Chiếc bánh pa

Con chợt thức giấc. Vùng dậy. Đầu tiên là đói. Suýt kêu lên: 'Mẹ ơi, con đói!', nhưng dằn lại. Sờ bên cạnh. Không phải mẹ, mà là bố. Mẹ đã dậy từ bao giờ.

Năm ấy không hiểu sao ông giời lại bắt người ta phải đói khát. Đói lắm. Ngô thu về toàn những đầu gà đầu vịt, đầu đằng này một hột, đầu đằng kia một hạt. Mùa gặt, mưa dầm dề, lúa rũ nát xuống ruộng, mười phần lép chín, lợn gà chẳng thèm ăn. Trẻ con, chỉ biết đói thì kêu. Nhưng tôi là đứa trẻ ngoan, biết vâng lời, nên đói thì nhịn, chứ đâu có biết người lớn lo sốt vó vì kiếm miếng cho bữa ăn. Đương nhiên, trẻ con luôn được chăm chút, yêu chiều, càng đói khát, càng được cưng nựng hơn. Thế nên con người thời đói khát, họ biết yêu thương nhau hơn, ngũ cốc cũng trở thành hạt vàng hạt ngọc quý giá.

Bố vỗ về tôi:

- Cố ngủ đi con. Trong giấc ngủ, con sẽ thấy hiện lên nhiều thức ăn!...

Nói vậy là vì bố thường hay kể chuyện, làm nhiều khi tôi chỉ biết há hốc miệng ra nghe, mà nuốt lấy từng lời, từng câu.

Nằm rốn thêm bên bố, nhưng mãi không sao chìm được vào giấc ngủ. Tôi lừa bố, lồm cồm bò dậy, rón rén đến với mẹ. Ngồi như bức tượng bên bếp sưởi, lửa đang cháy ron ren, mẹ không dám duồn bếp cháy to, để mọi người còn ngủ tiếp.

Quờ tay ôm tôi vào lòng, chẳng nói chẳng rằng, nhưng chắc trong lòng mẹ có biết bao điều lo toan, suy nghĩ và tính toán. Thục tay vào ngực mẹ. Dĩ nhiên cai sữa lâu rồi, nhưng thỉnh thoảng tôi lại áp má lên, chờ mẹ một câu mắng yêu cho ấm lòng.

Mùa đông năm ấy đã đói, lại còn rét nữa chứ! Rét dứt da dứt thịt. Mẹ dậy sớm cũng chẳng làm được gì. Nhà đã quét dọn. Củi đủ đun. Bếp sưởi đã đỏ lửa. Bếp lò, đáy chảo cháo mày ngô đã đun kỹ từ tối hôm trước, chỉ còn chờ sáng, ra vườn hái rau, thái nhỏ, cho vào độn với cháo, đảo đều lên, thêm chút muối. Gọi là cháo rau, nhưng bữa ăn, tôi vẫn được dành riêng một thìa gỗ cháo đặc, khi thì của bố, khi thì của mẹ. Hồi ấy chúng tôi ăn muối mỏ, gọi là muối đá, tựa như cục đá mài, khi nào ăn, ăn chừng bao nhiêu, thì dùng dao đẽo, hòa với nước để loại bỏ cặn bã, là đá, là cát đi.

- Hôm nay đi làm gì, hả mẹ?

Tôi lay vai mẹ.

- Mẹ con mình đi hái lá ngõa, con ạ!

Ô! Đi hái lá ngõa, là lối tôi cùng bố đi bẫy chuột độc đấy. Tự dưng một đêm khuya, có một tiếng kêu “khôổng!” làm tôi hết cả hồn. Vài lần nghe kêu, bố lặng lẽ làm một cái cạm. Hai bố con mang ra đặt vào lõng, tức là lối mà chuột vẫn đi qua ấy. Sao mà bố quá tinh mắt thế. Tôi chịu, chẳng nhận ra đó là lối con chuột hoang vẫn đi kiếm ăn. Mà nó chỉ đi vài lần, rồi chuyển lối khác, thậm chí là chuyển luôn hang ổ. Sáng sớm hôm sau, tôi co ro đến. Úi cha cha! Con chuột to quá! Bị cạm chẹt ngay vào cổ. Bố con tôi cố vào rừng chuối, ngả được cây có bi mới nhú, mang về nấu thịt chuột, vừa béo vừa thơm, cả nhà được bữa liên hoan. Riêng tôi, được hẳn một cái còng.

