Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Tiền Giang tiếp xúc cử tri huyện Cai Lậy và TX.Cai Lậy
Ngày 17-4, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) tỉnh Tiền Giang Nguyễn Văn Danh cùng các ĐBQH tỉnh: Nguyễn Thanh Cầm, Nguyễn Kim Tuyến, đến tiếp xúc cử tri huyện Cai Lậy và TX. Cai Lậy.

Đồng chí Nguyễn Văn Danh và các ĐBQH tỉnh lắng nghe và ghi nhận ý kiến cử tri.
Trong buổi sáng, Đoàn ĐBQH tỉnh đã tiếp xúc cử tri huyện Cai Lậy. Tại buổi tiếp xúc, ĐBQH tỉnh thông tin đến cử tri dự kiến nội dung chương trình Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XV. Theo đó, Kỳ họp thứ 9, dự kiến sẽ khai mạc trong tháng 5-2025 với thời gian làm việc của Quốc hội dự kiến 35,5 ngày.
Tại kỳ họp này sẽ thảo luận, quyết định nhiều vấn đề quan trọng của đất nước như: Xem xét, quyết định sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013; Xem xét, thông qua 30 luật và 7 nghị quyết; cho ý kiến 7 dự án luật; xem xét, quyết định các vấn đề kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước, giám sát và các vấn đề quan trọng khác…
Tiếp đó, cử tri huyện Cai Lậy có nhiều ý kiến, kiến nghị các vấn đề quan tâm.
CỬ TRI QUAN TÂM VẤN ĐỀ SÁP NHẬP ĐƠN VỊ HÀNH CHÍNH
Tại buổi tiếp xúc, nhiều cử tri huyện Cai Lậy có ý kiến liên quan đến vấn đề sáp nhập đơn vị hành chính cấp tỉnh và cấp xã, cử tri bày tỏ sự đồng thuận nhưng cũng thể hiện sự lo lắng. Vui là sẽ có cơ hội để đưa đất nước ta ngày càng phát triển, phồn vinh nhưng lo lắng về vấn đề kết thúc nhiệm vụ của đơn vị hành chính cấp huyện, nhập xã, nhập tỉnh sẽ nhiều khó khăn, thách thức. Bởi sau khi sáp nhập, phạm vi của một xã quá lớn, việc đi lại làm giấy tờ của người dân sẽ gặp khó khăn. Về nhân sự của đơn vị sau khi sáp nhập, cử tri cho rằng cần xem xét để tránh tình trạng người của xã này làm lãnh đạo chỉ quan tâm đến người dân xã mình trước đây, mà không quan tâm xã bạn mặc dù đã sáp nhập.

Đồng chí Nguyễn Văn Danh thông tin đến cử tri về tình hình sáp nhập đơn vị hành chính tại buổi tiếp xúc cử tri.
Trả lời vấn về này, đồng chí Nguyễn Văn Danh cho biết, tinh gọn tổ chức bộ máy là chủ trương đúng đắn của Đảng, Nhà nước; là đòi hỏi tất yếu nhằm nâng cao hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả hoạt động của tổ chức bộ máy. Thời gian qua, Đảng bộ và chính quyền tỉnh Tiền Giang đã khẩn trương, nghiêm túc thực hiện việc sắp xếp tổ chức bộ máy hệ thống chính trị của địa phương theo đúng tinh thần chỉ đạo của Trung ương.

