Chiếc kính lão của cha
Hai năm nay cha đã mổ cườm mắt và dùng kính lão do khoa mắt của bệnh viện bán. Gần đây, cha kêu kính mờ quá, đọc sách, xem tivi không được rõ nữa.
Tôi không sống chung nhà với cha, sau khi lấy chồng, cha cho một thửa đất “ra riêng”. Ngoài bảy mươi, nhưng như các lão nông xưa, siêng năng lao động, tối ngủ sớm, sáng thức sớm, ăn uống toàn rau trái quanh vườn, nên ông duy trì sức khỏe khá tốt.
Tuy nhiên sự lão hóa mắt thì không tránh khỏi. Hai năm nay cha đã mổ cườm mắt và dùng kính lão do khoa mắt của bệnh viện bán. Gần đây, cha kêu kính mờ quá, đọc sách, xem tivi không được rõ nữa.
Em trai tôi hẹn đến chủ nhật, nó nghỉ làm đưa cha đi bác sĩ khám lại mắt và đo độ sao cho vừa vặn. Chủ nhật đó, mẹ vợ bệnh, em phải chở vợ vượt gần 100km về thăm. Chủ nhật tuần sau, cơ quan cho đi nghỉ mát, ai bỏ vé thì cứ bỏ nhưng không được nhận tiền. Thế là vợ chồng xoắn xuýt nhau đi với lời hẹn “chủ nhật tuần sau nhất định con sẽ đưa cha đi khám mắt”.
Tuần sau rồi cũng đến, nhung cu con 8 tuổi của em trai tôi sau hai ngày nghịch nước biển về đã sốt phải… nhập viện. Vậy là lời hẹn “đưa cha đi khám mắt” trôi tuột vào không gian và thời gian vô định.
Tôi tất nhiên không biết mấy chuyện này, nếu như cha không nói. Vì cha quan niệm đơn giản lắm: “Cuộc sống này con cái kiếm cái ăn nuôi con của chúng đã cực khổ lắm rồi, nếu không có gì bức bách thì không nên nói”.
Nhưng sáng sớm hôm nay cha làm vườn, trong lúc tưới cây thì trượt sình và bị té. Cha kêu đau chân và nhờ tôi coi giùm xem “có cây gai nào đâm vô da thịt không, sao nhức nhức”. Ôi trời ơi, cái gai chanh to đùng mà cha bảo là “có thấy gì đâu”.
Tôi sát trùng, lể gai cho cha xong lại hỏi: “Sao cái gai to như vậy mà cha nói không thấy? Mắt cha mổ cườm rồi m?”. Bấy giờ cha mới ngần ngừ là hơn tháng nay mắt bỗng dưng mờ lại, nhờ em bây đưa đi bác sĩ thì nó kẹt này, kẹt nọ. Cha không dám nhờ con gái, vì con gái cực hơn, hết đi làm ngoài đường thì về cơm nước nhà cửa, con cái… Đưa cha đi bác sĩ cũng mất nửa ngày chứ ít gì!
Nước mắt tôi ở đâu bỗng tuôn rơi. Trời ơi… cha con ở cách nhau không đầy mười bước chân mà sao tôi vô tâm như vậy. Ngày ngày cứ thấy cha ra vườn, vô nhà xem tivi là nghĩ mọi chuyện ổn cả rồi. Tôi quên mất cha tôi đã ngoài bảy mươi!
Tôi hỏi cha: “Em trai bận việc như thế, thì cha nói thiệt đi, cha đã đi mua kính khác chưa?”.
“Có chứ! Cha lên Hòa Bình, Thanh Bình, Duy Cường… nhưng chỗ thì giá quá cao, chỗ thì đeo vô mờ mờ nhức nhức. Con coi, cái kính lão của khoa mắt bán có bảy chục ngàn, mà mấy chỗ đó bán hai, ba trăm. Vườn tao bạc hà năm ngàn một ký, ớt xiêm xanh hái cụp xương sống cũng có bảy chục ngàn một ký, tắc cũng mười ngàn một ký, mít Thái mười ngàn một ký… Mà cái mắt kiếng hai, ba trăm thì sao cha dám mua?”.
Tôi, em tôi, và tất cả những đứa con trên đời này, đã bỏ ra bao nhiêu tiền cho những cuộc ăn nhậu hay mua sắm cho vợ/chồng/con cái của mình, vậy mà cái kính lão của cha giá chỉ vài trăm mà không mua được.
Lòng tôi bỗng dậy lên cảm giác tội lỗi vô cùng. Lẳng lặng gọi đến chỗ làm xin nghỉ việc một ngày. Rồi quay sang cha, nói dối rằng bữa nay con nghỉ phép, con sẽ chở cha đi đo mắt và mua cái kính vừa ý nhất. Cha tôi vui ra mặt.
Cách làm việc của một trung tâm mắt kính nọ đã khiến cha tôi xuýt xoa, cha khen con gái nhà ai nói chuyện nhỏ nhẹ dễ thương, tư vấn thì nhiệt tình, hỏi rõ tình trạng mắt của khách như quan tâm… cha của cô ấy vậy. Mà cái kính ở đây họ làm bằng gì mà cha đeo thấy sáng trưng, không mờ mờ hay nhức mắt như mấy chỗ mà cha tự đi bữa đó? Úy mà quan trọng là cái kính này nhiêu tiền vậy con? Để mấy ông bạn già của cha, mắt có mờ, cha chỉ lên đây mà mua đeo cho rõ.
Tôi thưa rằng, chỉ cần cha chỉ chỗ cho các bác các chú ấy, còn giá cả bao nhiêu, sẽ tùy vào loại kính. Riêng cái kính này là miễn phí, vì bà chủ là bạn của con, cô ấy nhất quyết tặng cha. Cha tôi vui vì tình người nên nói chuyện suốt quãng đường về, nhưng cũng không quên bảo rằng “của biếu là của lo/ của cho là của nợ”. Hôm nay con nhận cái kính của người ta cho cha, thì coi trong vườn mình có mít Thái, có chanh không hạt, có buồng dừa dứa… mang lên biếu người ta trả ơn!
Tôi vâng dạ mà không dám nói với cha rằng, cái kính lão vừa mua ấy, trị giá có cao đến mấy thì cũng rất xoàng so với cả đời của cha dành cho con.
Nguồn Tây Ninh: https://baotayninh.vn/chiec-kinh-lao-cua-cha-a160287.html