'Chìa khóa vàng' để hiện thực hóa khát vọng hùng cường
Vừa qua, tại Davos (Thụy Sỹ), trong khuôn khổ chuyến công tác của Thủ tướng và đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam tham dự Hội nghị thường niên lần thứ 55 Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF), Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Ngoại giao phối hợp với Tập đoàn FPT và VinaCapital tổ chức tọa đàm về “Đầu tư công nghệ cao tại Việt Nam - Cất cánh trong kỷ nguyên thông minh”.
Tham dự tọa đàm, cùng với các doanh nghiệp lớn của Việt Nam như: Viettel, VNPT, EVN, FPT, Sovico, VinaCapital… là một loạt “ông lớn” của thế giới: Google, City Group, Bitcoin Suiss, ngân hàng SEB, Schneider Electric, Qualcomm, Visa, Ericsson, Bitcoin Suisse, Hyundai Motor, Phòng Thương mại ASEAN - Thụy Sĩ, A. P. Moller Capital…
Tại tọa đàm, Chủ tịch Tập đoàn FPT Trương Gia Bình chia sẻ, các cấp chính quyền Việt Nam đã thay đổi tư duy, từ quản lý sang kiến tạo, từ kiểm soát quy trình sang quan tâm kết quả. Chia sẻ với các doanh nghiệp nước ngoài, ông Bình nói, Việt Nam đã xác định chọn khoa học công nghệ làm động lực quan trọng để đáp ứng mục tiêu tăng trưởng hai con số những năm tới. Mục tiêu này sẽ được hiện thực hóa thông qua các lĩnh vực như trí tuệ nhân tạo (AI), chuyển đổi số, bán dẫn và giáo dục.
Theo Chủ tịch FPT, Việt Nam đang ở vị thế thuận lợi trong lĩnh vực khoa học công nghệ mà hiện nay trên thế giới cũng chỉ có Ấn Độ tương xứng. Minh chứng cho điều này là việc mới đây Nvidia đã chọn Việt Nam làm địa điểm đầu tư như quê hương, ngôi nhà thứ hai. Đồng thời, ông Bình nói rằng Việt Nam cũng sở hữu 1 triệu kỹ sư công nghệ thông tin và hệ thống giáo dục tốt trong lĩnh vực này. Nhờ thế mạnh công nghệ cao sẵn có và sự hỗ trợ toàn diện từ Chính phủ với các định hướng chiến lược quốc gia, ông Bình nhấn mạnh, Việt Nam đang có tiềm năng để trở thành một điểm thu hút đầu tư cho các doanh nghiệp nước ngoài.
Phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số đang là yếu tố quyết định phát triển của các quốc gia; là điều kiện tiên quyết, thời cơ tốt nhất để nước ta phát triển giàu mạnh, hùng cường trong kỷ nguyên mới - kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.
Đại diện các tập đoàn lớn như Google, Schneider Electric, A.P. Moller Capital cho rằng, Việt Nam có vị trí quan trọng, nhiều tiềm năng trở thành trung tâm công nghệ của khu vực ASEAN và thế giới; các tập đoàn đã lựa chọn Việt Nam bởi nhận thấy cơ hội lớn, không chỉ trong phát triển khoa học công nghệ, mà cả trong phát triển hạ tầng, logistics, y tế… Các tập đoàn mong muốn Việt Nam tiếp tục hoàn thiện thể chế, hạ tầng cứng và mềm, có chính sách ưu đãi nhất là thuế, phí, đất đai, cũng như quy định về tỷ lệ sở hữu vốn nước ngoài mở hơn…
Những mong mỏi của các tập đoàn, doanh nghiệp lớn đã được nhấn mạnh trong Nghị quyết 57 của Bộ Chính trị về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số vừa được Tổng Bí thư Tô Lâm ký ban hành ngày 22/12/2024. Nghị quyết nhận định, phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số đang là yếu tố quyết định phát triển của các quốc gia; là điều kiện tiên quyết, thời cơ tốt nhất để nước ta phát triển giàu mạnh, hùng cường trong kỷ nguyên mới - kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.