Đi vào rừng hái lá ngõa, nhưng phải chọn cây nếp, vì mẹ bảo ngõa tẻ ăn chát. Chọn đúng cây ưng ý, mẹ chặt một cành nhỏ, chỉ vặt lấy những ngọn lá non, màu đỏ tím. Còn những tàu lá màu xanh thì đã già. Ngắt lá xong, để một lúc cho chảy bớt nhựa trắng đi, mẹ bó thành từng bó, cho vào thồ, địu về cùng với vài quả chín nhũn, thơm tựa mật ong; chứ nếu là ngõa tẻ, dù đã chín, nhưng quả vẫn chát như ăn phải cả vốc cát hay vốc tro vậy.

Về nhà, mẹ giở nong ra, cho lá ngõa vào, dùng chân vò nát, rồi cho vào ngâm nước trong. Tiếp đến, mẹ còn cầu kỳ chế biến như thế nào đó nữa, rồi cho vào độn với cơm bột ngô, hấp kỹ. Ăn bùi lắm. Nhớ đời luôn.

Miền rừng núi cho dù có đói kém nhưng vẫn có thể mò mẫm được cái cho vào bụng, vẫn kiếm được cái gì đó nhét vào dạ dày, củ sắn, củ măng, củ mài, củ chuối, củ nâu, rồi lá ngõa, rau dớn, rau mét, tàu bay… Đói thật, nhưng tôi biết bố mẹ chưa phải vét đến hạt lương thảo cuối cùng. Vấn đề là tính toán làm sao cố gắng cầm cố được cho đến lúc thu hoạch.

Mùa trước ông trời giành giật đi những hạt vàng hạt ngọc của người miền rừng, thì chỉ năm sau ông đã trả lại. Những tràn ruộng bậc thang từng bông lúa, từng khóm lúa chắc nịch, vàng óng. Ngô mỗi cây đeo những ba bắp trĩu hạt không lép hạt nào. Đỗ nho nhe trồng cho leo lên cây ngô cũng đeo trĩu dây, tách lấy hạt ninh xương ăn đến no. Rồi đỗ cô ve, đỗ nâu, đỗ trứng chim, thu về hong đầy sân; đỗ tương thồ về chật căng nhà, vì lấy cả lá làm phân, gom cả cây, rễ đốt lấy tro. Nhà còn một nương xèo cao mượt đầu tôi, một nương pa xanh ngắt. Xèo bây giờ gọi cái tên mỹ miều là tam giác mạch, ăn có vị nhặng đắng. Pa, hạt nhỏ như hạt cải, còn gọi là hồng mi. Lại còn lúa mạch, cao lương, ý dĩ nếp, lúa cẩm… đều tốt bời bời, mẹ bảo mỗi thứ trồng một ít, để muốn ăn gì thì có nấy.

Hồi ấy không biết bố đi đâu mà vắng nhà luôn. Pa được gặt đầu tiên. Hình như đã sang thu, tôi cũng cảm nhận được tiết trời buổi sớm đã có sương giăng trĩu trên những tàu lá, trên những màn mạng nhện. Sáng sớm, mẹ giục đi cùng để gặt pa. Thực ra là đi cùng mẹ cho vui thôi, chứ tôi đã biết làm gì. Đến nương, mẹ cầm cây hái, ngắt từng bông, chỉ một loáng đã đầy tay. Tôi giúp mẹ bó lại, cho vào thồ.

Thinh không đương nắng tỏa, bỗng nổi lên tiếng sấm ùng oàng. Nhưng tiếng sấm gì mà nổ dài và kéo lâu rền rền thế.

- Mẹ ơi, tiếng con gì kêu thế? Không phải tiếng sấm!

- Mẹ không biết! Đến gần mẹ!

Tiếng thằng máy bay! Nhìn lên trời. Phía đằng Đông. Một thằng máy bay nhằm thẳng đầu tôi, nhao tới.

- Ớ, mày xuống đây, chơi với tao đi!

Chiu chíu chíu! Nó chẳng chơi, mà đang nhằm mẹ con tôi nhả đạn, nghe rõ cả tiếng xiên đất. Thằng máy bay vù qua đầu, biến qua trái núi sau lưng, rồi vòng lại. Lần này tôi nhìn thấy rất rõ một người tay lăm lăm khẩu súng, giơ cái mặt ra ngoài cửa máy bay. Nó nhằm tôi bắn một lần nữa, cả một băng đạn. Láo nhỉ? Mày bắn hai mẹ con miền sơn cước này để làm gì? Để lấy thưởng hả? Mẹ con tao có nợ nần mày cái gì đâu nào, có mắng chửi, có làm mày đau đâu nào. Có điều gì thì xuống đây nói chuyện, sao lại bắn bừa thế!

