'Chìa khóa' phòng chống lừa đảo qua mạng (*): Xác thực để thanh toán an toàn

Quy định về xác thực sinh trắc học khi chuyển tiền từ 10 triệu đồng để xác định chủ tài khoản sẽ có thể chặn được nạn chiếm đoạt thông tin của người dùng

Đến hết năm 2023, cả nước đã có hơn 182 triệu tài khoản thanh toán cá nhân, tương ứng với 87,08% người trưởng thành có tài khoản ngân hàng (NH). Nhiều NH đã có trên 95% lượng giao dịch được xử lý trên kênh số; tỉ lệ khách hàng thanh toán không dùng tiền mặt qua các kênh điện tử đạt khoảng 50%.

Số lượng giao dịch thanh toán qua thiết bị di động và QR code cũng tăng trưởng nhanh chóng. Hiện có 85 tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán triển khai dịch vụ thanh toán qua internet và 52 tổ chức thực hiện qua Mobile.

Thống kê cho thấy trong 4 tháng đầu năm 2024, thanh toán không tiền mặt đạt khoảng 4,9 tỉ giao dịch với tổng giá trị hơn 87 triệu tỉ đồng (tăng 57% về số lượng và 33% về giá trị). Trong đó, giao dịch qua kênh internet, kênh điện thoại di động đều tăng mạnh, đặc biệt là thanh toán qua phương thức QR code đạt gần 101,2 triệu giao dịch với giá trị đạt hơn 126.800 tỉ đồng (tăng 167% về số lượng và hơn 424% về giá trị).

Tuy nhiên, cùng với sự phát triển của công nghệ thanh toán, tội phạm mạng có xu hướng gia tăng với những thủ đoạn ngày càng tinh vi, phức tạp và khó lường. Nhiều khách hàng đã bị lừa và chủ động chuyển tiền vào các tài khoản theo chỉ dẫn của tội phạm. Những khoản tiền này ngay sau đó được chuyển đến các tài khoản khác (trong đường dây lừa đảo). Vì thế, rất khó để giúp người bị hại thu hồi được số tiền bị mất.

Trong bối cảnh đó, NH Nhà nước đã tích cực phối hợp với Bộ Công an và các cơ quan liên quan triển khai nhiều biện pháp để góp phần ngăn ngừa, giảm thiểu rủi ro gian lận, lừa đảo và mất an ninh, an toàn thanh toán. Trong đó, phải kể đến Quyết định số 2345/QĐ-NHNN về triển khai các giải pháp an toàn, bảo mật trong thanh toán trực tuyến và thanh toán thẻ NH (có hiệu lực từ ngày 1-7-2024). Theo đó, quyết định này yêu cầu các giao dịch điện tử của cá nhân có giá trị trên 10 triệu đồng hoặc tổng giá trị thanh toán trong ngày vượt 20 triệu đồng phải áp dụng một trong các biện pháp xác thực sinh trắc học.

Bản chất của Quyết định số 2345 là kiểm tra thông tin người mở tài khoản khớp với thông tin trên CCCD do Bộ Công an cấp, loại bỏ tài khoản giả, không chính chủ, không hợp pháp. Như vậy, tổ chức tín dụng sẽ nhận biết, xác minh chính xác khách hàng trong quá trình thực hiện giao dịch thanh toán, góp phần ngăn ngừa, giảm thiểu tội phạm thuê, mượn, mua, bán tài khoản thanh toán, thẻ, ví điện tử... sử dụng cho mục đích bất hợp pháp.

Chủ tài khoản thực hiện đăng ký xác thực sinh trắc học tại ngân hàng. Ảnh: BÌNH AN

Chủ tài khoản thực hiện đăng ký xác thực sinh trắc học tại ngân hàng. Ảnh: BÌNH AN

Hiện nay, nếu không may người dùng bị lấy mất thông tin tài khoản thanh toán, đối tượng tội phạm có thể chiếm quyền sử dụng điện thoại. Nhưng với quy định mới tại Quyết định số 2345, khi giao dịch chuyển tiền phải xác thực khuôn mặt, nếu không khớp trên hồ sơ gốc, tội phạm không thể lấy được tiền. Đồng thời, khi chiếm đoạt thông tin tài khoản của khách hàng, kẻ gian thường thực hiện cài đặt sang máy khác để thực hiện hành vi chiếm đoạt. Nhưng từ ngày 1-7, các NH yêu cầu phải xác thực sinh trắc học, tội phạm sẽ không thể cài được sang máy khác để chiếm đoạt tiền.

Theo số liệu của NH Nhà nước, các giao dịch trên 10 triệu đồng chỉ chiếm khoảng 11% tổng số giao dịch. Số người có giao dịch trên 20 triệu đồng/ngày cũng chưa đến 1%. Vì vậy, việc xác thực sinh trắc học không ảnh hưởng quá lớn đến các giao dịch thanh toán của người dùng nhưng vẫn góp phần hạn chế tối đa tình trạng lừa đảo.

Thống kê đến hết năm 2023, Bộ Công an đã cấp hơn 84,7 triệu CCCD gắn chip và 70,2 triệu tài khoản VNeID, bảo đảm dữ liệu "đúng, đủ, sạch, sống" đã được kết nối, tích hợp thông tin với một số nguồn dữ liệu đáng tin cậy khác (bảo hiểm xã hội, dịch vụ công...). Đây là nguồn dữ liệu đầu vào quan trọng, không những giúp định danh, xác minh chính xác khách hàng mà còn có thể giúp tổ chức trung gian thanh toán có thêm thông tin, dữ liệu đầu vào phục vụ việc phân tích, đánh giá khách hàng; thiết kế, cung ứng sản phẩm, dịch vụ phù hợp với nhu cầu của khách hàng.

