Chìa khóa thành công của Ancelotti
'Tôi muốn văn hóa câu lạc bộ phải như thế, và theo tôi thì bầu không khí gia đình là nền móng căn bản để thành công', Ancelotti viết trong tự truyện.
Không gì quan trọng bằng gia đình. Có 2 hình thái gia đình trong bóng đá. Thứ nhất là các phụ tá và nhân viên tin cậy của riêng tôi, những người đã sát cánh cùng làm việc với tôi trong nhiều năm, cùng chia sẻ ngọt bùi và cay đắng - những người tôi đặc biệt tin cậy và tôn trọng. Họ là một gia đình bóng đá và tôi sẽ nói ngắn gọn về họ. Thứ hai là có những câu lạc bộ bóng đá cũng được coi như gia đình.
Khi gia nhập Milan trong vai trò huấn luyện viên trưởng, tôi cảm thấy như đang trở về nhà. Câu lạc bộ này được xây dựng đúng như một gia đình, mặc dù đây là một trong những đội bóng vĩ đại nhất thế giới. Bạn có phòng riêng tại sân tập Milanello.
Người phụ trách trang phục cũng như những nhân viên khác đều gắn bó với đội trong thời gian khá dài. Có hẳn một nhà hàng đúng nghĩa tại Milanello, không phải là loại nhà hàng buffet như tại Chelsea và Real Madrid, tại đó những nhân viên phục vụ đến nói chuyện với bạn bằng thái độ thân thiện như bằng hữu.
Những người phục vụ bàn này thường đã có tuổi - họ làm việc tại đây từ lâu rồi - và bầu không khí rất nhẹ nhàng. Khi tôi bắt đầu đến làm việc và xây dựng đội ngũ tại Paris Saint-Germain, ý tưởng thành lập một nhà hàng là một trong những ưu tiên hàng đầu của tôi.
Trải nghiệm tại Milan cho tôi biết tầm quan trọng của việc các cầu thủ dùng bữa cùng nhau, giúp tạo dựng một đội ngũ gắn kết chặt chẽ hơn. Tôi muốn mang cái không khí gia đình mà mình thấu hiểu từ Milan đến Paris, và bữa ăn là một phần quan trọng trong cuộc sống gia đình. Tôi muốn văn hóa câu lạc bộ phải như thế, và theo tôi thì bầu không khí gia đình là nền móng căn bản để thành công.
Từ người huấn luyện viên trưởng đến người phụ trách trang phục, tất cả cần phải là thành viên trong gia đình này và cùng làm việc hướng tới các mục tiêu chung. Chìa khóa thành công đối với bất kỳ tổ chức nào là phải sắp đặt sao cho cả nhà “đi về cùng một hướng”.
Các cầu thủ là một phần không thể thiếu và sẽ hỏng việc nếu trong tổ chức tồn tại những người đi ngược lại với tinh thần của cả gia đình hoặc không tự coi mình là một phần trong đó. Công việc của tôi là đảm bảo rằng mọi giá trị của gia đình phải được vinh danh và tôn trọng, dù đó là giá trị gì đi nữa.
Trở lại Milan là điều dễ dàng với tôi vì tôi từng là một cầu thủ thành công tại đây và đã quá thân thuộc với câu lạc bộ. Đôi khi tôi thậm chí nghĩ rằng Milan có thể thiệt thòi khi họ dường như quá biết ơn ai đó từng đóng góp đáng kể trong quá khứ.
Đó là văn hóa gia đình của câu lạc bộ này. Tại nơi khác, văn hóa có thể khác. Chẳng hạn tôi thấy một văn hóa doanh nghiệp tại Juventus. Khi câu lạc bộ giống như một công ty thì quan hệ của tôi với các thượng cấp cũng phải trịnh trọng, hình thức hơn.
Trong suốt thời gian tôi làm việc tại Juve, chúng tôi không có sân tập riêng và các tiện ích; thiếu hẳn một “mái nhà chung”. Tuy nhiên, trải nghiệm tại Juventus vẫn là một trong những điều tốt đẹp trong tâm trí của tôi. Kết quả thi đấu không thực sự tuyệt vời trong giai đoạn này, nhưng đó là thứ bạn không thể luôn luôn kiểm soát được.