Theo Nghị quyết 57, cần tăng cường sự lãnh đạo toàn diện của Đảng, phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị, sự tham gia tích cực của doanh nhân, doanh nghiệp và Nhân dân đối với phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia. Xác định đây là cuộc cách mạng sâu sắc, toàn diện trên tất cả các lĩnh vực; được triển khai quyết liệt, kiên trì, đồng bộ, nhất quán, lâu dài với những giải pháp đột phá, mang tính cách mạng. Người dân và doanh nghiệp là trung tâm, là chủ thể, nguồn lực, động lực chính; nhà khoa học là nhân tố then chốt; Nhà nước giữ vai trò dẫn dắt, thúc đẩy, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia.
Nghị quyết nhấn mạnh, thể chế, nhân lực, hạ tầng, dữ liệu và công nghệ chiến lược là những nội dung trọng tâm, cốt lõi, trong đó thể chế là điều kiện tiên quyết, cần hoàn thiện và đi trước một bước. Đổi mới tư duy xây dựng pháp luật bảo đảm yêu cầu quản lý và khuyến khích đổi mới sáng tạo, loại bỏ tư duy "không quản được thì cấm". Chú trọng bảo đảm nguồn nhân lực trình độ cao cho phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia; có cơ chế, chính sách đặc biệt về nhân tài.. Phát triển hạ tầng, nhất là hạ tầng số, công nghệ số trên nguyên tắc "hiện đại, đồng bộ, an ninh, an toàn, hiệu quả, tránh lãng phí"; làm giàu, khai thác tối đa tiềm năng của dữ liệu, đưa dữ liệu thành tư liệu sản xuất chính, thúc đẩy phát triển nhanh cơ sở dữ liệu lớn, công nghiệp dữ liệu, kinh tế dữ liệu...
Tại Hội nghị toàn quốc về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số, Bộ Chính trị quyết định thành lập Ban Chỉ đạo Trung ương về phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số, do Tổng Bí thư Tô Lâm làm Trưởng ban.
Phát biểu tại hội nghị được truyền trực tiếp đến tận thôn, xã, Tổng Bí thư Tô Lâm nhấn mạnh: "Nghị quyết 57 không thay thế các nghị quyết trước đây nhưng có thể xem là “Nghị quyết giải phóng tư duy khoa học” ,“Nghị quyết để thực hiện các Nghị quyết”, “Nghị quyết của hành động” với những mục tiêu rất cụ thể, đổi mới cách nghĩ, cách làm, nhằm hiện thực hóa các chủ trương, xóa bỏ rào cản, giải phóng năng lực để thúc đẩy đột phá trong phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số, tạo nền tảng phát triển mạnh mẽ đất nước trong thời kỳ mới", Tổng Bí thư nêu.
Trong chương trình hành động thực hiện Nghị quyết 57, Chính phủ đã đề ra 41 nhóm chỉ tiêu, gồm 35 nhóm chỉ tiêu cụ thể đến năm 2030 và 6 nhóm chỉ tiêu cụ thể đến năm 2045. Cùng với đó là 7 nhóm nhiệm vụ với 140 nhiệm vụ cụ thể. Trước hết là nâng cao nhận thức, đột phá về đổi mới tư duy, xác định quyết tâm chính trị mạnh mẽ, quyết liệt lãnh đạo, chỉ đạo, tạo xung lực mới, khí thế mới trong toàn xã hội về phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số.
Thủ tướng Chính phủ nhấn mạnh, đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số là “con đường duy nhất” để thực hiện mục tiêu đưa đất nước phát triển nhanh, bền vững trong thời gian tới. Có 3 việc phải thực hiện nhanh, có hiệu quả: thể chế thông thoáng, hạ tầng thông suốt, con người thông minh. Thủ tướng nêu: tư tưởng phải thông, hành động phải quyết liệt, quyết tâm phải cao, nỗ lực phải lớn, làm việc gì dứt việc đó.
Đáng chú ý, theo Thủ tướng, phải khẩn trương, quyết liệt hoàn thiện thể chế, xóa bỏ mọi tư tưởng, quan niệm, rào cản đang cản trở sự phát triển. Đưa thể chế thành một lợi thế cạnh tranh trong phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số. Theo Thủ tướng, đây là nhóm nhiệm vụ đặc biệt quan trọng nhằm thể chế hóa đầy đủ, kịp thời, hiệu quả chủ trương, đường lối của Đảng, Nhà nước trong phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số.
