Chìa khóa nâng cao hiệu lực quản lý

Trong hành trình cải cách nền hành chính quốc gia, giảm thiểu thủ tục hành chính luôn là một trong những đòi hỏi cấp thiết và mang tính quyết định. Đặc biệt, trong bối cảnh tái cấu trúc bộ máy nhà nước, hướng tới việc sáp nhập tỉnh và không tổ chức cấp huyện, yêu cầu này không chỉ là đích đến mà còn là phương tiện quan trọng để hiện thực hóa mục tiêu quản lý hiệu quả, giảm gánh nặng ngân sách và kiến tạo không gian phát triển mới.

Ảnh minh họa. Ảnh: Minh Lượng

Ảnh minh họa. Ảnh: Minh Lượng

Việc sáp nhập tỉnh và xóa bỏ cấp huyện mang theo một kỳ vọng lớn: tinh gọn tổ chức, tăng cường hiệu lực điều hành và tạo bước đột phá trong cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh. Tuy nhiên, đi kèm với những thay đổi về tổ chức hành chính là sự dịch chuyển trong hệ thống đầu mối giải quyết thủ tục hành chính - yếu tố trực tiếp ảnh hưởng đến người dân và doanh nghiệp.

Việc chuyển đổi từ mô hình ba cấp sang hai cấp đồng nghĩa với việc một số thủ tục hành chính sẽ được đưa lên cấp tỉnh giải quyết, trong khi một số khác lại được đẩy xuống cấp xã. Sự phân chia này, nếu thiếu sự chuẩn bị đồng bộ và phối hợp chặt chẽ giữa các cấp, có thể gây ra hệ lụy không nhỏ: quãng đường di chuyển dài hơn, thời gian chờ đợi lâu hơn, chi phí thực hiện cao hơn và nguy cơ phát sinh tiêu cực do tiếp xúc trực tiếp nhiều hơn. Chính vì vậy, bài toán cốt lõi không nằm ở việc tổ chức lại địa giới hành chính đơn thuần, mà ở cách thức tổ chức lại toàn bộ hệ thống hành chính để phù hợp với thực tế mới.

Một trong những yêu cầu quan trọng nhất là cải cách hệ thống văn bản pháp luật hiện hành, đặc biệt là các quy định liên quan đến đất đai và xây dựng - những lĩnh vực có tính chất phức tạp, thường xuyên phát sinh nhu cầu và chịu ảnh hưởng trực tiếp từ việc thay đổi đầu mối giải quyết. Hệ thống pháp luật hiện nay còn nhiều điều kiện kinh doanh rườm rà, không ít “giấy phép con” vẫn tồn tại như một lực cản vô hình ngăn dòng chảy đổi mới.

Đã đến lúc cần rà soát toàn diện, cắt bỏ các thủ tục, điều kiện không cần thiết, chuyển mạnh từ mô hình “tiền kiểm” sang “hậu kiểm” - tức thay vì cấp phép trước, hãy để doanh nghiệp tự công bố đáp ứng quy chuẩn, còn cơ quan quản lý làm nhiệm vụ giám sát sau. Đây không chỉ là cách tiếp cận phù hợp với thông lệ quốc tế, mà còn là một bước tiến dài trong cải cách tư duy quản lý, giúp giảm thiểu chi phí không chính thức, tiết kiệm thời gian và nguồn lực cho cả nhà nước lẫn người dân.

Bên cạnh đó, công nghệ số cần trở thành hạ tầng bắt buộc cho quá trình tinh gọn thủ tục hành chính. Một hệ thống hành chính điện tử thông minh, liên kết dữ liệu thống nhất giữa cấp xã và tỉnh không chỉ giúp hạn chế tiếp xúc trực tiếp mà còn đảm bảo tính minh bạch, nhất quán và khả năng truy vết hồ sơ. Tuy nhiên, thẳng thắn nhìn nhận, hạ tầng số ở nước ta hiện nay còn thiếu và yếu, trình độ ứng dụng công nghệ giữa các địa phương chênh lệch lớn. Nếu không khắc phục kịp thời, việc “số hóa nửa vời” có thể khiến tình trạng quá tải, nghẽn mạch hồ sơ diễn ra, gây thiệt hại cho người dân.

Thành công của cải cách hành chính phải từ kết quả đo đếm được: chi phí tuân thủ giảm, thời gian xử lý hồ sơ rút ngắn, người dân bớt đi lại, cơ quan nhà nước vận hành hiệu quả hơn. Điều đó chỉ có thể đạt được nếu chúng ta thực hiện đồng bộ từ thể chế pháp lý đến tổ chức bộ máy và hạ tầng công nghệ. Việc sáp nhập tỉnh, không tổ chức cấp huyện là một bước đi táo bạo nhưng cần sự thận trọng cao độ. Nó không thể thành công nếu không được hỗ trợ bởi một chiến lược cải cách thủ tục hành chính quyết liệt, khoa học và nhất quán.

Giảm thiểu thủ tục hành chính, nói cho cùng, không chỉ là lời hứa, mà phải là hành động và phải được thực hiện đến nơi đến chốn vì lợi ích tối thượng: phụng sự nhân dân và kiến tạo một chính quyền phục vụ.

Thái Bình

Nguồn Biên Phòng: https://bienphong.com.vn/chia-khoa-nang-cao-hieu-luc-quan-ly-post488551.html