Chia sẻ sáng kiến cắt giảm lượng khí thải carbon của chuỗi cung ứng tôm và cá tra
Trong khuôn khổ chuyến công tác tới Việt Nam diễn ra từ ngày 18-22/3, Phái đoàn kinh tế Hà Lan do Bộ trưởng Nông nghiệp, Thiên nhiên và Chất lượng thực phẩm Christianne van der Wal và Bộ trưởng Cơ sở hạ tầng và Quản lý nước Mark Harbers dẫn đầu đã tham dự Diễn đàn và Triển lãm doanh nghiệp đồng bằng sông Cửu Long; lắng nghe các doanh nghiệp, tổ chức đang hoạt động tại Việt Nam chia sẻ về các hoạt động của mình tại khu vực này.
Tại sự kiện, IDH Việt Nam (tổ chức toàn cầu với sứ mệnh chuyển đổi thị trường thông qua việc huy động sự tham gia, hợp tác đa bên, đồng đầu tư, thiết kế và triển khai các giải pháp bền vững và toàn diện nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp tạo ra giá trị phục vụ xã hội và giảm các tác động đến môi trường) đã trình bày về những sáng kiến nhằm hướng tới cắt giảm lượng khí thải carbon của chuỗi cung ứng tôm và cá tra ở đồng bằng sông Cửu Long cũng như đề xuất về các cơ hội hợp tác tiềm năng giữa hai nước.
Ông Nguyễn Bá Thông, Quản lý chương trình Nuôi trồng thủy sản của IDH Việt Nam chia sẻ: “Các điểm nóng về phát thải môi trường trong chuỗi nuôi trồng thủy sản có tác động tiêu cực đến môi trường ở mức cao nhất hiện có thể được xác định trong chuỗi cung ứng dựa vào công cụ đánh giá vòng đời (LCA), làm cơ sở cho việc xây dựng các tác động ưu tiên để giảm phát thải cho toàn chuỗi. Bằng cách cùng nhau giải quyết vấn đề này trong chuỗi cung ứng, chúng ta không chỉ có thể giảm thiểu tác động đến môi trường mà còn hỗ trợ việc tăng cường khả năng chống chịu, thích ứng của nông dân nuôi trồng thủy sản trước biến đổi khí hậu".
Sản xuất thủy sản bền vững có thể cung cấp thực phẩm lành mạnh, chất lượng cao hạn chế tác động môi trường đồng thời tạo ra việc làm và phát triển kinh tế. Việt Nam thuộc nhóm các nhà sản xuất thủy sản lớn sản toàn cầu (đứng đầu thế giới về sản xuất cá tra, tôm sú; đứng thứ 3 thế giới về xuất khẩu thủy sản; đứng thứ 4 thế giới về sản xuất nuôi trồng thủy sản; đồng thời là nhà cung cấp thủy sản lớn thứ 2 vào châu Âu trong đó Hà Lan là thị trường châu Âu nhập khẩu thủy sản lớn nhất của Việt Nam). Tuy nhiên người nuôi trồng thủy sản Việt Nam hiện chưa có những khuyến khích để sản xuất theo cách có lợi, thân thiện với môi trường.
Tại Việt Nam, liên kết chuỗi cung ứng là yếu tố then chốt nhằm có được những can thiệp khả thi cho các tác nhân trong chuỗi để thay đổi thực hành sản xuất kinh doanh của họ. IDH hợp tác với các đối tác trong việc xây dựng lộ trình giảm phát thải môi trường và công cụ đánh giá vòng đời (LCA) nhằm tính toán dấu chân môi trường của các sản phẩm nuôi trồng thủy sản từ lúc đầu vào cho đến mắt xích bán lẻ.
Trên cơ sở đó, chuỗi cung ứng có thể xác định các điểm nóng quan trọng về dấu chân môi trường nhằm triển khai các biện pháp can thiệp khả thi và thúc đẩy xây dựng quan hệ đối tác giữa các bên liên quan. Hiện nay, các chuỗi cung ứng sản phẩm nuôi trồng thủy sản toàn cầu đang tìm cách giảm tác động, phát thải môi trường và IDH đang thúc đẩy hợp tác, hỗ trợ họ trong quá trình chuyển đổi này. Tại Việt Nam, IDH ưu tiên hỗ trợ giảm phát thải môi trường cho chuỗi cung ứng tôm và cá tra ở đồng bằng sông Cửu Long.
Trước đó, Bộ trưởng Nông nghiệp, Thiên nhiên và Chất lượng thực phẩm Hà Lan đã có buổi làm việc với Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam về các giải pháp nhằm biến đồng bằng sông Cửu Long trở thành trung tâm nông nghiệp trong khu vực song vẫn bảo đảm về vấn đề sinh thái, đa dạng sinh học và môi trường.