'Chìa khóa vàng' mở cánh cửa sinh kế ở Bắc Quang

BHG - Lấy người học làm trung tâm, doanh nghiệp làm đối tác, đầu tư bài bản, hỗ trợ đúng đối tượng… Đây chính là “chìa khóa vàng” trong chiến lược giáo dục nghề nghiệp và giải quyết việc làm tại huyện Bắc Quang, giai đoạn 2021 – 2024. Qua đó, không chỉ nâng cao chất lượng nguồn nhân lực mà còn tạo sinh kế bền vững, góp phần thúc đẩy KT-XH địa phương thêm phát triển.

Bắc Quang hiện có dân số hơn 126.000 người, trong đó lực lượng lao động chiếm 61,5%. Tuy nhiên, cơ cấu lao động mất cân đối khi lĩnh vực nông, lâm nghiệp chiếm tới 74%, còn công nghiệp, xây dựng chỉ chiếm 12% và dịch vụ chiếm 14%. Với quyết tâm nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, phát triển kỹ năng nghề cho người lao động, nhất là lao động nông thôn, đồng bào dân tộc thiểu số và người thuộc hộ nghèo, cận nghèo, huyện Bắc Quang đã ưu tiên bố trí nguồn lực gần 10 tỷ đồng từ ngân sách Nhà nước để thực hiện công tác đào tạo nghề. Nguồn kinh phí này được sử dụng linh hoạt cho các hoạt động đào tạo sơ cấp, đào tạo dưới 3 tháng hay đào tạo theo hình thức “cầm tay chỉ việc” ngay tại các làng nghề, hợp tác xã. Ngoài ra, các chính sách hỗ trợ học phí, vay vốn học nghề và giải quyết việc làm được triển khai đồng bộ, đảm bảo quyền lợi thiết thực cho người học. Chỉ riêng nguồn vốn vay giải quyết việc làm đã đạt 176,7 tỷ đồng, hỗ trợ hơn 3.600 lao động phát triển kinh tế tại chỗ.

Nhiều lao động ở xã Đồng Tâm có việc làm, thu nhập ổn định sau khi học nghề xây dựng.

Nhiều lao động ở xã Đồng Tâm có việc làm, thu nhập ổn định sau khi học nghề xây dựng.

Đặc biệt, thông qua phương thức đặt hàng đào tạo gắn với giải quyết việc làm và bao tiêu sản phẩm sau đào tạo, nhiều mô hình đã chứng minh hiệu quả rõ nét, góp phần nâng cao tỷ lệ lao động có việc làm ngay sau khi học nghề. Trong từng khóa học, các đơn vị đào tạo đều chủ động ký kết hợp đồng với doanh nghiệp, đảm bảo đầu ra cho người học với các nhóm ngành có nhu cầu tuyển dụng cao như: Nấu ăn, xây dựng, may mặc hay các nghề truyền thống (đan lát, thủ công mỹ nghệ) được bao tiêu sản phẩm tại chỗ. Các Công ty TNHH ngoài tỉnh như: May Tinh Lợi, Honda Việt Nam, Canon Việt Nam, Samsung Electronics Việt Nam… thường xuyên liên kết đào tạo, tuyển dụng lao động ngay sau khi tốt nghiệp. Ở địa phương, nhiều lao động cũng tìm được việc làm ổn định tại các doanh nghiệp trong Cụm công nghiệp Nam Quang hay các siêu thị, nhà hàng, khách sạn. Nhờ vậy, 8.869 lao động đã được giải quyết việc làm, đạt 113% so với mục tiêu đề ra. Trong đó, 6.665 lao động làm việc ngoài tỉnh, 126 người đi xuất khẩu lao động và 2.078 lao động được bố trí việc làm tại địa phương.

Trường Trung cấp Dân tộc nội trú – Giáo dục thường xuyên Bắc Quang là đơn vị chủ lực đào tạo nghề cho huyện. Với 53 cán bộ, giáo viên, 31 phòng học được đầu tư đồng bộ cùng hệ thống ký túc xá, phòng thực hành, thư viện ngày càng hoàn thiện, nhà trường đã từng bước nâng cao chất lượng giảng dạy. Thầy Kiều Ngọc Lễ, Hiệu trưởng Trường Trung cấp Dân tộc nội trú – Giáo dục thường xuyên Bắc Quang chia sẻ: “Không chỉ trang bị kiến thức chuyên môn, kỹ năng mềm cho người học, nhà trường còn chú trọng đào tạo kỹ năng nghề gắn với thực tiễn sản xuất, đáp ứng nhu cầu tuyển dụng của doanh nghiệp, mở ra cơ hội việc làm cho học viên ngay sau khi tốt nghiệp. Do đó, tỷ lệ học viên ra trường có việc làm đạt 90%, trong đó nhiều em được doanh nghiệp tuyển dụng trực tiếp; số còn lại tiếp tục theo học bậc cao hơn”.

Với cách làm linh hoạt, sáng tạo trong công tác giáo dục nghề nghiệp và giải quyết việc làm cho lao động, huyện Bắc Quang đã đạt nhiều kết quả tích cực, toàn diện trên cả phương diện kinh tế và an sinh xã hội. Tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 66%, trong đó, 19% lao động có bằng cấp, chứng chỉ từ trình độ sơ cấp nghề trở lên. Chỉ số thành phần đào tạo lao động trong Chỉ số năng lực cạnh tranh của huyện Bắc Quang luôn nằm trong top đầu của tỉnh. Thu nhập bình quân đầu người đạt 59,3 triệu đồng/năm. Đặc biệt, cơ cấu lao động từng bước chuyển dịch theo hướng tích cực, với tỷ lệ chuyển dịch từ nông nghiệp sang phi nông nghiệp trong toàn giai đoạn đạt 15%. Đây là bước tiến quan trọng, góp phần làm thay đổi diện mạo kinh tế nông thôn, giảm áp lực lên khu vực sản xuất nông nghiệp thuần túy.

Những kết quả nổi bật trên một lần nữa chứng minh hướng đi đúng, trúng của huyện Bắc Quang trong công tác giáo dục nghề nghiệp và giải quyết việc làm. Đây là nền tảng quan trọng để huyện Bắc Quang tiếp tục nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, xây dựng nền kinh tế nông thôn hiện đại, bền vững.

Bài, ảnh: THU PHƯƠNG

Nguồn Hà Giang: http://baohagiang.vn/kinh-te/202504/chia-khoa-vang-mo-canh-cua-sinh-ke-o-bac-quang-f18415f/