Đồng chí Nguyễn Văn Danh thông tin thêm: TP. Mỹ Tho đã có bề dày lịch sử hình thành và phát triển. Tiền Giang cũng là vùng đất “địa linh nhân kiệt”, vùng đất anh hùng. Về điều kiện địa lý, văn hóa, lịch sử, quốc phòng, an ninh, Tiền Giang đủ điều kiện để được đặt Trung tâm hành chính tại tỉnh Tiền Giang. Vì vậy, sau khi xem xét, Trung ương thống nhất nhập tỉnh Tiền Giang và Đồng Tháp và đặt Trung tâm hành chính tại tỉnh Tiền Giang.
Đồng chí Nguyễn Văn Danh cũng đã thông tin nhanh về những thế mạnh của Tiền Giang sau khi sáp nhập với tỉnh Đồng Tháp sẽ tạo ra sức mạnh lớn về nguồn lực, không gian lớn để phát triển kinh tế; kết hợp chặt chẽ giữa công nghiệp, nông nghiệp và xuất khẩu, tạo ra chuỗi giá trị liền mạch, tạo nên sức mạnh phát triển của toàn vùng; đồng thời, liên kết hạ tầng giao thông kết nối hiệu quả với cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận, Cần thơ, Quốc lộ 1 tạo sự phát triển vững mạnh...

Cử tri huyện Cai Lậy phát biểu tại buổi tiếp xúc.
Tuy nhiên, cũng có những thách thức phải đối mặt như: Nhiều công việc sẽ xáo trộn do điều chỉnh về địa giới hành chính; vấn đề tư tưởng của cán bộ, nhân viên, chăm lo cho gia đình, việc học tập của con em cán bộ, công chức, viên chức; việc duy trì hoạt động bộ máy cũng sẽ có khó khăn trong thời gian đầu thực hiện sáp nhập. Song, các vấn đề này trung ương và tỉnh cũng đã thành lập các ban chỉ đạo để thực hiện.
Đồng chí Nguyễn Văn Danh nhấn mạnh: Theo quan điểm của Trung ương, nhập xã để mở không gian rộng ra nhưng không quá lớn hoặc quá nhỏ mà phải phù hợp, đảm bảo gần dân, sát dân tạo điều kiện để phát triển, sau khi nhập lại thì khoảng 70% công việc của cấp huyện trước đây giao về cấp xã, còn 30% giao về cấp tỉnh, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho nhân dân, làm sao hạn chế việc gián đoạn các công việc, hoạt động của nhân dân…
CỬ TRI LO LẮNG SẦU RIÊNG RỚT GIÁ
Buổi chiều, Đoàn ĐBQH tỉnh đến tiếp xúc cử tri TX. Cai Lậy. Tại buổi tiếp xúc, cử tri quan tâm có ý kiến liên quan đến một số vấn đề giá sầu riêng giảm mạnh. Cử tri cho rằng, việc sản xuất trái sầu riêng, những năm qua giá tương đối ổn định, nhưng từ cuối năm 2024 đến nay, giá sầu riêng giảm mạnh, trong khi vật tư nông nghiệp, phân bón ngày càng tăng, cử tri kiến nghị cấp trên quan tâm có giải pháp xúc tiến thương mại để trái sầu riêng xuất khẩu được thuận lợi, giúp người trồng sầu riêng yên tâm trồng, đảm bảo đời sống trong thời gian tới.
Bên cạnh đó, cử tri cũng ý kiến liên quan đến chế độ của những người hoạt động không chuyên trách cấp xã, khi sáp nhập xã thì nhiều khả năng phải nghỉ việc. Cử tri kiến nghị, cấp trên xem xét chế độ đối với lực lượng này khi sáp nhập xã tạo điều kiện để có việc làm, ổn định cuộc sống.

Đại biểu Nguyễn Thanh Cầm phát biểu tại buổi tiếp xúc.
Phát biểu kết thúc buổi tiếp xúc, đại biểu Nguyễn Thanh Cầm cảm ơn các ý kiến tâm huyết, cho thấy sự quan tâm sâu sắc của cử tri đến tình hình phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Liên quan đến ý kiến của cử tri TX. Cai Lậy lo lắng nông sản, sầu riêng rớt giá, đại biểu Nguyễn Thanh Cầm cho rằng, thời gian qua, các bộ, ngành trung ương, Quốc hội đều rất quan tâm đề ra nhiều chủ trương, chính sách xúc tiến thương mại, xuất khẩu nông sản, xây dựng chuỗi giá trị liên kết trong sản xuất tiêu thụ.