Nhóm nhiệm vụ khác là tăng cường đầu tư hạ tầng cho khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số là một chiến lược mang tính nền tảng. Trong đó, hạ tầng đóng vai trò là yếu tố cốt lõi để tạo đà bứt phá cho đất nước. Đầu tư cần được thực hiện một cách đồng bộ, liên kết mạnh mẽ giữa các ngành, các lĩnh vực. Ưu tiên phát triển hạ tầng với phương châm "hạ tầng số phải luôn đi trước một bước" để đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của nền kinh tế số, xã hội số.
Thủ tướng nêu, cần phát triển, trọng dụng nhân lực chất lượng cao, nhân tài đáp ứng yêu cầu phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo. Thủ tướng chỉ rõ cùng với việc tăng cường đầu tư hạ tầng và hoàn thiện thể chế, cơ chế, chính sách, phát triển và trọng dụng nhân lực chất lượng cao chính là yếu tố then chốt, là "chìa khóa vạn năng" mở ra cánh cửa thành công.
Trao đổi với phóng viên Tiền Phong, GS.TS Trần Trung Dũng – Giám đốc Trung tâm Y học thể thao (Bệnh viện Vinmec) nhìn nhận: Nghị quyết 57 là “làn gió mới”, sẽ giúp cho những nhà khoa học, những người làm công tác đào tạo, nghiên cứu, những người làm công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân có cơ hội làm tốt hơn nữa công việc của mình.
“Thầy thuốc sẽ chữa bệnh tốt hơn, thầy giáo đào tạo học trò có năng lực, kỹ năng, tầm nhìn tốt hơn, thấy được xu hướng trên thế giới để bắt nhịp với “dòng chảy khoa học công nghệ trên thế giới”, để có thể nhanh nhất đưa các ứng dụng khoa học công nghệ tiên tiến mới vào phục vụ đời sống, phục vụ chữa bệnh cho người dân Việt Nam. Không chỉ cá nhân tôi mà nhiều nhà khoa học khác cũng nhìn thấy như vậy. Nhiều tâm huyết của chúng tôi có thể sẽ được giải quyết từ ảnh hưởng của Nghị quyết 57”, ông Dũng nói.
Theo ông Dũng, Tổng Bí thư, lãnh đạo Đảng, Nhà nước nhìn thẳng vào thực tiễn để thấy những điểm nghẽn trong phát triển khoa học công nghệ. Tổng Bí thư và lãnh đạo Đảng, Nhà nước thấy rõ, khoa học công nghệ sẽ đóng vai trò là “đòn bẩy” để đất nước ta phát triển, có uy tín, tiến vào kỷ nguyên mới. Tổng Bí thư cũng nhấn mạnh việc tạo điều kiện để tạo ra những nguồn nhân lực chất lượng cao, ứng dụng ngay những công nghệ tiên tiến trên thế giới để rút ngắn khoảng cách phát triển.
GS Dũng nói, bây giờ là thế giới phẳng, là cơ hội để chúng ta có những công nghệ hàng đầu phục vụ cho phát triển đất nước. Vậy thì làm sao để tận dụng, triển khai được. Đó chính là câu chuyện về thể chế, quy định, hành lang pháp lý của Đảng, Nhà nước đi trước, để “mở toang” cánh cửa cho các nhà khoa học, các doanh nghiệp tham gia cùng với Nhà nước. Mọi thành phần trong xã hội đều có thể đóng góp, trong đó có cả Việt kiều, người nước ngoài; không chỉ đóng góp về mặt tài chính, mà có thể đóng góp về ứng dụng, giải pháp khoa học công nghệ. “Nếu làm được như thế, đất nước sẽ phát triển nhanh hơn”, ông Dũng nhấn mạnh.
