Ông Trump đổ lỗi cho ông Biden khi kinh tế Mỹ chững lại
Tổng thống Donald Trump lên tiếng bảo vệ chính sách thuế quan của mình và đổ lỗi cho người tiền nhiệm khi kinh tế Mỹ chững lại trong quý I.

Ông Trump kêu gọi mọi người kiên nhẫn và khẳng định chính sách thuế quan sẽ sớm phát huy hiệu quả. Ảnh: Reuters.
Nền kinh tế Mỹ được cho là đã chững lại, thậm chí có thể suy giảm trong quý I. Giới chuyên gia cảnh báo những rối loạn do chính sách thuế quan thiếu nhất quán từ chính quyền Tổng thống Donald Trump đang gây ra thiệt hại thực sự đối với tăng trưởng, theo Reuters.
Báo cáo ước tính sơ bộ về GDP của Bộ Thương mại Mỹ sẽ được công bố vào thứ Tư (giờ Mỹ) - trùng thời điểm ông Trump tròn 100 ngày tại nhiệm kỳ hai. Dữ liệu này được dự báo sẽ khiến mức tín nhiệm của ông trong xử lý vấn đề kinh tế tiếp tục sụt giảm, trong bối cảnh người tiêu dùng và doanh nghiệp đều đang bi quan.
Ông Trump đổ lỗi
Theo khảo sát của Reuters, GDP quý I có thể chỉ tăng 0,3% theo tốc độ hàng năm - mức thấp nhất kể từ quý II/2022. Tuy nhiên, con số này có thể còn tệ hơn sau khi dữ liệu hôm thứ Ba cho thấy thâm hụt thương mại hàng hóa của Mỹ đã tăng lên mức kỷ lục trong tháng 3, chủ yếu do nhập khẩu tăng mạnh, đặc biệt là vàng phi tiền tệ.
Goldman Sachs dự báo GDP quý I có thể giảm tới 0,8%. Ước tính, thâm hụt thương mại đã lấy đi tới 1,9 điểm phần trăm khỏi tăng trưởng GDP. Trước đó, kinh tế Mỹ tăng trưởng 2,4% trong quý IV/2024.
Một số nhà kinh tế khuyến nghị không nên quá lo lắng về con số tăng trưởng, do phần lớn nhập khẩu tăng đến từ vàng - yếu tố không phản ánh đúng sức khỏe thực của nền kinh tế. Tuy nhiên, các mô hình dự báo đang đưa ra nhiều kết quả trái ngược: Fed Atlanta dự báo GDP giảm 1,5%, còn nhóm nghiên cứu của Fed New York lại kỳ vọng tăng trưởng đạt 2,6%.
Trước thông tin nói trên, Tổng thống Donald Trump đã lên tiếng bảo vệ chính sách thuế quan của mình và đổ lỗi cho người tiền nhiệm, theo CNBC.
“Đây là thị trường chứng khoán của ông Biden, không phải của tôi. Tôi mới tiếp quản từ ngày 20/1”, ông Trump viết trên mạng xã hội Truth Social.
Ông khẳng định thuế quan sẽ sớm phát huy hiệu quả và hàng loạt doanh nghiệp đang chuyển nhà máy về Mỹ.
“Nền kinh tế của chúng ta sẽ bùng nổ, nhưng trước hết cần gạt bỏ 'gánh nặng Biden'. Điều này sẽ cần thời gian, không liên quan gì đến thuế quan. Chỉ là ông ấy để lại những con số tồi tệ. Nhưng khi cú bùng nổ bắt đầu, nó sẽ chưa từng có trong tiền lệ. Hãy kiên nhẫn!”, ông Trump viết.
Niềm tin tiêu dùng lao dốc, doanh nghiệp hoài nghi
Chỉ số niềm tin tiêu dùng đã giảm xuống mức thấp nhất trong gần 5 năm. Tâm lý doanh nghiệp cũng sụt giảm rõ rệt, đặc biệt trong ngành hàng không khi nhiều hãng đã rút lại dự báo tài chính cho năm 2025 do lo ngại chi tiêu đi lại không thiết yếu sẽ bị cắt giảm.
“Cú sốc thương mại hiện tại đang che mờ mọi nỗ lực khác của Nhà Trắng”, ông Joe Brusuelas, kinh tế trưởng tại RSM US, nhận định. “Chúng ta đã đi từ cú sốc thương mại sang tài chính và giờ là nguy cơ suy thoái - tất cả chỉ trong chưa đầy 100 ngày", vị chuyên gia nói thêm.

Nhiều doanh nghiệp Mỹ "đau đầu" vì chính sách thuế quan của ông Trump. Ảnh: Reuters.
Áp lực giá cả vẫn chưa có dấu hiệu hạ nhiệt. Chỉ số giá tiêu dùng cá nhân (PCE) loại trừ thực phẩm và năng lượng được dự báo tăng 3,3% trong quý I, cao hơn mức 2,6% của quý IV/2024. Với lạm phát còn dai dẳng, nhiều chuyên gia dự đoán Fed sẽ tiếp tục cắt giảm lãi suất trong năm nay, dù chưa rõ thời điểm.
Chi tiêu tiêu dùng - chiếm hơn 2/3 nền kinh tế - được dự đoán chậm lại đáng kể. Nhiều hộ gia đình đã mua sắm sớm để né giá tăng, trong khi thị trường lao động đang dần nguội. Xu hướng tiết kiệm lên ngôi, khiến sức mua suy yếu.
Dù nhập khẩu tăng mạnh, tồn kho doanh nghiệp không tăng đáng kể. Đây là điều khiến nhiều chuyên gia cho rằng nên thận trọng khi diễn giải các con số GDP, đặc biệt khi thâm hụt thương mại phần lớn đến từ nhập vàng.
Một số chuyên gia khuyến nghị nên tập trung vào doanh số cuối cùng của các đối tượng tiêu dùng nội địa tư nhân - chỉ số loại trừ các yếu tố như thương mại, tồn kho và chi tiêu chính phủ - để phản ánh chính xác hơn nhịp đập của nền kinh tế. Tuy nhiên, chỉ số này cũng bị bóp méo bởi tác động của việc người dân và doanh nghiệp đẩy mạnh chi tiêu trước khi thuế được áp dụng.