Thành tích không rực rỡ, nhưng điều này không đồng nghĩa với mối quan hệ kém của tôi với đội bóng. Những gì thuộc tầm kiểm soát của tôi đều ổn. Có lẽ các fan hâm mộ không yêu quý tôi, nhưng tôi đâu thể kiểm soát được họ.
Điều quan trọng là người huấn luyện viên trưởng phải phù hợp với văn hóa câu lạc bộ, bởi vì công việc của họ là nêu gương cho văn hóa này, duy trì các chuẩn mực và giám sát chúng trong toàn bộ tổ chức. Đối với Milan, tất nhiên là tôi phù hợp một cách tự nhiên, nhưng tại Juventus thì không.
Môi trường gia đình thích hợp hơn với bản chất của tôi, và ai cũng dễ làm việc hơn trong một bầu không khí gần gũi và thân thuộc. Bậc thầy về quản trị Peter Drucker từng nói “Chiến lược là bữa ăn sáng của văn hóa” và tôi hoàn toàn tán thành.
Nếu không có sự đồng cảm văn hóa, đội ngũ vẫn có thể thành công nhưng thành công đó chỉ thoáng qua, khó duy trì được trong dài hạn. Dù đi đến bất cứ đâu, tôi vẫn luôn là chính mình. Đặc trưng cá tính hoặc phong cách của tôi vẫn không thay đổi, và suy cho cùng thì tôi được tuyển dụng vì tôi là chính tôi, chỉ vậy thôi!
Bầu không khí hiện có trong mỗi câu lạc bộ khi tôi mới đến sẽ quyết định thời lượng và khối lượng công việc mà tôi cần làm để có được thứ văn hóa tôi muốn - một gia đình của tôi. Đây là lý do tại sao đôi khi việc quan trọng nhất là tạo dựng bầu không khí gia đình, nếu không khí đó chưa sẵn có trong tổ chức!
Chẳng hạn, văn hóa tại Chelsea cũng giống như một công ty, nhưng tôi thấy có cơ hội để xây dựng văn hóa gia đình ở đó. Khi tuyển dụng vị trí lãnh đạo, quan trọng là chủ sở hữu phải biết chính xác vai trò cần thực thi dành cho người mới đến - duy trì văn hóa sẵn có hay sáng tạo ra một văn hóa mới?
[…]
Khi Real Madrid tuyển dụng tôi vào làm việc, họ biết tôi có thể điều chỉnh, nhưng có lẽ tôi cũng khá đồng cảm với một Madrid mà Florentino Pérez từng muốn hồi sinh. Đối với Pérez, khái niệm “dải thiên hà” galácticos là cốt lõi, và ông ta tin rằng các kỹ năng của tôi trong việc tạo dựng quan hệ với cầu thủ sẽ giúp xử lý được các nhu cầu khác nhau của tập hợp các ngôi sao sáng, cá tính mạnh trong phòng thay đồ. Pérez đã đúng khi tin tưởng vào năng lực này của tôi.
Tuy nhiên, vấn đề là các câu lạc bộ hiếm khi phỏng vấn và thẩm định đầy đủ để có thể biết rõ về ứng viên. Trong sự nghiệp của tôi, chỉ duy nhất một câu lạc bộ - ngoại trừ Milan đã biết tôi quá rõ - từng đặt cho tôi các câu hỏi chi tiết như “Ông quản lý như thế nào? Ông làm việc với các cầu thủ ra sao? Phong cách huấn luyện của ông là gì? Ông sẽ xử lý tình huống này, tình huống kia bằng cách nào?”. Đó chính là Chelsea.
Tôi đã có cả thảy... mười cuộc họp với Chelsea - theo tôi thì đây là cách làm rất đúng đắn, nhưng chắc chắn là không mấy phổ biến trong bóng đá. Tất cả các câu lạc bộ hãy nên lưu ý về cách tiếp cận này.