Tuy nhiên, tình trạng nông sản rớt giá là vấn đề cần sự phối hợp liên kết của các bên liên quan. Hiện nay, qua quan sát thực tế cho thấy, Tiền Giang chưa có nhiều hợp tác xã sản xuất được những sản phẩm trái cây chất lượng có thể xuất khẩu ra nước ngoài, một vài hợp tác xã sản xuất được sản phẩm trái cây khô nhưng cũng chưa tiêu thụ rộng rãi trong nước.
Cũng cần nhìn nhận rằng, vấn đề đầu ra của nông sản Việt Nam nói chung và trái sầu riêng nói riêng là vấn đề liên quan đến trách nhiệm của toàn xã hội. Vì vậy, bên cạnh Nhà nước nỗ lực để mở rộng thị trường tiêu thụ trong nước và xuất khẩu, thì người nông dân áp dụng tiến bộ kỹ thuật, đảm bảo sản phẩm đạt tiêu chuẩn chất lượng. Các ngành liên quan phối hợp với chính quyền địa phương quy hoạch vùng trồng, chế biến, tạo liên kết, xúc tiến và tiêu thụ sản phẩm nhằm từng bước ổn định đầu ra cho nông sản một cách bền vừng trong thời gian tới.

Cử tri TX. Cai Lậy phát biểu tại buổi tiếp xúc.
Liên quan đến vấn đề cử tri lo lắng khi sáp nhập tỉnh, nhập xã và kết thúc hoạt động cấp huyện, người hoạt động không chuyên trách dôi dư nhiều khả năng sẽ phải nghỉ việc, đại biểu Nguyễn Thanh Cầm rất chia sẻ với nỗi lo của cử tri và cho rằng các đồng chí hoạt động không chuyên trách cấp xã là "cánh tay nối dài" của cán bộ, công chức cấp tỉnh, gánh vác rất nhiều công việc nhưng lâu nay chế độ chưa được như mong đợi do số lượng này rất lớn, trong khi ngân sách có hạn nên chưa thể lo được nhiều chính sách tốt như cử tri mong muốn.
Khi thực hiện sắp xếp tổ chức lại đơn vị hành chính cấp xã, kết thúc hoạt động của người hoạt động không chuyên trách cấp xã, theo chỉ đạo của trung ương là giao cho chính quyền địa phương xem xét, có thể sắp xếp người hoạt động không chuyên trách cấp xã, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ tham gia công tác tại ấp, thôn, khu phố… nhưng phải đảm bảo quy định bộ máy tinh gọn hiệu lực, hiệu quả theo chủ trương của trung ương. Vì vậy, địa phương cần tập trung xem xét vấn đề này trong thời gian tới.

Quang cảnh buổi tiếp xúc.
Đại biểu Nguyễn Thanh Cầm cho biết, mới đây người dân rất mừng khi trung ương có chủ trương miễn học phí cho học sinh từ bậc tiểu học đến THPT tại các trường công và quan điểm của trung ương là tiếp tục nỗ lực để trong thời gian tới miễn viện phí cho người dân nhằm chăm lo đời sống, sức khỏe của nhân dân ngày càng tốt hơn, đảm bảo an sinh xã hội tốt hơn. Có thể nói, mục đích cuối cùng của việc sáp nhập là vì sự phát triển của đất nước, vì sự ấm no, hạnh phúc của từng người dân.
Đại biểu Nguyễn Thanh Cầm mong muốn, cấp ủy đảng, chính quyền các cấp tiếp tục tuyên truyền đến nhân dân thấu đáo quan điểm, chủ trương của đảng, tạo sự hưởng ứng mạnh mẽ, tích cực của từng người dân, cán bộ, công chức, viên chức để cùng thực hiện cuộc cách mạng sắp xếp lại bộ máy thành công, đưa Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới. Đại biểu Nguyễn Thanh Cầm cũng ghi nhận các ý kiến kiến nghị của cử tri và sẽ có ý kiến về các bộ, ngành, trung ương, Quốc hội để có giải pháp trong thời gian tới.