Chiêm ngưỡng sự kỳ diệu của thủy tinh Séc tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam

Triển lãm tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam giới thiệu 17 tác phẩm thủy tinh nghệ thuật với kỹ thuật tạo hình độc đáo riêng có của các nghệ sỹ Séc.

Triển lãm giới thiệu 17 tác phẩm nghệ thuật thủy tinh Séc. (Ảnh: Minh Thu/Vietnam+)

Triển lãm giới thiệu 17 tác phẩm nghệ thuật thủy tinh Séc. (Ảnh: Minh Thu/Vietnam+)

Ngày 3/6, Đại sứ quán Cộng hòa Séc tổ chức khai mạc triển lãm “Sự kỳ diệu của thủy tinh Séc” giới thiệu 17 tác phẩm nghệ thuật của 13 nghệ sỹ Séc do Giám tuyển Marika Galova phụ trách.

Được tổ chức đặc biệt dành riêng cho công chúng Việt Nam, triển lãm giới thiệu các tác phẩm thủy tinh thủ công độc quyền của các nghệ sỹ Séc nổi tiếng như: Lukas Jaburek, Frantisek Jungvirt, Alena Matejka, Michaela Spruzinová, Lucie Svitorková, Vladimira Klumpar, Natalie Dufkova, Jiri Belda, Viktorie Beldova, Marek Cihal, Tomas Brzon, Petr Stanicky và Aldit.

Công chúng có thể chiêm ngưỡng sự khéo léo của các thợ làm thủy tinh Séc đồng thời tìm hiểu về một phần di sản truyền thống của Séc kết hợp với nghệ thuật đương đại.

 Công chúng được nghiêm ngưỡng nghệ thuật tinh xảo đồng thời hiểu hơn về sự phát triển của thủy tinh Séc. (Ảnh: Minh Thu/Vietnam+)

Công chúng được nghiêm ngưỡng nghệ thuật tinh xảo đồng thời hiểu hơn về sự phát triển của thủy tinh Séc. (Ảnh: Minh Thu/Vietnam+)

Thủy tinh Séc có truyền thống lâu đời hàng thế kỷ và đã nhiều lần đạt đến đỉnh cao về sản xuất thủy tinh trên thế giới. Thành công lớn đầu tiên vào thế kỷ 18, khi họ trở nên nổi tiếng với việc sản xuất những chiếc cốc baroque chất lượng cao nhất.

Sự bùng nổ lớn thứ hai diễn ra vào đầu thế kỷ 18 và 19. Trong thời kỳ này, những chiếc đèn chùm tuyệt đẹp làm từ "pha lê Bohemian" đã được xuất khẩu từ phía Bắc Bohemia đến nhiều nơi trên thế giới.

Sau đó, thủy tinh Séc tỏa sáng trở lại vào đầu thế kỷ 20, chủ yếu nhờ vào nhà máy thủy tinh Lotz Witwe từ Klastersky Mlyn. Nhà máy này đã đạt đến vị trí số một trong những nhà sản xuất thủy tinh tân nghệ thuật thành công nhất ở châu Âu.

 Triển lãm giới thiệu tác phẩm của 13 nghệ sỹ Séc. (Ảnh: Minh Thu/Vietnam+)

Triển lãm giới thiệu tác phẩm của 13 nghệ sỹ Séc. (Ảnh: Minh Thu/Vietnam+)

Kỷ nguyên lớn cuối cùng của thủy tinh Séc bắt đầu vào những năm 1950. Đó là sự kết hợp hài hòa giữa kinh nghiệm lịch sử lâu đời trong việc sản xuất thủy tinh chất lượng và trình độ đào tạo cao về chế tạo thủy tinh. Vào thời điểm đó, đây là lần đầu tiên trong lịch sử được các nghệ nhân thủy tinh hàng đầu của Séc nâng lên thành một vật liệu chính từ đó các tác phẩm nghệ thuật độc đáo bắt đầu được tạo ra, tương tự như trường hợp của các lĩnh vực nghệ thuật khác.

Lần đầu tiên, ý tưởng về cách làm việc mới với thủy tinh được giới thiệu với thế giới tại EXPO 1958 tại gian hàng Tiệp Khắc ở Brussels. Tác phẩm thủy tinh sắp đặt của Rene Roubicek làm bằng thủy tinh thổi và có hình dạng dày đã giành được Giải thưởng lớn. Các tác phẩm điêu khắc bằng thủy tinh được nung chảy trong khuôn do tác giả Jaroslava Brychtova và Stanislav Libensky trình bày ở đó đã góp phần thay đổi căn bản các nguyên tắc kỹ thuật đối với chất liệu thủy tinh trên toàn thế giới.

Triển lãm kéo dài đến ngày 14/6 tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam, 66 Nguyễn Thái Học, Ba Đình, Hà Nội./.

 Một số tác phẩm tại triển lãm. (Ảnh: Minh Thu/Vietnam+)

Một số tác phẩm tại triển lãm. (Ảnh: Minh Thu/Vietnam+)

(Vietnam+)

Nguồn VietnamPlus: https://www.vietnamplus.vn/chiem-nguong-su-ky-dieu-cua-thuy-tinh-sec-tai-bao-tang-my-thuat-viet-nam-post957065.vnp