìa khóa” hỗ trợ công tác quản lý bảo vệ rừng trên địa bàn tỉnh.

Minh Hòa

Nguồn Cao Bằng: https://baocaobang.vn/chia-khoa-ho-tro-cong-tac-quan-ly-bao-ve-rung-3175583.html