Chiếc điện thoại bị bỏ quên tìm về chính chủ nhờ hệ thống đặc biệt ở bệnh viện
Sau khi rời quầy tiếp đón, bà Liên để quên chiếc điện thoại thông minh. 30 phút sau, bà được chính nhân viên y tế bệnh viện mang điện thoại đến tận tay mà không cần nhiều thủ tục.
Sáng 17/4, nhân viên quầy tiếp đón tầng 1, nhà B3 Bệnh viện Đa khoa Vân Đình (Hà Nội) phát hiện một chiếc điện thoại thông minh bỏ quên trên bàn, không rõ chủ nhân.
Một lúc sau, nhân viên trực tổng đài của bệnh viện nhận được thông tin khai báo về việc bệnh nhân Khuất Thị Liên, 74 tuổi, ở Mỹ Đức, Hà Nội, đến khám và nhập viện sáng 17/4, đang điều trị tại khoa Ngoại tổng hợp, báo mất điện thoại tại bệnh viện nhưng không rõ nơi đặt cuối cùng. Đồng thời, một số máy khác cũng gọi đến chiếc điện thoại để quên, nội dung trao đổi cùng thông tin như chia sẻ với nhân viên tổng đài bệnh viện.
Tiếp nhận phản ánh, qua tra cứu trên phần mềm quản lý bệnh viện (HIS) theo tên bệnh nhân, cán bộ bệnh viện xác định ngay các thông tin liên quan.
"Chỉ cần thông tin tên tuổi bệnh nhân được gõ trên công cụ tìm kiếm của hệ thống, phần mềm hiển thị đầy đủ lịch sử khám chữa bệnh của bệnh nhân", đại diện bệnh viện cho biết.
Theo đó, bệnh nhân đã đặt lịch đăng ký khám qua tổng đài bệnh viện. Sáng 17/4, như đã hẹn trước bởi nhân viên tổng đài, bà Liên đến cửa tiếp đón số 7, tầng 1 nhà B3 của bệnh viện, để kiểm tra lại thông tin hành chính và được hướng dẫn đến phòng khám. Tuy nhiên, khi rời khỏi cửa tiếp đón, bà bỏ quên điện thoại thông minh tại đây.
Do điện thoại có mật khẩu, nhân viên y tế không mở để gọi xác minh thông tin. Cán bộ công tác xã hội của viện đã hỏi số điện thoại của người bệnh, chủ động gọi theo số này thì điện thoại đổ chuông. Sau khi xác nhận chính xác, tại khoa Ngoại tổng hợp, cán bộ công tác xã hội phối hợp giao lại điện thoại cho bà L.
HIS là phần mềm quản lý bệnh viện, hỗ trợ quản lý toàn bộ thông tin các khâu từ đăng ký, khám bệnh, điều trị, viện phí, kho dược, cấp phát thuốc cho đến khi bệnh nhân xuất viện. Hệ thống này giúp quản lý chặt chẽ chi phí khám chữa bệnh; số hóa hầu hết các hồ sơ bệnh án chuyên khoa và các giấy tờ chuyên môn, hành chính; từ đó hạn chế tối đa sử dụng giấy tờ viết tay, dễ dàng tra cứu thông tin. Đây cũng là hệ thống quan trọng hỗ trợ bệnh viện thực hiện bệnh án điện tử, điểm cốt lõi của chuyển đổi số y tế.
Bệnh viện Đa khoa Vân Đình là một trong 5 cơ sở y tế công lập ở Hà Nội chính thức công bố triển khai bệnh án điện tử thay thế bệnh án giấy. Cả nước hiện có hơn 70 cơ sở khám chữa bệnh (công lập và tư nhân) công bố thực hiện việc này. Tiến độ chuyển đổi từ bệnh án giấy sang bệnh án điện tử tại Việt Nam được đại diện Bộ Y tế đánh giá là rất chậm.