Chia sẻ gánh nặng với ngành y tế để kiểm soát hiệu quả thuốc lá mới

Thực tế đòi hỏi cần sớm có giải pháp kiểm soát thuốc lá mới theo hướng có lợi cho xã hội, song song với việc chia sẻ gánh nặng cùng ngành y tế nếu cho phép những sản phẩm này được cung cấp hợp pháp.

Nếu như thuốc lá điếu đã được đưa vào kiểm soát thành công theo Luật Phòng chống tác hại thuốc lá từ năm 2013 thì các loại thuốc lá mới như thuốc lá làm nóng, thuốc lá điện tử…, do chưa có chế tài quản lý nên trở thành lỗ hổng cho thị trường chợ đen hoành hành, gây ra nhiều hệ lụy cho xã hội.

Thực tế nêu trên đòi hỏi các bộ ngành cần sớm có giải pháp để kiểm soát mặt hàng này theo hướng có lợi cho xã hội, song song với việc chia sẻ gánh nặng cùng ngành y tế nếu cho phép những sản phẩm này được cung cấp hợp pháp như thuốc lá điếu hiện nay.

Có thành phần thuốc lá, có luật để quản lý

Dù khác nhau về cách vận hành, sử dụng, nhưng nếu những sản phẩm thuốc lá mới có cùng nguyên liệu thuốc lá như Luật Phòng chống tác hại thuốc lá quy định thì đã đủ điều kiện để áp dụng quản lý theo luật này.

Hiện nay, các sản phẩm khác cơ chế đốt cháy như thuốc lá điếu đều được xem là thuốc lá mới, trong đó bao gồm thuốc lá làm nóng, thuốc lá điện tử, thuốc lá ngậm (snus)...

Theo công bố tháng Năm vừa qua của bà Ngô Thị Ngọc Hà, Phó viện trưởng Viện Tiêu chuẩn Chất lượng Việt Nam, có sự khác nhau cơ bản là nguyên liệu tạo ra nicotine giữa hai sản phẩm thuốc lá làm nóng và thuốc lá điện tử.

Công bố nêu rõ thuốc lá làm nóng là một dạng của sản phẩm thuốc lá. Điếu thuốc được chế biến từ thành phần là cây thuốc lá, được sử dụng kèm theo thiết bị làm nóng, khi sử dụng thì thải ra phần lớn hơi nước, lượng nicotin phát thải bằng hoặc thấp hơn thuốc lá điếu, đồng thời giảm hầu hết hàm lượng các chất phát thải nguy hại so với thuốc lá điếu thông thường. Người dùng cũng không thể điều chỉnh thành phần nguyên liệu của sản phẩm này.

Thông cáo của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) tại Hội nghị lần thứ 8 (COP8) về Kiểm soát thuốc lá đã nêu: “(Hội nghị) nhìn nhận thuốc lá làm nóng là sản phẩm thuốc lá, và do đó cần phải áp dụng Công ước Khung của WHO (đối với mặt hàng này).”

Trong khi đó, thuốc lá điện tử dù cũng không có sự đốt cháy như thuốc lá điếu, nhưng lại sử dụng dung dịch và nicotine hóa lỏng được thêm vào trong bình dung dịch, thiết bị điện tử sẽ hóa hơn dung dịch này để giải phóng nicotine.

Cần phân biệt rõ ràng sản phẩm thuốc lá làm nóng và thuốc lá điện tử.

Cần phân biệt rõ ràng sản phẩm thuốc lá làm nóng và thuốc lá điện tử.

Chia sẻ tại một tọa đàm tháng Tư vừa qua, đại biểu Quốc hội khóa XIII, PGS.TS. Phạm Khánh Phong Lan nhấn mạnh trong tên gọi “thuốc lá thế hệ mới” là đã có chữ “thuốc lá.” Theo đó, trong mục định nghĩa về thuốc lá tại Luật Phòng chống tác hại thuốc lá có ghi rõ: Sản phẩm thuốc lá sử dụng nguyên liệu từ thuốc lá - một phần hoặc toàn bộ, ở dưới các dạng khác nhau (như hút, nhai, ngửi…), “và các dạng khác.”

Bà Lan khẳng định như vậy, Luật Phòng chống tác hại thuốc lá hiện hành chính là căn cứ pháp lý để quản lý mặt hàng này.

Quản lý phải có giải pháp bảo vệ giới trẻ

Một trong những mối lo ngại lớn nhất hiện nay chính là việc thuốc lá mới, đặc biệt là thuốc lá điện tử, sẽ có nguy cơ ảnh hưởng đến nỗ lực và một số thành tựu mà cơ quan y tế đã đạt được trong việc tuyên truyền cai thuốc lá.

Mặt khác, sự gia tăng tình trạng sử dụng thuốc lá điện tử tại thị trường chợ đen trong những năm qua cũng là lý do để khiến Bộ Y tế, Bộ Giáo dục và Đào tạo lo lắng rằng dễ tạo nên một thế hệ nghiện mới khi xâm nhập vào học đường.

Đại diện WHO Việt Nam, Thạc sỹ-Bác sỹ Nguyễn Tuấn Lâm, cho biết WHO khuyến cáo các quốc gia có thể lựa chọn cấm hoặc quản lý các sản phẩm thuốc lá điện tử. Nếu lựa chọn quản lý, phải có giải pháp ngăn ngừa được sự bắt đầu sử dụng ở trẻ em và những người chưa sử dụng.

Để giải quyết thực trạng này, nhiều bộ, ngành đã đóng góp ý kiến để hỗ trợ cho ngành y tế. Một trong số những ý kiến khả thi là thực thi chính Luật Phòng chống tác hại thuốc lá hiện hành để giải quyết dứt điểm lo ngại này.

Cụ thể, phát biểu tại kỳ họp Quốc hội ngày 23/5, đại biểu Quốc hội Thái Thị An Chung (Nghệ An) đã kiến nghị Quốc hội cần nghiên cứu và có hình thức phù hợp để sớm bổ sung thuốc lá mới vào đối tượng điều chỉnh của Luật Phòng chống tác hại thuốc lá. Đây là giải pháp hạn chế việc sử dụng thuốc lá mới ở thanh thiếu niên.

Đến nay việc ứng xử với thuốc lá mới trên thế giới hiện tùy vào điều kiện và hệ thống luật hiện hành của từng quốc gia. Trong đó một số nước đang cấm thuốc lá điện tử (như Campuchia, Lào, Thái Lan, Singapore), hoặc cho phép thương mại thuốc lá điện tử nhưng cấm các hương liệu thu hút giới trẻ (như Mỹ), hoặc kiểm soát thuốc lá điện tử như là sản phẩm dược (bao gồm Nhật Bản, Australia).

Trong khi đó, 184/193 quốc gia thành viên Công ước FCTC đã đưa thuốc lá làm nóng vào kiểm soát theo luật kiểm soát thuốc lá hiện hành của quốc gia như khuyến nghị của WHO tại Hội nghị COP8./.

Hồ Thiên (Vietnam+)

Nguồn VietnamPlus: http://www.vietnamplus.vn/chia-se-ganh-nang-voi-nganh-y-te-de-kiem-soat-hieu-qua-thuoc-la-moi/865787.vnp