Chia sẻ gánh nặng cung ứng vốn
Việc đẩy mạnh phát triển thị trường vốn, đặc biệt là thị trường trái phiếu doanh nghiệp (TPDN), để chia sẻ gánh nặng với hệ thống ngân hàng trong việc cung ứng vốn cho nền kinh tế là rất cần thiết trong bối cảnh hiện nay.

Hiện tại, nguồn vốn trung và dài hạn vẫn chủ yếu được cung cấp bởi hệ thống ngân hàng
Niềm tin được khôi phục
Theo ADB (Asianbondonline), lũy kế đến hết năm 2024, quy mô dư nợ thị trường TPDN Việt Nam đạt khoảng 1,07 triệu tỷ đồng, tương đương 9,3% GDP năm 2024. Con số này đã giảm khoảng 21% so với thời điểm cuối năm 2021 bởi hoạt động mua lại diễn ra mạnh mẽ (tổng giá trị mua lại giai đoạn 2022-2024 lên tới hơn 600.000 tỷ đồng), cùng với đó là khối lượng phát hành mới suy giảm do tâm lý thị trường và các quy định mới siết chặt hơn hoạt động phát hành trái phiếu riêng lẻ.
Diễn biến trên thị trường cho thấy, khối lượng phát hành phục hồi tích cực sau năm 2022 gặp nhiều khó khăn, tăng 25,7% trong năm 2023 và 37,7% trong năm 2024. Tuy vẫn còn cách xa mức kỷ lục của năm 2021, nhưng điều này phần nào cho thấy niềm tin của nhà đầu tư đã dần khôi phục, cũng như thị trường đang dần thích ứng với những quy định mới.
Số liệu tổng hợp từ Hiệp hội Thị trường trái phiếu Việt Nam (VBMA) cho thấy, từ năm 2022, hoạt động mua lại TPDN trước hạn tăng đột biến khi các doanh nghiệp chủ động cơ cấu lại cấu trúc tài chính. Khối lượng TPDN mua lại năm 2022 lên tới hơn 210.000 tỷ đồng (tăng 46% so với năm 2021) và đạt đỉnh vào năm 2023 với 244.000 tỷ đồng, trước khi giảm trở lại trong năm 2024 khi đạt hơn 153.000 tỷ đồng.
Về cơ cấu phát hành, các tổ chức tín dụng và doanh nghiệp bất động sản vẫn chiếm hơn 50% tổng khối lượng phát hành từ năm 2018 đến nay và đang có xu hướng tăng lên. Những đơn vị này tích cực tham gia phát hành trái phiếu bởi đây là 2 lĩnh vực có nhu cầu vốn lớn và thường có đủ quy mô, nguồn lực để đáp ứng các yêu cầu phát hành trái phiếu.
Về cơ cấu nhà đầu tư, các ngân hàng thương mại chiếm tỷ trọng lớn nhất, khoảng 55% tổng giá trị TPDN lưu hành; tiếp theo là các công ty chứng khoán và quỹ đầu tư với khoảng 18%; nhà đầu tư cá nhân chiếm 15%; công ty bảo hiểm và quỹ hưu trí chiếm 9%, trong khi các tổ chức nhà nước sở hữu gần như không đáng kể.
Bà Nguyễn Thảo Hạnh - chuyên gia Khối Nghiên cứu tín dụng và dịch vụ tài chính xanh, Công ty cổ phần FiinRatings cho biết, tổng giá trị phát hành TPDN tính đến thời điểm ngày 31/12/2024 đạt 443.700 tỷ đồng (trong đó giá trị phát hành riêng lẻ chiếm tới 92%), tăng gần 27% so với cùng kỳ năm trước. Hoạt động phát hành diễn ra sôi động nhất vào quý III và IV/2024, phản ánh nhu cầu vốn gia tăng của doanh nghiệp trong bối cảnh kinh tế phục hồi.
Đáng chú ý, để đáp ứng yêu cầu chấm điểm tín nhiệm theo quy định mới, đến tháng 12/2024, Bộ Tài chính đã phối hợp với các bộ, ngành liên quan để cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh dịch vụ xếp hạng tín nhiệm cho 5 doanh nghiệp. Dịch vụ tư vấn phát hành cũng được chấn chỉnh khi Luật số 56/2024 đưa ra các quy định liên quan đến hồ sơ, tài liệu báo cáo… Nhờ những thay đổi này, thị trường TPDN Việt Nam đang dần vận hành theo hướng chuyên nghiệp, tiệm cận với thông lệ quốc tế.

Nhiều yếu tố hỗ trợ
Theo TS. Cấn Văn Lực - chuyên gia Kinh tế trưởng, Giám đốc Viện Đào tạo và Nghiên cứu BIDV, thị trường TPDN được kỳ vọng phát triển mạnh hơn trong thời gian tới nhờ vào nhiều yếu tố hỗ trợ như:
Thứ nhất, Chính phủ quyết tâm thực hiện các giải pháp để đạt mục tiêu tăng trưởng nhanh, bền vững trong giai đoạn tới, trong đó có việc phát triển thị trường vốn nói chung và thị trường TPDN nói riêng để đáp ứng nhu cầu vốn của nền kinh tế.