TS. Phạm Trọng Nghĩa, Ủy viên chuyên trách Ủy ban Xã hội của Quốc hội cũng nhấn mạnh, sự chấp nhận rủi ro và thí điểm trong các dự án khoa học và công nghệ nêu trong Nghị quyết 57 là một bước đột phá so với cách tiếp cận truyền thống thường thận trọng và ít chấp nhận rủi ro. Điều này cho thấy sự thay đổi trong tư duy quản lý, từ việc chỉ tập trung vào an toàn và ổn định sang việc thúc đẩy sáng tạo và đổi mới. Qua đó, sẽ tạo ra một môi trường thuận lợi cho các ý tưởng mới được thử nghiệm và phát triển, điều cần thiết để bắt kịp với tốc độ thay đổi của công nghệ toàn cầu.
Tổng Bí thư Tô Lâm nhấn mạnh, tránh tình trạng nghị quyết nói hay, nhưng đi vào chính sách, thể chế cụ thể thì rất khó, thành ra đang từ hy vọng trở thành thất vọng, trải thảm đỏ mời nhưng bước chân vào thì giẫm phải đinh ở dưới, không đi được. Quyết liệt không để chồng chéo, cản trở lẫn nhau, "quyền anh quyền tôi, lợi ích cá nhân cục bộ".
Nghị quyết cũng nhấn mạnh vào việc tăng cường hợp tác giữa các tổ chức công lập và tư nhân, cũng như mở rộng hợp tác quốc tế trong nghiên cứu và phát triển. Đây là một bước tiến quan trọng để tối ưu hóa nguồn lực và thúc đẩy sự phát triển nhanh chóng của các dự án công nghệ. Hợp tác quốc tế cũng mở ra cơ hội để Việt Nam tiếp cận các công nghệ tiên tiến và học hỏi kinh nghiệm từ các nước phát triển.
Theo ông Nghĩa, Bộ Chính trị cũng đặt ra mục tiêu phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, đặc biệt trong các lĩnh vực công nghệ cao và đổi mới sáng tạo. Đây là một yếu tố then chốt để đảm bảo sự thành công của chiến lược phát triển khoa học và công nghệ. Việc đầu tư vào giáo dục và đào tạo sẽ giúp Việt Nam xây dựng được một lực lượng lao động có kỹ năng và khả năng thích ứng với những thay đổi nhanh chóng của thị trường lao động toàn cầu.
Chỉ 7 ngày sau Hội nghị toàn quốc về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số, Tổng Bí thư Tô Lâm – Trưởng Ban Chỉ đạo đã chủ trì Phiên họp đầu tiên của Ban Chỉ đạo Trung ương về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số. Theo Tổng Bí thư, Nghị quyết 57 được đông đảo Nhân dân, nhà khoa học... đồng tình, ủng hộ, đánh giá cao. Qua quan sát cho thấy, có sự đón nhận, ủng hộ từ cả trong và ngoài nước, được coi như nghị quyết "khoán 10" trong khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số.
Tổng Bí thư thông tin, nhiều nhà khoa học đã liên lạc với ông, thể hiện tâm huyết, mong muốn đóng góp cho đất nước, bởi nhìn nhận Nghị quyết 57 đề cập đúng vấn đề, đáp ứng đúng mong mỏi của họ. Từ đó, Tổng Bí thư đặt vấn đề, phải làm sao đưa nghị quyết vào cuộc sống.
"Vai trò của Ban Chỉ đạo, trách nhiệm của các thành viên Ban Chỉ đạo là rất lớn, là đầu não kết nối các cơ quan trong cả hệ thống chính trị để giải quyết các điểm nghẽn đã được chỉ ra", Tổng Bí thư nêu. Tổng Bí thư nói, năm 2025 có vai trò rất quan trọng, vì thế, phải giải quyết được những vấn đề mang tính nền tảng để triển khai Nghị quyết 57.
Tổng Bí thư chia sẻ, ông nhận được rất nhiều ý kiến đề xuất của các cơ quan, doanh nghiệp liên quan vấn đề khoa học công nghệ. Vì thế, phải triển khai công việc nhanh để không cản trở sự phát triển. "Nếu chờ ăn Tết xong, cùng với triển khai tổng kết Nghị quyết 18 nữa, thì chưa bắt tay vào việc gì cả. Bản thân tôi rất sốt ruột, đặc biệt là 3 vấn đề về thể chế, hạ tầng và nhân lực. Đây là các vấn đề cốt lõi, phải ưu tiên trước. Nếu năm 2025 không tạo đột phá về 3 vấn đề này thì mục tiêu đến năm 2030 không đạt được. Vì vậy, năm 2025 rất có ý nghĩa, phải thống nhất nhận thức như vậy", Tổng Bí thư Tô Lâm nêu.
