Chia sẻ kinh nghiệm xây dựng sàn giao dịch tín chỉ carbon

Từ ngày 9-10/10, Bộ Tài chính và Bộ Ngân Khố Australia đã tổ chức Đối thoại chính sách tài chính Việt Nam – Australia năm 2024. Đây cũng là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của ngành Tài chính nhằm thực hiện quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện Việt Nam – Australia.

Quang cảnh buổi Đối thoại chính sách tài chính Việt Nam – Australia, ngày 10/10/2024.

Quang cảnh buổi Đối thoại chính sách tài chính Việt Nam – Australia, ngày 10/10/2024.

Tại buổi đối thoại, đại diện Bộ Ngân khố Australia đã chia sẻ cho phía Việt Nam những thông tin liên quan đến hệ thống cấp phép carbon, thị trường carbon và cơ chế khử carbon công nghiệp, bao gồm: cơ chế chính sách và tài chính cho phát triển thị trường carbon, xây dựng sàn giao dịch carbon; kinh nghiệm nghiên cứu chính sách thuế có liên quan đến thị trường carbon, phản ứng chính sách của Australia với chính sách thuế carbon của các nước.

Bà Katriana Di Macro - Phó Trưởng ban Ban Kinh tế Quốc tế và An ninh (Bộ Ngân khố Australia) cho biết, để phát triển tài chính xanh, Chính phủ Australia đã quyết định đầu tư 22,7 tỷ USD trong thập kỷ tới để tối đa hóa lợi ích kinh tế và công nghiệp của bước chuyển sang mức phát thải ròng bằng 0. Đồng thời, nước này cũng đã đưa ra mục tiêu chiến lược sản xuất tương lai bao gồm, thu hút đầu tư cả doanh nghiệp trong nước và quốc tế bằng cách đơn giản hóa việc đầu tư. Australia cũng đặt mục tiêu trở thành siêu cường năng lượng tái tạo…

Để triển khai các chương trình này, Australia đã tiến hành đánh giá các ngành được ưu tiên đầu tư. Theo đó, Dự luật Tương lai sản xuất tại Australia đã thiết lập khung lợi ích quốc gia để hướng dẫn Chính phủ xem xét, đánh giá đầu tư công, đồng thời cho phép sử dụng khung lợi ích quốc gia để đánh giá ngành. Luật này cũng cho phép Bộ trưởng Bộ Ngân khố chỉ đạo Bộ Ngân khố thực hiện đánh giá độc lập về một lĩnh vực, ngành được chỉ định của nền kinh tế.

Bộ Ngân khố sẽ tiến hành quá trình đánh giá dựa trên bằng chứng và quá trình tham vấn, bao gồm cả việc hợp tác với các bộ phận khác của chính phủ, để giải quyết hai câu hỏi định hướng. Điều này sẽ bao gồm việc tham vấn với nhiều cơ quan và ban ngành chính phủ, các học viện, viện chính sách và ngành để cung cấp thông tin về cách tiếp cận và phân tích đánh giá ngành.

Theo bà Katriana Di Macro, khung lợi ích quốc gia sẽ hỗ trợ Chính phủ Australia xem xét và ra quyết định liên quan đến đầu tư công nhằm giải phóng đầu tư tư nhân trên quy mô lớn vì lợi ích quốc gia. Việc này dưa trên hai quan điểm đó là: luồng chuyển đổi phát thải ròng bằng 0 và khả năng phục hồi kinh tế và an ninh.

Bên cạnh đó, thực hiện chiến lược tài chính xanh, nước này cũng đã xây dựng sàn giao dịch tín chỉ carbon thông qua Cổng đăng ký trực tuyến do Chính phủ điều hành. Đơn vị tín chỉ carbon của Australia là ACCUs. Việc cấp phép carbon được thành lập theo Đạo luật tín chỉ carbon (sáng kiến nông nghiệp carbon) vào năm 2011, nhằm loại bỏ hoặc phòng tránh carbon. Tín chỉ carbon được tạo ra bởi ngành công nghiệp, và sẽ được bán cho Chính phủ hoặc người mua tư nhân. Cơ quan quản lý năng lượng sạch là đơn vị ban hành cấp phép carbon.

Liên quan đến chính sách ưu đãi cho tăng trưởng xanh, đại diện Bộ Ngân khố Australia chia sẻ, nước này thực hiện 2 nhóm chính sách ưu đãi chính: ưu đãi thuế sản xuất Hydrogen và ưu đãi thuế sản xuất khoáng sản quan trọng.

Thông tin về Kế hoạch hành động của Bộ Tài chính Việt Nam thực hiện Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh, đại diện Viện Chiến lược và chính sách tài chính cho biết, Việt Nam đưa ra mục tiêu tổng quát đó là tăng trưởng xanh góp phần thúc đẩy cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, nhằm đạt được thịnh vượng về kinh tế, bền vững về môi trường và công bằng về về xã hội. Việt Nam cũng hướng tới nền kinh tế xanh, trung hòa carbon và đóng góp vào mục tiêu hạn chế sự gia tăng nhiệt độ toàn cầu.

Đáng chú ý, Bộ Tài chính được Chính phủ giao nhiệm vụ xây dựng và ban hành kế hoạch hành động cấp Bộ; xây dựng tiêu chuẩn, tiêu chí phân loại xanh theo ngành và lĩnh vực tài chính. Bên cạnh đó, rà soát, sửa đổi, bổ sung chính sách về quản lý và sử dụng các khoản chi ngân sách nhà nước thúc đẩy tăng trưởng xanh; xây dựng, hoàn thiện công cụ chính sách tài chính ưu đãi, các chương trình, giải pháp thúc đẩy thị trường vốn, bảo hiểm xanh.

Việt Nam cũng sẽ sử dụng các công cụ thuế, phí để điều chỉnh hành vi tiêu dùng không hợp lý, có hại cho sức khỏe, văn hóa và môi trường. Đồng thời, thành lập thị trường carbon hướng tới phát triển đồng bộ cơ chế trao đổi quyền phát thải theo cơ chế thị trường…

Riêng đối với quy định pháp lý và định hướng phát triển thị trường carbon, đại diện phía Việt Nam cho biết, dự thảo đề án thành lập thị trường carbon đang được Bộ Tài chính phối hợp với các bộ, ngành liên quan xây dựng.

Bộ Tài chính cũng đã xây dựng, hoàn thiện công cụ chính sách tài chính ưu đãi, các chương trình, giải pháp thúc đẩy thị trường vốn, bảo hiểm xanh; sử dụng các công cụ thuế, phí để điều chỉnh hành vi tiêu dùng không hợp lý, có hại cho sức khỏe, văn hóa và môi trường.

Gia Hân

Nguồn Tài Chính: http://tapchitaichinh.vn/chia-se-kinh-nghiem-xay-dung-san-giao-dich-tin-chi-carbon.html