'Chiếc ghế điện lớn' của Warhol sắp đấu giá 30 triệu USD

Tác phẩm nằm trong loạt tranh 'Cái chết và thảm họa', từng xuất hiện tại triển lãm hồi năm 1968, sắp được đưa ra đấu giá tại Christie's New York trong tháng 5.

 Tác phẩm Big Electric Chair (1967–68) của Andy Warhol. Ảnh: Christie's.

Tác phẩm Big Electric Chair (1967–68) của Andy Warhol. Ảnh: Christie's.

Với chiều ngang hơn 1,8 m, Big Electric Chair (1967–68) sẽ được đưa ra đấu giá tại Christie’s với mức ước tính 30 triệu USD. Đây sẽ là một trong những lô đấu giá lớn nhất trong mùa đấu giá tháng 5 tại New York (Mỹ), theo ArtNet.

Một năm sau khi xuất hiện trong triển lãm hồi cố lớn đầu tiên của bậc thầy Pop Art tại châu Âu, tổ chức ở Moderna Museet tại Stockholm năm 1968, cặp nhà sưu tầm người Bỉ Roger Matthys và Hilda Colle đã mua lại tác phẩm này, và bức tranh kể từ đó vẫn nằm trong bộ sưu tập của họ.

Triển lãm được xây dựng xoay quanh chủ đề sự lặp lại, bao gồm các tác phẩm về Marilyn Monroe, hoa, hộp Brillo, giấy dán tường in hình bò, bóng bay hình đám mây màu bạc, và các đoạn phim ngắn chiếu hình ảnh tòa nhà Empire State cùng cảnh người đang ngủ và ăn.

“Bạn càng nhìn vào một thứ giống hệt nhau, ý nghĩa của nó càng biến mất, và bạn sẽ cảm thấy tốt hơn, trống rỗng hơn”, Warhol từng nói.

“Loạt tranh Death and Disaster (Cái chết và thảm họa), bắt đầu từ năm 1963, là phép thử cho tuyên bố ấy. Với các tác phẩm như Orange Car Crash Fourteen Times (Tai nạn xe hơi màu cam 14 lần) và Electric Chairs (Những chiếc ghế điện), sức mạnh của sự lặp lại khiến cho những cảnh tượng này vừa trở nên tầm thường vừa mang tính ám ảnh sâu sắc hơn”, học giả Natalie Dupêcher viết.

Một tác phẩm Big Electric Chair khác trong cùng nhóm đã đạt 20,4 triệu USD tại phiên đấu giá Sotheby’s ở New York vào tháng 5/2014. Một bản khác đạt 19 triệu USD tại Christie’s New York vào tháng 11/2019.

Big Electric Chair là một tĩnh vật tối thượng. Tác phẩm là độc nhất trong toàn bộ sự nghiệp của Warhol - một vật thể đơn độc trong một khoảnh khắc tĩnh lặng, phản ánh sự mong manh của thân phận con người. Đây là lời tri ân đến những tĩnh vật vĩ đại đi trước, từ các bậc thầy Hà Lan đến Cézanne”, Alex Rotter, chủ tịch mảng nghệ thuật thế kỷ 20 và 21, phát biểu trong các tài liệu báo chí.

Loạt tranh Death and Disaster (Cái chết và thảm họa) bắt đầu với Lavender Disaster (Thảm họa màu oải hương, 1963), hiện thuộc bộ sưu tập Menil tại Houston. Năm đó, nhà tù Sing Sing ở New York đã thực hiện vụ hành quyết cuối cùng của tiểu bang, với tử tù Eddie Lee Mays.

Nhà phê bình Steven Kurtz từng viết về tính mơ hồ cốt lõi trong loạt tranh này, cho rằng series “vui vẻ đón nhận mọi cách diễn giải chính trị và có thể dễ dàng tồn tại trong bất kỳ môi trường tư tưởng nào. Chiếc ghế vừa có thể được hiểu là công cụ trừng phạt kẻ phá vỡ trật tự đạo đức tự nhiên, vừa là một thiết bị tra tấn thời trung cổ tôn vinh sự tàn nhẫn của hệ thống tư pháp thối nát”.

 Ghế điện trong Nhà tù Sing Sing. Ảnh: Underwood Archives, Inc/Alamy Stock Photo.

Ghế điện trong Nhà tù Sing Sing. Ảnh: Underwood Archives, Inc/Alamy Stock Photo.

Đây là một trong số khoảng 12 bức từng được trưng bày lần đầu tại Stockholm. 8 bức hiện thuộc các bộ sưu tập của viện bảo tàng như Broad ở Los Angeles, Viện Nghệ thuật Chicago, và Moderna Museet. Giám tuyển Pontus Hultén đã thuyết phục Warhol cam kết tặng một bức tranh cho bảo tàng để đổi lấy việc cơ sở này tài trợ chi phí sản xuất cho loạt tranh phục vụ triển lãm.

Trong tác phẩm quy mô lớn này, ông sử dụng lại hình ảnh từng được áp dụng trong các phiên bản nhỏ hơn năm 1963. Hai năm sau đó, ông tuyên bố, mang tính châm biếm, rằng mình sẽ “giải nghệ hội họa”. Trên thực tế, như Bảo tàng Whitney (Whitney Museum) mô tả, đây là “tuyên bố rằng ông sẽ không bị giới hạn bởi bất kỳ phương tiện nghệ thuật nào”.

Matthys, một bác sĩ chuyên khoa thần kinh – tâm thần, cùng luật sư Karel Geirlandt đồng sáng lập hội Những người bạn của Bảo tàng Nghệ thuật Đương đại tại Ghent vào năm 1957. Các tác phẩm mà họ mua lại sau này đã trở thành nền tảng của S.M.A.K. (Stedelijk Museum voor Actuele Kunst), một bảo tàng chú trọng nghệ sĩ còn sống trong thời điểm tác phẩm của họ phần lớn bị bỏ qua trong đời sống văn hóa của đất nước.

Matthys và Colle bắt đầu sưu tầm từ hai năm sau đó, với các tác phẩm của những nghệ sĩ như Carl Andre, Stanley Brouwn, Dan Flavin, Joseph Kosuth và Franz West, cũng như các phong trào như Arte Povera và Chủ nghĩa siêu thực (Surrealism).

“Roger Matthys và Hilda Colle là hai trong số những nhân vật có ảnh hưởng nhất trong giới nghệ thuật đương đại Bỉ. Với một bộ sưu tập cá nhân phản ánh các trào lưu nghệ thuật quan trọng trong suốt 50 năm qua, họ tạo nên dấu ấn bằng cách cho mượn nhiều tác phẩm của mình phục vụ triển lãm hồi cố và các cuộc trưng bày, cũng như các khoản cho mượn dài hạn tại S.M.A.K., bao gồm cả những tác phẩm của các biểu tượng nghệ thuật thế kỷ 21 khác", Peter van der Graaf, chuyên gia quốc tế mảng nghệ thuật hậu chiến và đương đại tại Christie’s, cho biết trong tài liệu báo chí.

Ánh Dương

Nguồn Znews: https://lifestyle.znews.vn/chiec-ghe-dien-lon-cua-warhol-sap-dau-gia-30-trieu-usd-post1541158.html