Mẹ tôi vội thu mấy khóm pa lại, túm phía trên thành một cái lều, rồi dúi tôi vào đó, bảo ngồi im, không được cựa quậy. Mẹ cũng ngồi thụp xuống, ngay trước cửa lều, trông như một cái gốc cây.

- Nó ở tận đâu mà lại đến tận đây bắn mẹ con mình, hả mẹ?

- Mẹ không biết, con ạ. Nhưng hình như nó là thằng giặc ác, lâu nay đang tìm giết bố con đấy. Vì bố con đi tìm giết giặc ác mà!

Cái máy bay vòng lại một lần nữa, bắn thêm mấy phát vu vơ như bắn hươu, rồi ùng ùng biến hút ra đằng Tây. Úi, nó quay lại rồi! Không giết được mẹ con mình, nó không hả dạ. Một băng đạn rất đanh, ròn rã, chíu chíu xung quanh căn lều. Mẹ con tôi nghe rõ cả tiếng chúng nó cười nói hơ hớ trong giây lát, khi cái bụng của thằng máy bay bay gần quệt mảnh nương pa xanh rờn vừa độ thu hoạch, làm gió thổi phùn phụt rạp cả từng mảng. Nó bay biến vụt khỏi đỉnh núi, mẹ nhấc tôi dậy, chạy một mạch chúi vào trong khe cạn. Um tùm lắm. Trên đầu toàn dây dợ. Tối nhờ nhờ. Hình như đây là chỗ ma trú ngụ thì phải. Nhưng không sợ ma bằng cái thằng máy bay. Ma chỉ nát người gan bé, còn cái thằng máy bay, lần đầu tiên tôi nhìn thấy. Mẹ chắc cũng thấy lần đầu tiên. Nó bắn thật, chỉ phải cái là bắn tồi, chứ như tôi, bắn nỏ, cách năm bước chân dài, mũi tên cắm trúng giữa hột ngô.

Ngồi lâu lâu, không thấy tiếng máy bay ùng oàng nữa, mẹ con tôi ngắt thêm vài đon cho đủ thồ, rồi về.

Nương pa đã ngắt xong. Cũng đã thu hết nương xèo, rồi chuyển sang gặt lúa. Hôm ấy mẹ đi gặt đám ruộng xa, chỉ hai bố con ở nhà. Tự dưng máy bay lại vác xác đến. Nó quần thảo đến mấy lần.

Trên tràn ruộng đã gặt còn để cái “pảng thống” - ghép gỗ bốn mặt có đáy để đập lúa, cách nhà chừng vài cây sào, bố kéo tôi ra úp vào đó. Xem chừng nó không để bố con tôi được yên thân, bố liền lật cái pảng thống, giơ lưng ra, cõng tôi chạy một mạch lên chỗ núi cháy, cách nhà khá xa. Chỗ ấy mấy hôm trước trẻ chăn trâu vừa đốt, bị cháy lem nhem. Ngồi lẫn triền núi cháy, bố con tôi theo dõi từng đường bay của nó.Lẫn trong núi cháy, máy bay có mắt cũng như mù. Bố thật tinh ý. Nếu ở trong nhà, chẳng may nó ném bom, nhà bị cháy. Nằm úp bên trong cái pảng thống, nhỡ nó phát hiện ra, nó bắn. Ngồi giữa khu núi cháy này là an toàn nhất. Cẩn thận thì ngồi chìm lẫn với cỏ núi cháy, chứ máy bay làm sao phân biệt được ngôi nhà tranh đen đúa với tảng đá găm ở bên sườn núi; làm sao nhận biết được cái thứ đồ dùng đập lúa của dân Mông có thằng trẻ con nằm úp ở trong đó.

Lần ấy, chắc là máy bay muốn tiêu diệt cho bằng được thằng bé nòi du kích, giống nghệ nhân, nên nó làm căng lắm, làm cho cái máy bay nó rú gầm vang lên như muốn xé toang cả các khe các kẽ. Nhưng, chả ai thèm chấp. Bay mãi, hết xăng, bắn chả trúng nhà, chả thấy người, nó thả bừa một quả bom rơi xuống chỗ con đường đất sét vàng cắt ngang sườn núi, đến đường mòn to tổ bố chọc thẳng vào mắt nó mà nó cũng chẳng bắn trúng, chỉ làm loét mảng đất đỏ, như là người ta đào dúi, hay thuốn củ mài. Liền mấy hôm sau, trẻ con từ đâu không biết, xúm đến moi tìm mảnh bom để mang về chèn lưỡi dao, hoặc rèn dao găm, sắc ngọt như dao cạo tóc.
Mẹ sinh thêm một thằng con trai, giống hệt anh nó, là tôi, chỉ có điều rất hay khóc nhè, khóc lử khóc lả suốt cả ngày đêm. Việc ruộng việc nương rồi cũng vãn dần. Mẹ được dịp xoay vần với búi sợi, canh cửi.

