Chiêm ngưỡng cây di sản hơn 300 năm tuổi tuyệt đẹp tại Đan Phượng, Hà Nội
7 cây cổ thụ mới được công nhận là cây di sản Việt Nam của TP Hà Nội nằm trên địa bàn các huyện Đan Phượng, Phú Xuyên, Thanh Oai và Ứng Hòa.
Hội đồng Cây di sản Việt Nam vừa họp, xét hồ sơ 41 cây cổ thụ của 6 tỉnh, TP: Hà Nội, Hải Phòng, Hà Giang, Lạng Sơn, Thừa Thiên – Huế và Long An gửi về, công nhận đủ tiêu chuẩn cây di sản Việt Nam.
Trong số 8 bộ hồ sơ cây cổ thụ của TP Hà Nội gửi đến, Hội đồng chỉ xét công nhận 7 cây đủ tiêu chuẩn là cây di sản Việt Nam. Đó là cây đại hoa trắng hơn 300 năm, chu vi thân gần 3m ở thôn Tiên Tân, xã Hồng Hà, huyện Đan Phượng; cây đa hơn 400 năm ở đình làng thôn Kim Quy, xã Minh Tân, huyện Phú Xuyên và cả 3 cây (đăng ký là muỗm) hơn 300 năm, có đường kính thân từ 1 - 1,3 m trong khuôn viên miếu Xuyên Dương, xã Xuân Dương, huyện Thanh Oai.
Khu vực đình thôn An Phú, xã Hòa Phú, huyện Ứng Hòa, TP Hà Nội còn có cây nhội trên 200 năm, chu vi thân tới 4,3m, chiều cao 20m và cây đa hơn 150 năm, chu vi thân 13m cũng được công nhận đủ tiêu chí cây di sản Việt Nam.
Đợt này, huyện Đan Phượng có 1 cây di sản là cây đại hoa trắng tại chùa Tiên Tân (Thiên Nhai Tự) thuộc thôn Tiên Tân, xã Hồng Hà. Theo các bậc cao niên trong thôn Tiên Tân, cây đại được trồng từ khi xây chùa ở đầu thế kỷ XVIII. Cụ Nguyễn Minh Tân, sinh năm 1935 đang sinh sống tại thôn Tiên Tân cho biết thêm, gia đình cụ có 9 đời làm thầy cúng, bố cụ Tân cũng kể lại lúc trẻ về chùa làm lễ cho Nhân dân trong làng thì đã có cây đại to hơn cái thùng gánh nước.
Hiện nay, cây đại có đường kính 0,94m, chiều cao 13m, đường kính tán cây 12,5m. Về đặc điểm hình thái, cây đại được trồng bên cạnh chùa, thân cây khi cao đến 6m chia ra làm 2 cành chính. 2 cành chính lại phát triển ra nhiều cành nhỏ, tán cây tròn hướng lên bầu trời. Hình thế cây đại nằm nghiêng, phần gốc nằm bò sát mặt đất 4m, thân cây uốn lượn như mình rồng. Phần thân cây mọc cao ngỏng lên trời, thế cây như đầu rồng quay về hướng Đông.
Cây có nhiều rễ chống xuống đất như chân rồng để ngóc đầu lên. Thân cây xù xì, nổi nhiều u cục, rêu phong nhìn rất đẹp mắt, thể hiện sự trường tồn theo thời gian. Cây có hoa lá xum xuê, tươi tốt, hoa có màu trắng, vàng, mùi thơm ngát.
Theo Trưởng thôn Tiên Tân Nguyễn Tiến Bình, thôn Tiên Tân xưa được tách ra từ xã Hạ Mỗ, phủ Quốc Oai, huyện Từ Liêm thời Lê Hiến Tông cuối thế kỷ XVII. Đình làng Tiên Tân được xây dựng từ thời Chính Hòa thứ 3, khoảng năm 1682 thờ Bạch Hạc Giang Thần, qua nhiều năm Nhân dân trùng tu, tôn tạo và hàng năm tổ chức lễ hội vào ngày 12 tháng Giêng. Đình Tiên Tân được UBND TP Hà Nội xếp hạng di tích lịch sử văn hóa cấp TP năm 2023.
Chùa Tiên Tân nằm trong khuôn viên có diện tích 4.276,4m2, đã được UBND TP Hà Nội xếp hạng di tích lịch sử văn hóa cấp TP năm 2023.
“Cây đại cổ thụ trong chùa Tiên Tân có giá trị lớn về mặt văn hóa, lịch sử, khoa học, luôn gắn liền với các truyền thuyết văn hóa tâm linh và sự phát triển của địa phương qua các thời kỳ. Do đó, việc cây đại hoa trắng trong chùa Tiên Tân được công nhận là cây di sản Việt Nam là niềm vui và tự hào đối với cán bộ, Nhân dân địa phương” – ông Nguyễn Tiến Bình nói.
Trước đó, ngày 21/2/2024, Bộ trưởng Bộ VHTT&DL đã ban hành Quyết định số 372/QĐ-BVHTTDL công bố danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Trong đó, Lễ hội truyền thống, tập quán xã hội và tín ngưỡng Hội diều làng Bá Dương Nội, xã Hồng Hà, huyện Đan Phượng đã được đưa vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.