'Chiếc áo' cơ chế vay vốn ưu đãi dành cho hộ nông dân đã quá chật

Nghị định 116/2018 đã ban hành được 8 năm, đến nay 'chiếc áo' cơ chế này trở nên quá chật so với tốc độ phát triển ngày càng lớn mạnh của các hộ nông dân đang được hưởng cơ chế ưu đãi.

Năm 2023, xuất khẩu gạo đạt hơn 4,8 tỉ USD, tăng 17,4% về lượng và tăng 39,4% về giá trị so với năm 2022, hay xuất khẩu rau quả đạt gần 5,6 tỉ USD, tăng gần 66% so với một năm trước.

Lãnh đạo Tổng Cục thống kê cũng khẳng định lĩnh vực sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản năm 2023 tiếp tục là trụ đỡ vững chắc của nền kinh tế. Kim ngạch xuất khẩu một số nông sản tăng cao, chăn nuôi phát triển ổn định, nuôi trồng thủy sản phát triển khá do ứng dụng mô hình công nghệ cao đã mang lại hiệu quả kinh tế.

Cần thêm cơ chế vay vốn ưu đãi cho hộ nông dân

Thế nhưng, tại Hội nghị nông dân vừa diễn ra vào cuối năm 2023, ông Nguyễn Hồng Quyết, đại diện hộ nông dân đến từ Bình Dương cho biết: Thực tế hiện nay chính sách cho vay phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn theo Nghị định số 55/2015 nay là Nghị định số 116/2018 của Chính phủ, các cá nhân và hộ gia đình khi vay vốn đầu tư để trồng cây công nghiệp, cây ăn quả, lâu năm chỉ được vay tối đa 200 triệu đồng/hộ. Trong khi nhiều hộ nông dân sản xuất với diện tích lớn tới hàng chục, hàng trăm ha cần nhu cầu vốn hàng tỉ đồng.

“Do đó, các cơ quan chức năng cần tìm giải pháp để hộ nông dân được thế chấp bằng tài sản hình thành trong tương lai (sản phẩm thu hoạch trong tương lai) qua đó có thể vay nhiều vốn hơn phục vụ sản xuất quy mô lớn”, ông Quyết nêu kiến nghị.

Trước băn khoăn của người nông dân, Phó Thống đốc NHNN Đào Minh Tú khẳng định: Đây là câu chuyện rất thời sự, làm sao tạo cơ chế chính sách cho bà con, các hộ nông dân phát triển nông nghiệp, làm ăn lớn, nhất là nông nghiệp giá trị cao.

 Nhiều hộ nông dân đã sản xuất kinh doanh hiệu quả nhờ nguồn vốn ưu đãi.

Nhiều hộ nông dân đã sản xuất kinh doanh hiệu quả nhờ nguồn vốn ưu đãi.

“Nghị định 116/2018 được đánh giá là quyết sách rất đổi mới, căn cơ với bà con, hộ nông dân, nhưng sau 8 năm được ban hành, một số nhóm đối tượng được hưởng cơ chế ưu tiên phát triển ngày càng lớn mạnh hơn. Nên giờ đây "chiếc áo" cơ chế này đã chật cần nới rộng hơn.

Đây là điều NHNN cũng rất trăn trở và mong muốn phải có cơ chế mở rộng hơn, không chỉ doanh nghiệp, hộ cá thể nhỏ. Vì vậy, vừa qua NHNN tích cực phối hợp với Bộ Nông nghiệp và các bộ, ngành khác chuẩn bị nghiên cứu để mở rộng đối tượng của Nghị định 116 phù hợp hơn với điều kiện thực tế”, ông Tú nhấn mạnh.

Dư nợ lĩnh vực nông nghiệp đạt khoảng 3,4 triệu tỉ đồng

Đối với việc tiếp cận tín dụng, lãnh đạo NHNN cho biết, nông nghiệp, nông thôn luôn là lĩnh vực ưu tiên, không có một cơ chế nào hạn chế thậm chí còn có cơ chế động viên khuyến khích, ưu tiên với các ngân hàng thương mại để đầu tư lĩnh vực này. Riêng ngành Ngân hàng, hiện tại đã có 18 văn bản tương đương với 18 chính sách trực tiếp hỗ trợ cho lĩnh vực nông nghiệp nông thôn.

“Chính vì vậy, hiện tổng dư nợ nền kinh tế khoảng 13,4 triệu tỉ đồng, trong đó lĩnh vực nông nghiệp nông thôn chiếm khoảng 1/4 dư nợ của cả nền kinh tế. Mức tăng trưởng tín dụng cho nông nghiệp, nông thôn thường xuyên duy trì ở mức cao nhất trong tất cả các lĩnh vực, chiếm khoảng 10-12% hàng năm, kể cả những năm có dịch covid hay khó khăn như thời gian qua và hiện nay”, Phó Thống đốc nói.

Liên quan đến vấn đề lãi suất thì phải thực hiện theo quy luật kinh tế thị trường. Các ngân hàng thương mại huy động để cho vay và quyết định lãi suất cho vay. Tuy nhiên, nông nghiệp nông thôn là một trong 5 lĩnh vực được nhận ưu tiên ưu đãi với mức trần lãi suất do các ngân hàng thương mại áp dụng không quá 4%/năm. Về tài sản đảm bảo, các cơ chế chính sách đã nêu rõ không phải tất cả các khoản vay đều phải có tài sản đảm bảo mà có thể bằng tín chấp, tài sản hình thành trong tương lai.

"Tất cả những điều này đã được quy định cụ thể, tuy nhiên sử dụng hình thức nào thì do ngân hàng thương mại và người vay thỏa thuận. Cần phải có sự phối hợp đồng bộ cả hai phía, để có hình thức vay phù hợp", Phó Thống đốc nói.

Đối với gói tín dụng 15.000 tỉ đồng cho vay lĩnh vực lâm - thủy sản, ông Nguyễn Đức Lệnh – Phó giám đốc NHNN chi nhánh TP.HCM cho biết: Với tiêu chí lãi suất cho vay của gói tín dụng này thấp hơn từ 1%-2%/năm so với mức lãi suất cho vay bình quân, việc giải ngân cho vay đã giúp cho người dân, các hộ nông dân, doanh nghiệp sản xuất kinh doanh trong lĩnh vực lâm sản, thủy sản, tiếp cận được nguồn vốn giá rẻ.

Theo đó, với lãi suất cho vay ngắn hạn VNĐ từ 4%-6%/năm và lãi suất cho vay ngoại tệ từ 3,5%-5,5%/năm, giúp khách hàng giảm chi phí vay vốn và giảm chi phí sản xuất từ đó giúp doanh nghiệp, người dân duy trì và ổn định sản xuất, vượt qua khó khăn và phát triển. Đến nay, trên địa bàn thành phố đã giải ngân được khoảng 500 tỉ đồng cho hơn 200 khách hàng là cá nhân, hộ gia đình, và doanh nghiệp.

THÙY LINH

Nguồn PLO: https://plo.vn/chiec-ao-co-che-vay-von-uu-dai-danh-cho-ho-nong-dan-da-qua-chat-post769713.html