Tổng Bí thư yêu cầu các thành viên Ban Chỉ đạo hành động thực chất, tránh hình thức; cần phối hợp chặt chẽ, không chồng chéo để đồng bộ trong chỉ đạo. Tránh tình trạng nghị quyết nói hay, nhưng đi vào chính sách, thể chế cụ thể thì rất khó, thành ra đang từ hy vọng trở thành thất vọng, trải thảm đỏ mời nhưng bước chân vào thì giẫm phải đinh ở dưới, không đi được. Tổng Bí thư yêu cầu quyết liệt không để chồng chéo, cản trở lẫn nhau, "quyền anh quyền tôi, lợi ích cá nhân cục bộ". Tuy nhiên, Ban Chỉ đạo cũng không làm thay nhiệm vụ của các cơ quan chức năng. Việc triển khai các nhiệm vụ, theo Tổng Bí thư phải quyết liệt, khẩn trương, đo lường được kết quả, gắn với trách nhiệm cá nhân.
Tổng Bí thư Tô Lâm yêu cầu, Chính phủ cần đổi mới kế hoạch bố trí ngân sách cho phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia, đề nghị bố trí đủ ít nhất 3% ngân sách để thực hiện nhiệm vụ này. Tổng Bí thư nhấn mạnh, có thể tăng lên đến 2% GDP trong 5 năm tiếp theo, thậm chí lên 5% GDP cho lĩnh vực khoa học công nghệ để thực sự “nâng tầm” xứng đáng vì mục tiêu phát triển.
Tổng Bí thư nêu, Thủ tướng Chính phủ cần chỉ đạo cơ quan chức năng có hình thức phù hợp để phát động phong trào thi đua phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số trong toàn hệ thống chính trị - xã hội. Nghiên cứu đề xuất phương án quản lý tài chính trong lĩnh vực nghiên cứu khoa học công nghệ. Tổng Bí thư nêu dẫn chứng, có những nhà khoa học mất 50% thời gian vào việc thanh toán, thậm chí phải "nói dối" để hợp pháp hóa hóa đơn, chứng từ thì không còn thời gian để nghiên cứu.
Tổng Bí thư cũng lưu ý việc sắp xếp lại các tổ chức khoa học công nghệ, tập trung đầu tư trọng điểm phát triển các tổ chức nghiên cứu mạnh, có kế hoạch xây dựng đội ngũ nhà khoa học chất lượng cao, nhân tài khoa học công nghệ. Có cơ chế tập hợp, thu hút đội ngũ này để huy động sức mạnh, đóng góp cho sự phát triển. Đặc biệt, Tổng Bí thư cho rằng, Chính phủ cần phối hợp với Quốc hội đảm bảo hoàn thiện sửa đổi một số bộ luật, đặc biệt là các luật gốc, như: Luật Khoa học công nghệ, Luật Ngân sách để không bị ách tắc, bởi nếu tắc là tắc hết. "Đó chính là tháo gỡ thể chế. Nhìn ra xung quanh thấy buộc tay buộc chân hết, đụng vào cái là bị siết lại, không thể múa may được", Tổng Bí thư nêu rõ.
Đáng chú ý, với khúc mắc lâu nay về vấn đề ngân sách, tài chính dành cho khoa học công nghệ, Tổng Bí thư Tô Lâm yêu cầu, Chính phủ cần đổi mới kế hoạch bố trí ngân sách cho phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia, đề nghị bố trí đủ ít nhất 3% ngân sách để thực hiện nhiệm vụ này. Tổng Bí thư nhấn mạnh, có thể tăng lên đến 2% GDP trong 5 năm tiếp theo, thậm chí lên 5% GDP cho lĩnh vực khoa học công nghệ để thực sự “nâng tầm” xứng đáng vì mục tiêu phát triển.