. Ông TRẦN CÔNG QUỲNH LÂN, Phó Tổng Giám đốc VietinBank:

Liên tục cập nhật công nghệ bảo mật

Đích đến của Quyết định số 2345 là thanh lọc tài khoản không chính chủ. Việc này giúp minh bạch dòng tiền và góp phần ngăn chặn lừa đảo. Thực tế, trong nhiều tình huống, nạn nhân bị lừa và chủ động chuyển tiền đến kẻ gian. Nhưng tài khoản của kẻ gian lại không chính chủ (có thể do giấy tờ giả mạo trước đây) nên rất khó tra ra đối tượng lừa đảo. Nay theo quy định mới, tất cả chủ tài khoản phải xác thực, định danh lại và tài khoản không chính chủ sẽ không thực hiện được khi chuyển tiền trên 10 triệu đồng... Khi đó, tiền chiếm đoạt sẽ bị giữ lại, tạo điều kiện cho cơ quan chức năng thu hồi.

Cũng có ý kiến cho rằng sinh trắc học có thể bị deepfake (một thủ đoạn lừa đảo tinh vi giả mạo hình ảnh, video khách hàng) nhưng khi xác thực lần đầu bao gồm cả NFC (đọc thông tin từ thẻ chip trên CCCD) gắn với dữ liệu của Bộ Công an và sinh trắc học, cho thấy giải pháp này vẫn là an toàn và khả thi nhất. Thực tế, không có giải pháp nào triệt để vì kẻ xấu liên tục thay đổi phương thức lừa đảo và tổ chức tín dụng cũng phải liên tục nâng cấp. Bài toán công nghệ luôn phải cải tiến và hiện tại những giải pháp trong Quyết định số 2345 sẽ góp phần hạn chế tội phạm lừa đảo qua mạng.

. PGS-TS TRẦN HÙNG SƠN, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển công nghệ ngân hàng (ĐHQG TP HCM):

Ứng dụng AI phát hiện gian lận

Tỉ lệ thiệt hại do gian lận số gây ra tại Việt Nam lên tới 3,6% GDP, cao hơn mức trung bình toàn cầu (1,1%) và vượt trội so với các nước như Brazil hay Thái Lan (cùng 3,2%). Các hình thức gian lận trong thanh toán số phổ biến tại Việt Nam bao gồm tấn công mạng (phần mềm độc hại, lừa đảo, tấn công trung gian), mạo danh, gian lận phi kỹ thuật, lạm dụng chính sách hoàn tiền, gian lận của bên thứ nhất... Tỉ lệ các vụ lừa đảo được xác nhận tại khu vực Đông Nam Á đã tăng 5 điểm % trong năm ngoái lên mức 54%.

Để đối phó với tình trạng gian lận gia tăng, các NH và doanh nghiệp cần triển khai đồng bộ nhiều giải pháp, trong đó ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) và công nghệ máy học để phát hiện gian lận là một phương pháp phòng ngừa rủi ro hiệu quả. Thông qua các thuật toán thông minh, hệ thống AI có thể liên tục phân tích hành vi giao dịch, nhận diện các dấu hiệu bất thường và đưa ra cảnh báo kịp thời cho đơn vị vận hành cũng như khách hàng. Bằng cách "học hỏi" liên tục từ dữ liệu, AI ngày càng trở nên thông minh hơn trong việc phát hiện các hình thức gian lận mới.

Ngoài ra, các đơn vị cung cấp dịch vụ thanh toán cần chủ động hợp tác, chia sẻ cơ sở dữ liệu về gian lận, đồng thời thống nhất quy trình xử lý chung. Việc hoàn thiện hệ thống định danh số cũng sẽ góp phần hỗ trợ đắc lực cho công tác phòng ngừa gian lận trong thanh toán.

. Bà ĐẶNG TUYẾT DUNG, Giám đốc Visa Việt Nam và Lào:

Đầu tư hàng tỉ USD cho bảo mật

Visa đã đầu tư nhiều tỉ USD vào các giải pháp dựa trên AI để ngăn chặn gian lận và nâng cao nhận thức về bảo mật. Chúng tôi cũng triển khai chiến lược thay thế thông tin tài khoản bằng một mã định danh duy nhất. Chiến lược này giúp tăng cường bảo mật, cho phép người dùng quản lý các tùy chọn chia sẻ dữ liệu qua các ứng dụng NH. Việc áp dụng công nghệ mã hóa giao dịch giúp xóa bỏ các thông tin riêng tư của chủ thẻ khỏi luồng thanh toán, tăng cường bảo mật.

Visa cũng đang làm việc với các NH và đối tác để áp dụng phương thức xác thực dựa trên dữ liệu thay vì mã OTP đối với các giao dịch thương mại điện tử. Đây là xu hướng ở những thị trường phát triển như Singapore và Malaysia, giúp bảo mật thanh toán tăng lên nhiều lần. Quy định liên quan đến yêu cầu xác thực khuôn mặt khi chuyển khoản của NH Nhà nước là một bước tiến quan trọng trong nỗ lực ngăn chặn tội phạm lừa đảo và bảo vệ tài sản của khách hàng.

Linh Anh ghi

(*) Xem Báo Người Lao Động từ số ra ngày 25-6

PHẠM TIẾN DŨNG, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước

Nguồn NLĐ: https://nld.com.vn/chia-khoa-phong-chong-lua-dao-qua-mang-xac-thuc-de-thanh-toan-an-toan-196240626195938811.htm