Chiếc xe đẩy, bàn tập đứng mơ ước đến với cậu bé bại não có đôi mắt biết cười
Dù chưa thể nói được nhưng khi ngồi thử trên xe đẩy, sử dụng chiếc bàn tập đứng mới, gương mặt Đồng Anh đã nở một nụ cười, ánh mắt toát lên niềm hạnh phúc. Nụ cười của Đồng Anh giúp mẹ của bé và các bác sĩ quên hết mệt mỏi, vất vả trong chặng đường dài chữa trị cho bé. Còn các nhà hảo tâm cũng được lan tỏa nguồn năng lượng tích cực.
TẤM LÒNG CỦA CÁC NHÀ HẢO TÂM
Ngày 29/04, Tạp chí Trẻ em Việt Nam đã đăng tải bài viết: “Mẹ đơn thân chật vật nuôi hai con động kinh, bại não” chia sẻ câu chuyện của gia đình chị Đỗ Thị Kim Định (xã Đỗ Xuyên, huyện Thanh Ba, tỉnh Phú Thọ).
Chị Định là người một người mẹ đơn thân nuôi hai con bị bệnh, cháu Hoàng Mạnh Hùng (12 tuổi) được chẩn đoán mắc bệnh động kinh, cháu Hoàng Đỗ Đồng Anh (10 tuổi) được chẩn đoán mắc bại não liệt tứ chi co cứng từ khi mới 9 tháng tuổi.
Cuộc sống của ba mẹ con chị Định bấp bênh, vất vả, phải đi ở nhờ nhà của một người họ hàng. Bản thân chị Định phải vay mượn khắp nơi để có tiền chữa bệnh cho cháu Đồng Anh.
Tuổi thơ của Đồng Anh là những lần chữa trị tại khắp các bệnh viện khác nhau. Hiện nay, cậu bé đang được điều trị tại Bệnh viện Phục hồi chức năng Hà Nội.
Cậu con trai đang lớn lên từng ngày nhưng không thể tự chủ trong hầu hết sinh hoạt cá nhân. Chị Định chỉ mong có thể mua cho con một chiếc xe đẩy đi tắm và một chiếc bàn tập đứng hỗ trợ con trong quá trình trị liệu.
Khi hoàn cảnh của cháu Đồng Anh được lan tỏa, chỉ trong một thời gian ngắn, bằng sự đồng cảm, tấm lòng sẻ chia, các nhà hảo tâm đã liên hệ với Tạp chí Trẻ em Việt Nam với hy vọng có thể hỗ trợ, giúp ước mơ của chị Định được trở thành sự thật.
Sáng 12/05, thay mặt các nhà hảo tâm, bà Nguyễn Phương Nhung - Thư ký Tòa soạn Tạp chí Trẻ em Việt Nam cùng các PV của Tạp chí đã tới trao tặng xe đẩy, bàn tập đứng cho cháu Hoàng Đỗ Đồng Anh tại Bệnh viện Phục hồi chức năng Hà Nội.
Chiếc bàn tập đứng trị giá 2 triệu 500 nghìn đồng được một nhà hảo tâm xin được giấu tên cùng chiếc xe đẩy có giá 2 triệu 350 nghìn đồng do chị Thùy Linh và chị Bích Phương gửi tặng bé Đồng Anh với hy vọng, cuộc sống của ba mẹ con sẽ bớt cơ cực, tương lai sẽ tươi sáng hơn.
Chị Định thông tin thêm, sau khi bài viết về hoàn cảnh gia đình chị được Tạp chí Trẻ em Việt Nam đăng tải, một số nhà hảo tâm đã gửi những phần quà hỗ trợ qua số tài khoản cá nhân của chị. Chị Định cảm thấy ấm lòng và nắn nót ghi lại trong cuốn số, nâng niu, trân quý từng sự giúp đỡ của mọi người.