- Con trai mẹ lớn rồi. Năm nay mẹ sẽ thưởng cho bộ quần áo mới để đi chơi hội, đi thăm bà ngoại, dì Khu, cậu Zử, cậu Chu, cậu Chư nhá! - Câu mẹ nói hình như có gì hơi khang khác, là lạ.

Đêm hăm chín tết, mọi người đi ngủ cả. Con trai vẫn thức, chờ mẹ cắn nút chỉ cuối cùng. Khoác ngay cho trai mẹ bộ quần áo mới thơm phức mùi chàm cả một năm mới làm xong, con trai mẹ mừng mười thì mẹ mừng trăm; đôi con mắt mẹ ngân ngấn nước.

Đêm hôm sau, tất niên, sát giao thừa. Bố bảo cầm đuốc đi cùng bố để đón nước mới. Mẹ bảo từ từ đã. Rồi mẹ kiễng chân, với lên sàn lấy xuống chiếc bánh tròn, dẹt, màu tím.

- Bánh pa, quý lắm con ạ. Ngày xưa, thời tao loạn, trong một gia đình có bốn người con. Giặc lùng sục bắt hết để triệt tiêu người Mông cả giống nòi. Người chị cả phải quyên sinh, bằng cách đánh đổi nhân mạng mình lấy ba chiếc bánh, chia cho ba em trai mà chạy trốn. Cho nên bây giờ cây pa mới thành chất liệu cho men rượu và khi con người quy tiên, người ta treo một túm hạt pa cho người chết mang đi làm vốn! Đây là quà mẹ mừng tuổi con năm mới chóng lớn, sau này còn đi học làm chàng thư sinh như câu chuyện cổ tích của người Mông ta!

Chiếc bánh pa mẹ mừng tuổi chưa kịp ăn, vội cất lên gác bếp, để con còn theo bố vào khe đá đón nước năm mới, mổ con gà sống thiến chuẩn bị mâm cỗ ngày cấm bang, lễ tiễn ông bà.

Năm ấy, chẳng may mẹ bị bệnh, cái bụng cứ trương to phình ra. Bố quầng chân đôn đáo thuốc thang tứ phương, xông xáo tới tìm thầy cúng, thầy bói bất kể ai mách gì. Hồi ấy, cả tỉnh cả tổng cả xứ chẳng một trạm xá, không một thầy thuốc Tây y.

Mẹ nhẹ nhàng chìm vào giấc ngủ ngàn thu.

Thằng em trai, thằng bạn thân nhất của tôi, khóc lộn cả tròng con ngươi cũng theo mẹ chìm vào sương khói.

Con nhớ, mẹ bảo hồi nhỏ, con là đứa trẻ bủng beo, bụng trương đầy gân xanh gân vàng. Chiếc bánh pa đã nâng bước con lớn lên, vươn qua núi Mường Tiên, soải chân cùng với chúng bạn. Từ đêm giao thừa năm ấy, chiếc bánh pa của mẹ đã cùng con làm bạn đường trường. Thực hiện ước nguyện của mẹ cha, con đã thiết tha cố gắng với nghề gieo hạt chữ. Hẳn là nhiều người cũng đã một thời ăn bánh hấp, bánh nướng, bánh vùi tro, bánh luộc và cả bánh rán bằng bột pa, bột xèo, hay ý dĩ, cao lương, yến mạch, ngô nếp cẩm… Hồi sinh lại những cây trồng truyền thống thân thiết ấy, chúng sẽ bổ sung thêm nguồn lương thực bản địa đặc sắc, vừa nâng cao giá trị dinh dưỡng, vừa phục vụ du lịch, làm giàu cho gia đình và cho quê hương vùng cao gian khó nhưng không chịu khuất phục.
Một mùa xuân đầy hãnh diện và niềm tin đang hiện hữu.

Theo MÃ a lềnh

Nguồn Lào Cai: http://www.baolaocai.vn/van-hoa-van-nghe/chiec-banh-pa-z8n20200120090531028.htm