Chia sẻ dữ liệu giữa kiểm toán và thanh tra còn khó khăn

Sáng 5-6, trả lời chất vấn của Quốc hội về lĩnh vực kiểm toán, Tổng Kiểm toán Nhà nước Ngô Văn Tuấn cho biết, khó khăn nhất hiện nay là chia sẻ, truy cập cơ sở dữ liệu thông tin giữa kiểm toán và thanh tra.

Tổng Kiểm toán Nhà nước Ngô Văn Tuấn trả lời chất vấn. Ảnh: media.quochoi.vn

Tổng Kiểm toán Nhà nước Ngô Văn Tuấn trả lời chất vấn. Ảnh: media.quochoi.vn

Chất vấn của đại biểu Dương Tấn Quân (Đoàn Bà Rịa - Vũng Tàu) về giải pháp để khắc phục tình trạng chồng chéo giữa thanh tra và kiểm toán, Tổng Kiểm toán Nhà nước Ngô Văn Tuấn cho biết, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Kiểm toán nhà nước năm 2019 quy định nguyên tắc Kiểm toán Nhà nước có trách nhiệm phối hợp chặt chẽ với Thanh tra Chính phủ để xử lý chồng chéo ngay từ khi lập kế hoạch thanh tra, kiểm toán.

“Để hạn chế chồng chéo, Kiểm toán Nhà nước đã có quy chế phối hợp với Thanh tra Chính phủ trong công tác lập kế hoạch, triển khai thanh tra, kiểm toán và xử lý chồng chéo trong quá trình thanh tra, chia sẻ dữ liệu và đôn đốc thực hiện kết quả thanh tra, kiểm toán”, ông Ngô Văn Tuấn nói.

Đối với chất vấn của đại biểu Nguyễn Tiến Nam (Đoàn Quảng Bình) về cơ chế phối hợp, chia sẻ dữ liệu giữa Kiểm toán Nhà nước và Thanh tra Chính phủ, Tổng Kiểm toán Nhà nước cho biết, thực hiện chế độ phát triển kiểm toán đến năm 2030 đã được Ủy ban Thường vụ Quốc hội thông qua, nhấn mạnh đến 3 trụ cột: Hoàn thiện cơ chế chính sách, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông.

Thực hiện nhiệm vụ trên, cơ quan Kiểm toán đã ban hành Chiến lược ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số của ngành đến năm 2030. Trong đó, chú trọng đến cơ sở hạ tầng, tiến hành xây dựng cơ sở dữ liệu của ngành. Tuy nhiên, ông Ngô Văn Tuấn cho biết, khó khăn nhất hiện nay là chia sẻ, truy cập dữ liệu thông tin giữa các cơ quan. Vì vậy, thời gian tới, cơ quan kiểm toán kỳ vọng đẩy mạnh việc ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số sẽ được thuận lợi hơn.

Đại biểu Phạm Thị Thanh Mai (Đoàn Hà Nội) đặt câu hỏi chất vấn. Ảnh: media.quochoi.vn

Đại biểu Phạm Thị Thanh Mai (Đoàn Hà Nội) đặt câu hỏi chất vấn. Ảnh: media.quochoi.vn

Trả lời chất vấn của đại biểu Phạm Thị Thanh Mai (Đoàn Hà Nội) về việc triển khai ủy thác hoặc thuê doanh nghiệp kiểm toán thực hiện kiểm toán cơ quan, tổ chức quản lý, sử dụng tài chính công, tài sản công được quy định trong Luật Kiểm toán nhà nước, Tổng Kiểm toán Nhà nước Ngô Văn Tuấn cho biết, đến nay Kiểm toán Nhà nước chưa thực hiện thuê kiểm toán độc lập dù trong Luật quy định được quyền thuê và chịu trách nhiệm. “Hiện nay với nguồn lực, mục tiêu theo quy định thì chúng tôi đang cố gắng triển khai tốt, đến một lúc nào đó sẽ thực hiện theo quy định của Quốc hội”, Tổng Kiểm toán Nhà nước nói.

Tham gia giải trình, làm rõ các chất vấn của đại biểu Quốc hội, Bộ trưởng Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết, có 2 hệ thống kiểm toán. Thứ nhất, Kiểm toán Nhà nước là cơ quan kiểm toán độc lập, do Quốc hội thành lập và thực hiện theo pháp luật. Kiểm toán Nhà nước với nguyên tắc và phạm vi thực hiện sẽ tiến hành hoạt động kiểm toán đối với những đơn vị có tài sản, có tiền của nhà nước.

Theo đánh giá của Bộ trưởng Bộ Tài chính, Kiểm toán Nhà nước có quy trình chặt chẽ, chất lượng tốt; việc áp dụng công nghệ cao, công nghệ thông tin trong kiểm toán đang được thực hiện rất nổi trội. Đây là một trong những cơ quan hàng đầu trong thực hiện kiểm toán và thanh tra về đầu tư.

Thứ hai là hệ thống kiểm toán độc lập, thực hiện theo Luật Kiểm toán độc lập - là cung cấp các dịch vụ kiểm toán cho các doanh nghiệp. Tổ chức cung cấp này gồm những người hành nghề kiểm toán độc lập; doanh nghiệp kiểm toán độc lập; các doanh nghiệp nước ngoài có chi nhánh kiểm toán đặt tại Việt Nam. Những đối tượng này sẽ thực hiện hợp đồng kiểm toán, dịch vụ kiểm toán báo cáo tài chính; kiểm toán dự án đầu tư hoặc kiểm toán một công việc mà do doanh nghiệp thuê. Kiểm toán độc lập phối hợp Kiểm toán Nhà nước thông qua vấn đề hợp đồng, trưng dụng để thực hiện kiểm toán theo yêu cầu của Kiểm toán Nhà nước.

Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc tham gia giải trình, làm rõ các chất vấn. Ảnh: media.quochoi.vn

Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc tham gia giải trình, làm rõ các chất vấn. Ảnh: media.quochoi.vn

Bộ Tài chính thực hiện đúng quy định của Luật Kiểm toán nhà nước về quản lý chất lượng kiểm toán; Bộ không trực tiếp thực hiện kiểm toán. Theo đó, Bộ Tài chính quản lý chất lượng kiểm toán thông qua việc ban hành cơ chế, chính sách, chiến lược, thanh tra, kiểm tra, giám sát đối với các tổ chức kiểm toán này.

Bộ trưởng Hồ Đức Phớc cho biết, 2 năm vừa qua, Bộ Tài chính đã tiến hành thanh tra, kiểm tra 20 doanh nghiệp kiểm toán; kiểm tra 62 hồ sơ kiểm toán. Đến năm 2024, Bộ đã đưa ra kế hoạch sẽ thực hiện kiểm tra 20 đến 24 doanh nghiệp, trong đó có 8 doanh nghiệp có lợi ích công chúng trong lĩnh vực chứng khoán. Như vậy, Bộ đã tập trung nâng cao chất lượng kiểm toán độc lập thông qua bồi dưỡng, tập huấn, cấp phép và thanh tra, kiểm tra đúng theo quy định của pháp luật.

Nguồn Hà Nội Mới: https://hanoimoi.vn/chia-se-du-lieu-giua-kiem-toan-va-thanh-tra-con-kho-khan-668416.html