THẾ GIỚI RỘNG MỞ HƠN VỚI CẬU BÉ ĐỒNG ANH
Khi được mẹ bế ngồi thử lên chiếc xe đẩy, sử dụng chiếc bàn tập đứng mới, dù chưa thể nói được nhưng gương mặt Đồng Anh đã nở một nụ cười. Ánh mắt em ánh lên sự hạnh phúc.
Nụ cười của Đồng Anh giúp mẹ của bé và các bác sĩ quên hết mệt mỏi, vất vả trong chặng đường dài chữa trị cho bé. Còn các nhà hảo tâm cũng được lan tỏa nguồn năng lượng tích cực.
Bác sĩ Hoàng Khánh Chi, Phó Giám đốc Bệnh viện Phục hồi chức năng Hà Nội chia sẻ, với bé Đồng Anh, việc được tập trị liệu với bàn tập đứng sẽ giúp kéo giãn các cơ bị co ngắn, phòng ngừa, hỗ trợ giám sát di lệch khớp háng của bé.
Ngoài ra, bàn tập đứng hỗ trợ bé đứng thẳng, có thể nhìn và giúp con được đứng lên nhìn ngắm, tương tác, giao tiếp với bạn bè ở khu nội trú thay vì chỉ nằm một chỗ. Đồng thời, phần mặt bàn phía trước giúp bé có thể thao tác bằng hai tay, ví dụ như chơi đồ chơi, tự xúc ăn khi để bát trên bàn…
"Được trị liệu với bàn tập đứng, thế giới của Đồng Anh sẽ được rộng mở hơn, đó là ý nghĩa nhân văn của chiếc bàn tập đứng", bác sĩ Hoàng Khánh Chi nhấn mạnh.
“Ở phòng chức năng của bệnh viện cũng có các bàn tập đứng để hỗ trợ trẻ trong quá trình tập luyện. Tuy nhiên, việc kéo giãn tư thế sẽ hiệu quả hơn nếu con được dùng thêm bàn tập đứng trong thời gian ở cùng mẹ. Việc được các nhà hảo tâm quan tâm, hỗ trợ con có bàn tập đứng riêng, có thể sử dụng bất cứ khi nào sẽ giúp tăng thời gian em bé được can thiệp. Điều này rất có ý nghĩa với quá trình điều trị”, bác sĩ Hoàng Khánh Chi cho biết.
Bên cạnh đó, bác sĩ Chi cũng chia sẻ thêm, Đồng Anh bị bại não GMFCS (phân loại theo chức năng vận động thô) mức độ 4, hiện tại bé mới mới 10 tuổi. Ở độ tuổi này, các em sẽ phải đối diện với rất nhiều vấn đề, đặc biệt là các thương tật thứ cấp và thậm chí tình trạng nặng dần theo thời gian, khi co rút biến dạng ngày càng lớn.
Sự hỗ trợ của bàn tập đứng dựa trên cơ sở tập phục hồi chức năng với các phương pháp toàn diện, hiện đại, hiệu quả sẽ giúp ích rất nhiều trong quá trình tiên lượng bệnh, cũng như hỗ trợ quá trình chăm sóc và phát triển về vận động, chức năng ngôn ngữ giao tiếp, sinh hoạt hằng ngày của Đồng Anh.
Nhận được sự giúp đỡ từ các nhà hảo tâm, chị Định nghẹn ngào: “Tôi rất cảm ơn Tạp chí Trẻ em Việt Nam, các mạnh thường quân và Bệnh viện Phục hồi chức năng Hà Nội đã giúp đỡ mẹ con tôi. Có bàn tập đứng, cháu có thể tập để giãn cơ chân, giúp cháu vận động tốt hơn. Còn xe lăn có thể giúp tôi đỡ vất vả hơn khi đưa cháu đi tắm, đi vệ sinh”.
Nội dung: Hà Chi - Vũ Giang
Video: Hoài Linh
Ảnh: Hà Chi
Like fanpage để theo dõi thông tin mới nhất
Tạp chí Trẻ em Việt Nam