Thứ hai, tình hình kinh tế vĩ mô dự báo tiếp tục khả quan (tăng trưởng kinh tế có thể đạt 6,5-7% năm 2025 và 8-9% năm 2026, theo kịch bản cơ sở), tạo tiền đề để hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp khởi sắc hơn, cải thiện niềm tin của nhà đầu tư với kênh TPDN.
Thứ ba, mặt bằng lãi suất được kỳ vọng tiếp tục giữ ở mức thấp để hỗ trợ tăng trưởng kinh tế. Lãi suất thấp không chỉ kích cầu tín dụng, mà còn giúp giảm chi phí vốn từ phát hành trái phiếu, từ đó khuyến khích nhiều doanh nghiệp xem xét phát hành TPDN nhiều hơn. Ngoài các đợt phát hành trong nước, các ngân hàng trung ương trên thế giới được kỳ vọng sẽ giảm lãi suất trong thời gian tới, tạo điều kiện thuận lợi cho việc phát hành trái phiếu trên thị trường quốc tế.
Thứ tư, sàn giao dịch trái phiếu riêng lẻ đi vào vận hành đã giúp cải thiện thanh khoản, nâng cao tính hấp dẫn của TPDN phát hành riêng lẻ, đồng thời tăng tính minh bạch của hoạt động phát hành riêng lẻ, từ đó thúc đẩy sự phát triển của thị trường TPDN nói chung.
Thứ năm, các điều khoản trong Nghị định 08/2023 về tạm ngưng hiệu lực của một số quy định tại Nghị định 65/2022 hết hạn từ ngày 31/12/2023, tuy có khó khăn tuân thủ ban đầu, nhưng thị trường cũng đã có hơn 8 tháng để chuẩn bị cho những quy định mới. Nhà đầu tư chứng khoán cá nhân đã tích lũy đủ thời gian 180 ngày để đáp ứng quy định nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp tại Nghị định số 65/2022/NĐ-CP. Những quy định này sẽ là nền tảng để thị trường trái phiếu phát triển bền vững, an toàn hơn trong dài hạn.
“Đáng chú ý, thị trường chứng khoán Việt Nam có nhiều khả năng sẽ được nâng hạng trong năm 2025, giúp tăng thu hút vốn nước ngoài. Dòng vốn ngoại đổ vào thị trường nhiều hơn có thể tạo ra hiệu ứng tích cực cho thị trường tài chính nói chung và thị trường chứng khoán, TPDN nói riêng. Bên cạnh đó, định hướng tăng trưởng xanh, bền vững của Chính phủ đang thúc đẩy hoạt động phát hành trái phiếu xanh. Thị trường này đang có tiềm năng rất lớn khi Việt Nam quyết tâm thực hiện cam kết Net Zero vào năm 2050”, ông Lực nói.
Bên cạnh sự tích cực, thị trường cũng đối mặt với một số khó khăn, thách thức. Trong ngắn hạn, thị trường sẽ phải đối mặt với thực trạng lượng TPDN đáo hạn lớn, trong khi vẫn còn doanh nghiệp gặp khó khăn khi thực hiện các nghĩa vụ thanh toán.
Theo FiinGroup, nợ gốc TPDN phải trả dự kiến khoảng 226.600 tỷ đồng (nhiều hơn lượng của năm 2024 khoảng 5,1%), trong khi tỷ lệ TPDN chậm trả lũy kế hết năm 2024 đang ở mức 3,5%. Như vậy, có thể thấy, áp lực trả nợ TPDN trong giai đoạn 2025-2026 vẫn còn lớn, phụ thuộc nhiều vào khả năng phục hồi của thị trường bất động sản và việc giải quyết dứt điểm các vụ việc vi phạm pháp luật trên thị trường chứng khoán thời gian qua.
Trong dài hạn, ông Lực cho rằng, thị trường cần phải giải quyết nhiều vấn đề mang tính cấu trúc như hoạt động phát hành vẫn phụ thuộc nhiều vào tổ chức tín dụng và doanh nghiệp bất động sản, các doanh nghiệp khác có tỷ trọng phát hành ngày càng nhỏ, cho thấy thị trường TPDN chưa thực sự trở thành kênh dẫn vốn trung - dài hạn cho nhiều lĩnh vực kinh tế khác nhau.
Câu chuyện cơ cấu nhà đầu tư sở hữu TPDN cũng còn nhiều bất cập. Ngân hàng thương mại là bên mua chính trong các đợt phát hành trái phiếu, trong khi các nhà đầu tư tổ chức khác như công ty bảo hiểm, quỹ hưu trí, quỹ đầu tư, công ty chứng khoán chiếm tỷ trọng nhỏ. Ông Lực nhận định, sức mua lệ thuộc quá lớn vào các ngân hàng thương mại làm cho thị trường TPDN chưa phát huy được hết vai trò cung ứng vốn trung - dài hạn cho nền kinh tế (bởi nguồn cung vốn thực ra vẫn là các ngân hàng thương mại).
“Hoạt động phát hành ra công chúng chưa phát triển tương xứng với quy mô thị trường, trong khi phát hành riêng lẻ vẫn chiếm đa số, tiềm ẩn nhiều rủi ro”, ông Lực nhấn mạnh.
Nguồn ĐTCK: https://tinnhanhchungkhoan.vn/chia-se-ganh-nang-cung-ung-von-post368342.html