Chiêm ngưỡng tàu không số huyền thoại tại Bảo tàng Hải quân
Bảo vật quốc gia tàu không số hiện đang được trưng bày tại Bảo tàng Hải quân trên địa bàn quận Dương Kinh, Tp.Hải Phòng, là 'địa chỉ đỏ' giáo dục truyền thống cách mạng thu hút đông đảo khách thăm quan.
Trong số rất nhiều hiện vật quý giá đang được trưng bày tại Bảo tàng Hải quân trên địa bàn phường Anh Dũng, quận Dương Kinh, Tp.Hải Phòng, con tàu mang số hiệu HQ - 671 thuộc biên chế Đoàn tàu không số huyền thoại trong kháng chiến chống Mỹ thu hút sự quan tâm đặc biệt của khách thăm quan.
Tấm bia đặt cạnh tàu HQ - 671 ghi rõ: Tàu HQ - 671 hạ thủy năm 1962 thuộc Lữ đoàn 125 Hải quân. Trong kháng chiến chống Mỹ, tàu đã vận chuyển 20 chuyến với gần 400 tấn vũ khí chi viện trực tiếp cho chiến trường miền Nam vào các bến ở Quảng Ngãi, Phú Yên, Bà Rịa, Bạc Liêu, Cà Mau… góp phần quan trọng vào nhiều chiến thắng trên các chiến trường Nam Bộ và Nam Trung Bộ.
Trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa xuân 1975, tàu đã trực tiếp tham gia giải phóng đảo Sơn Ca. Khi xảy ra sự kiện ngày 14/3/1988, tàu đã kiên trì, dũng cảm vượt qua sự ngăn chặn, uy hiếp của đối phương bảo vệ chủ quyền quần đảo Trường Sa.
Tàu HQ - 571 đã trải qua thời kỳ hào hùng nhất của lịch sử dân tộc, là con tàu duy nhất còn lại trong những con tàu không số đã làm nên huyền thoại đường Hồ Chí Minh trên biển.
Tàu hai lần được Nhà nước phong tặng danh hiệu Đơn vị anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân. 8 cán bộ, chiến sĩ qua các thời kỳ được tuyên dương danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân. Ngày 25/1/2017, Thủ tướng Chính phủ ký quyết định công nhận tàu HQ - 671 là bảo vật quốc gia.
Liên quan đến các thế hệ tàu không số, có rất nhiều câu chuyện giúp khách thăm quan phần nào cảm nhận được một trong những thời kỳ hào hùng nhất trong lịch sử dân tộc.
Trong đó, theo các tư liệu lịch sử và lời kể của các bậc lão thành cách mạng, ngay sau khi hạ thủy, ngày 19/10/1962, tàu 41 (còn gọi là tàu Phương Đông 1) do Thuyền trưởng Lê Văn Một và Chính trị viên Bông Văn Dĩa chỉ huy chở 30 tấn vũ khí vào cập bến Vàm Lũng (Cà Mau). Đây là chuyến đi đầu tiên khai thông con đường vận tải trên biển mang tên Chủ tịch Hồ Chí Minh nối liền hậu phương miền Bắc với chiến trường miền Nam.
Gần 1 năm sau, ngày 3/10/1963, tàu 41 tiếp tục thực hiện thành công chuyến chở hàng vào bến mới Lộc An, trực tiếp chi viện cho chiến trường mới ở Bà Rịa.
Trong đêm 26/11/1966, sau 17 ngày đêm đấu trí với kẻ địch ở trên biển, tàu 41 do Thuyền trưởng Hồ Đắc Thạnh và Chính trị viên Đặng Văn Thanh chỉ huy chở 39 tấn vũ khí, hàng hóa vào cập bến mới Đức Phổ (Quảng Ngãi) thành công.
Do bị mắc cạn không thể ra khơi được, để tránh bị địch phát hiện và bảo đảm bí mật tuyến đường Hồ Chí Minh trên biển, đội tàu đã nổ bộc phá hủy tàu, sau đó đi theo đường Trường Sơn trở về miền Bắc.
Đến đầu năm 1967, cán bộ, chiến sĩ tàu 41 nhận con tàu mới lấy tên là C41, tiếp tục thực hiện nhiệm vụ vận chuyển vũ khí chi viện chiến trường miền Nam. Sau này, tàu được đổi tên thành tàu 641 rồi tàu HQ - 671.
Đến đầu năm 1988, tàu HQ - 671 làm nhiệm vụ trực bảo vệ đảo Đá Lớn. Trước sự uy hiếp của kẻ thù hòng lấn chiếm bãi cạn của ta, các cán bộ, chiến sĩ toàn tàu đã kiên quyết, kiên trì đấu tranh, chấp nhận hy sinh, bảo vệ mục tiêu, tránh mọi đụng độ, khiêu khích. Đồng thời, sẵn sàng lao lên bãi cạn để tạo thành chốt phòng ngự trong tình huống nguy cấp nhất.
Sau đó, tàu tiếp tục thực hiện nhiệm vụ vận chuyển chi viện cho xây dựng và bảo vệ quần đảo Trường Sa thiêng liên của Tổ quốc.
Năm 2002, tàu HQ - 671 được biên chế về Hải đội 384, Cục Hậu cần Hải quân và sau đó được biên chế về Bảo tàng Hải quân trong dịp kỷ niệm 50 năm Ngày mở đường Hồ Chí Minh trên biển ((23/10/1961 - 23/10/2011).
Thời gian đầu, tàu HQ - 671 được neo đậu ven sông Lạch Tray cạnh Bảo tàng Hải quân. Sau đó, tàu được đưa lên bệ đỡ trưng bày trong khuôn viên ngoài trời Bảo tàng Hải quân đến nay.