Chiêm ngưỡng 'đêm trắng' độc đáo ở nước Nga

Là nơi giấc mộng đêm hè lộng lẫy ở nước Nga trở thành hiện thực.

Kéo dài từ khoảng giữa tháng 6 đến đầu tháng 7, hiện tượng “đêm trắng” khoảng thời gian mặt trời chiếu sáng lâu nhất trong năm. Lúc này giữa ngày và đêm chỉ là một ranh giới mong manh, mơ hồ. Dù xuất hiện ở phía Bắc nước Nga cũng như các nước Bắc Âu nhất, đêm trắng ở Saint Petersburg vẫn luôn được xem là đẹp nhất và lộng lẫy nhất.

Saint Petersburg mùa hè là những “đêm trắng”. Những “đêm trắng”, là khi bầu trời không có một chút màu đen hoàn hảo. Khi ánh bình minh ló dạng chỉ trong cái chớp mắt sau ánh hoàng hôn. Khi ngày dài nhất và đêm thì ngắn nhất, Saint Petersburg bước vào những ngày sôi động nhất, những hội hè miên man.

23 giờ, tôi rảo bước từ Fan Fest Saint Petersburg đi về phía sông Neva. Con đường đi ngang qua bãi cỏ trong khu vườn Mikhailovsky mà trên đấy, nhiều người đang thả mình thư giãn thay vì ở nhà vào giờ này, tán gẫu với nhau trong khi những dãy nhà cổ kính xa xa đã lên đèn.

Trên nền trời là ánh nắng chưa tắt bàng bạcpha với màu vàng vọt của đèn đường. Người người thong dong tản bộ, đó là những nhóm bạn vừa rời khỏi quán bar sau giờ làm hay một cặp vợ chồng già dìu nhau đi về thứ ánh sáng kì ảo ấy. Tôi ngẩn người, giơ máy ảnh quyết bắt cho được cái khung cảnh đẹp đến nao lòng.

Trên dòng Neva, những con tàu du lịch tấp nập trong lịch trình của mình. Đêm trắng là một đặc sản của Saint Petersburg, khi mà bất cứ du khách nào cũng muốn một lần ngồi trên thuyền xuôi ngược giữa hai luồng ánh sáng. Đó cũng là một trải nghiệm kì thú với kẻ trên bờ, khi thì con thuyền đang ở dưới vầng trăng tròn, chẳng mấy chốc đã đi về phía bình minh màu ráng đỏ.

Người dân Saint Petersburg tận hưởng thời gian đẹp nhất của thành phố bên dòng Neva, vừa trò chuyện vừa ngắm những tòa lâu đài dưới ánh đèn, tận hưởng que kem hay ly cafe nửa đêm. Từ những chiếc loa trên cao, những bản nhạc cổ điển phát ra như đẩy cảm xúc của người ta lên bội phần. Tiếng piano từ bản giao hưởng số 1 của Tchaikovsky thánh thót vang lên, đẩy hồn người ở Saint Petersburg vào cõi mộng.

Mang tên gọi “Thành phố của những cung điện”, Saint Petersburg vốn đã đẹp, lại càng lộng lẫy khi lên đèn. Cung điện Mùa đông đã tráng lệ lại càng thêm xa hoa, gợi nhắc lại về một thời rực rỡ của vương triều Romanov. Trên những con đường xung quanh đấy là vô số màn biểu diễn của những nghệ sĩ đường phố, đủ thể loại từ nhạc jazz, cho đến độc tấu vĩ cầm hay thậm chí là màn múa lửa nữa. Chúng giàu cảm hứng đủ để kẻ bộ hành cũng phải dừng lại thưởng thức.

Khi đồng hồ điểm 1 giờ 15 phút, 22 trong tổng số 342 cây cầu của thành phố đồng loạt tách đôi và mở nhịp cầu cho tàu bè qua lại. Đó là truyền thống cũng như một nét đặc trưng của Saint Petersburg. Cầu chỉ đóng lại trong vòng nữa giờ cho những ai kẹt lại bên kia sông trở về nhà rồi lại mở đến 5 giờ sáng. Nên những ai trót đắm mình trước vẻ đẹp này cũng phải tỉnh táo nhắc mình không thể mất hàng trăm rúp tiền taxi đi vòng. Khi cầu mở, hàng chục chiếc thuyền nối đuôi nhau diễu hành trên dòng sông Neva, đi từ cầu này qua cầu khác. Một cảnh tượng kì vĩ. Du khách trên những chiếc thuyền ấy người reo hò, người nhún nhảy theo tiếng nhạc xập xình từ những bữa tiệc trên tàu.

Đêm trắng ở Saint Petersburg còn là đêm trắng của những cuộc hẹn hò. Đi dọc bờ sông Neva, người ta thấy những cặp tình nhân nép mình vào nhau. Trong khoảng chạng vạng là thời gian cho những nụ hôn say đắm, là thời gian cho những cặp tình nhân tận hưởng thời gian đẹp đẽ của tình yêu bên dòng Neva, là thời gian cho những lãng mạn bay bổng, một chút e ngại khi có người chụp ảnh, một thoáng suy nghĩ vẩn vơ.

Là thành phố du lịch nổi tiếng, Saint Petersburg là điểm đến quen thuộc cho bất kì ai đến Nga. Gần 4h sáng, khi trời đã gần như sáng hẳn, đại lộ Nevsky vẫn chưa hết tấp nập. Những chiếc taxi ngược xuôi chở khách về nhà. Những nhóm người vẫn đi lại dọc vỉa hè, trên tay là những ly bia, cười nói huyên náo từ những hội hè bất tận, điều quen thuộc của đêm trắng ở Saint Petersburg. Tôi rảo bước về lại nhà nghỉ, giữ lại cho mình những ấn tượng của đêm trắng nước Nga.

Và trong đầu vang lên bài hát From Russia With Love của Matt Monroe, từ bộ phim cùng tên về chàng điệp viên hào hoa 007.

“I traveled the world

To learn

I must return

From Russia with love…”

(Anh đã đi khắp thế giới

Để nhận ra rằng

Anh phải trở về

Từ nước Nga, yêu em…)

Thực hiện: Giang Phạm (từ Saint Petersburg, Nga)

Nguồn PLO: https://plo.vn/quoc-te/muon-mat/chiem-nguong-dem-trang-doc-dao-o-nuoc-nga-848758.html