'Chìa khóa' quyết định tiến độ thi công các dự án đầu tư công
Giải phóng mặt bằng được xem là 'chìa khóa' quyết định tiến độ thi công các dự án đầu tư công, đặc biệt trong bối cảnh yêu cầu giải ngân vốn đầu tư ngày càng cao. Tại Hải Dương, nhiều dự án đầu tư công quan trọng vướng mặt bằng đang được các địa phương tập trung tháo gỡ.

Dự án Đường dẫn cầu Cậy mới và đường 33 m kéo dài (qua địa phận huyện Cẩm Giàng) nối với đường Vũ Công Đán (TP Hải Dương) vẫn vướng mặt bằng
Vướng mắc nhỏ ảnh hưởng đến công trình lớn
Dự án Đường dẫn cầu Cậy mới và đường 33 m kéo dài (qua địa phận huyện Cẩm Giàng) nối với đường Vũ Công Đán (TP Hải Dương) có tổng mức đầu tư gần 470 tỷ đồng, được HĐND tỉnh chấp thuận chủ trương đầu tư tháng 6/2023. Dự án góp phần hoàn thành trục giao thông liên vùng từ TP Hải Dương đến thị trấn Kẻ Sặt (Bình Giang), kết nối với nút giao đường ô tô cao tốc Hà Nội - Hải Phòng tại đường tỉnh 392. Sau khi hoàn thành, dự án sẽ giải quyết tình trạng ùn tắc, gây mất an toàn giao thông khu vực cầu Cậy.
Dự án được khởi công tháng 11/2024, dự kiến hoàn thành vào tháng 12/2025. Tuy nhiên, đến nay vẫn còn 2 km trong tổng số 3,2 km chưa được bàn giao mặt bằng. Trong đó mặt bằng còn lại chưa được bàn giao, có nhiều đoạn phải xử lý nền đất yếu cần thời gian đắp và chờ lún (8 tháng), cả thời gian thi công móng, mặt đường và hoàn thiện là 12 tháng… đã ảnh hưởng lớn đến tiến độ thi công dự án.
Cầu Cậy và dự án đường tỉnh 395 huyện Bình Giang sẽ hoàn thành thông xe vào tháng 7/2025. Do vậy, đường dẫn cầu Cậy phía Cẩm Giàng sẽ không thể hoàn thành đồng bộ cùng cầu Cậy, làm chậm tiến độ tổng thể dự án.

Dự án Cải tạo, nâng cấp đường tỉnh 396 kéo dài (đoạn nối từ đường tỉnh 391 đến đường tỉnh 390) giai đoạn 1 đang vướng mặt bằng
Dự án Cải tạo, nâng cấp đường tỉnh 396 kéo dài (đoạn nối từ đường tỉnh 391 đến đường tỉnh 390) giai đoạn 1 với tổng chiều dài tuyến khoảng 1,87 km thuộc địa phận huyện Thanh Hà, quy mô đường cấp III đồng bằng, nền đường rộng 12 m, mặt đường rộng 11 m, kết cấu mặt đường bê tông nhựa, tổng kinh phí đầu tư gần 54,7 tỷ đồng.
Công trình này khi hoàn thành sẽ hoàn thiện mạng lưới hạ tầng giao thông khu vực theo quy hoạch, hình thành trục vành đai của tỉnh kết nối các huyện Bình Giang, Thanh Miện, Ninh Giang, Tứ Kỳ và Thanh Hà. Đường tỉnh 396 kéo dài kết nối liên thông với cao tốc Hà Nội - Hải Phòng và quốc lộ 37, tạo thuận lợi về lưu thông và liên kết các huyện phía đông nam của tỉnh Hải Dương với các tỉnh, thành phố lân cận. Công trình khởi công từ tháng 8/2024, dự kiến hoàn thành vào tháng 1/2025. Tuy nhiên do vướng mặt bằng nên đã không thể về đích đúng tiến độ và hoàn thành theo kế hoạch.
Gói thầu cũng đã được gia hạn đến ngày 25/6/2025. Đến đầu tháng 4, huyện Thanh Hà mới bàn giao 1,6 km chiều dài mặt bằng trong tổng số 2,34 km. Nhà thầu đã thi công cơ bản xong nền móng đường phạm vi được bàn giao mặt bằng. Do thiếu mặt bằng nên nhà thầu thi công cầm chừng, tiến độ chậm.

Tại những đoạn có mặt bằng thuộc Dự án Cải tạo, nâng cấp đường tỉnh 396 kéo dài (đoạn nối từ đường tỉnh 391 đến đường tỉnh 390) giai đoạn 1, nhà thầu đã tổ chức thi công nhưng mặt bằng kiểu "xôi đỗ" khiến việc thi công khó khăn
Quyết tâm tháo gỡ
Theo Phòng Nông nghiệp và Môi trường huyện Cẩm Giàng, vướng mắc mặt bằng Dự án Đường dẫn cầu Cậy mới và đường 33 m kéo dài (qua địa phận huyện Cẩm Giàng) nối với đường Vũ Công Đán (TP Hải Dương) do việc xác định nguồn gốc đất, người dân không đồng tình với phương án bồi thường, hỗ trợ.
Tháng 1/2025, huyện Cẩm Giàng đã ban hành quyết định về phê duyệt cơ chế hỗ trợ khác theo Quyết định số 51/2024/QĐ-UBND của UBND tỉnh Hải Dương để thực hiện giải phóng mặt bằng dự án. Cuối tháng 3/2025, huyện tiếp tục ban hành quyết định hỗ trợ khác bổ sung khi thực hiện dự án đối với các hộ dân có đất nông nghiệp trong cùng thửa đất ở thuộc diện phải thu hồi.
Mặc dù áp dụng nhiều biện pháp nhưng đến nay còn khoảng 40 hộ dân ở 2 xã Cẩm Đoài, Cẩm Đông chưa đồng thuận với phương án hỗ trợ, bồi thường. Một số hộ chưa phối hợp kiểm đếm đất đai, tài sản. Một số hộ đã ký phương án bồi thường nhưng chưa nhận tiền đền bù. Huyện tiếp tục tuyên truyền, vận động người dân phối hợp thực hiện. Trường hợp người dân tiếp tục không hợp tác, huyện sẽ tổ chức cưỡng chế kiểm đếm bắt buộc và cưỡng chế thu hồi đất theo quy định. Dự kiến cuối tháng 4/2025, huyện sẽ hoàn thành giải phóng mặt bằng toàn bộ dự án.
Trước những khó khăn về giải phóng mặt bằng, huyện Thanh Hà đã và đang khẩn trương vào cuộc để gỡ “nút thắt”, bảo đảm tiến độ thi công Dự án Cải tạo, nâng cấp đường tỉnh 396 kéo dài (đoạn nối từ đường tỉnh 391 đến đường tỉnh 390) giai đoạn 1. Cơ quan chuyên môn của huyện thường xuyên gặp gỡ, đối thoại với các hộ dân có diện tích đất thu hồi để lắng nghe tâm tư, nguyện vọng. Huyện ban hành quyết định hỗ trợ khác đối với tổ chức, cá nhân có đất thu hồi theo khoản 2, điều 108, Luật Đất đai năm 2024…

Huyện Thanh Hà phấn đấu trước ngày 1/7 sẽ hoàn thành giải phóng mặt bằng toàn bộ Dự án Cải tạo, nâng cấp đường tỉnh 396 kéo dài (đoạn nối từ đường tỉnh 391 đến đường tỉnh 390) giai đoạn 1
Để thực hiện dự án, Thanh Hà phải thu hồi trên 111.700 m² đất của 391 hộ dân và 1 tổ chức. Đến nay, huyện đã phê duyệt, bồi thường đất cho 265 hộ dân và tổ chức. 248 hộ dân và tổ chức đã nhận tiền bồi thường, 17 hộ chưa nhận. Huyện sẽ tiếp tục tuyên truyền, vận động để các trường hợp đã ký đồng thuận phương án nhận tiền bồi thường. Đối với các hộ chưa xây dựng phương án hỗ trợ, huyện sẽ tổ chức hội nghị công khai, lấy ý kiến. Phấn đấu trước ngày 1/7 sẽ hoàn thành giải phóng mặt bằng toàn bộ dự án.
Theo Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng tỉnh, toàn tỉnh hiện có 10 dự án cần đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng để khẩn trương thực hiện, giải ngân vốn đầu tư công, trong đó có 4 dự án tồn đọng kéo dài.
Chủ tịch UBND tỉnh giao UBND cấp huyện báo cáo tiến độ và điều chỉnh lại kế hoạch giải phóng mặt bằng các dự án đầu tư công theo hướng rút ngắn tối đa thời gian hoàn thành công tác giải phóng mặt bằng để đạt và vượt tỷ lệ giải ngân hạng mục giải phóng mặt bằng so với Kế hoạch số 165/KH-UBND. Báo cáo rõ phương án, tiến độ giải quyết các vướng mắc trong công tác giải phóng mặt bằng tại các dự án đầu tư công của tỉnh và của cấp huyện.
Chủ tịch UBND tỉnh giao Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng tỉnh, UBND cấp huyện, các chủ đầu tư báo cáo tiến độ và điều chỉnh lại kế hoạch theo hướng rút ngắn thời gian chuẩn bị đầu tư, thực hiện đầu tư để bảo đảm, vượt tỷ lệ giải ngân theo Kế hoạch số 165/KH-UBND.
Đến ngày 18/4, toàn tỉnh đã giải ngân hơn 1.850 tỷ đồng vốn đầu tư công, đạt 18,2% kế hoạch tỉnh giao, 17,7% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao. Một số địa phương có tỷ lệ giải ngân vốn đầu công đạt cao như các huyện Tứ Kỳ, Nam Sách; thị xã Kinh Môn…