Chiến đấu cơ Trung Quốc bắt đầu quá trình 'đoạn tuyệt' động cơ Nga
Động cơ Nga dành cho máy bay chiến đấu đang được Không quân Trung Quốc thay thế nhanh chóng bằng sản phẩm nội địa.
Trung Quốc đã bắt đầu thay thế động cơ phản lực AL-31 của Nga trên máy bay chiến đấu nội địa của mình bằng loại WS-10B do họ tự phát triển. Việc trang bị lại cho phi đội máy bay chiến đấu của Không quân Trung Quốc (PLAAF) đã bắt đầu trước khi những động cơ AL-31 cuối cùng hết hạn sử dụng. Điều này được báo cáo bởi Tạp chí Military Watch (MW) của Mỹ.
Bắt đầu từ năm 2010, Trung Quốc đã tiến hành lắp động cơ WS-10 do nước này tự thiết kế trên máy bay chiến đấu hai động cơ hạng nặng J-11. Cho đến thời điểm đó, tất cả các tiêm kích của PLAAF đều sử dụng loại AL-31 của Nga, được phát triển vào năm 1985.
Việc trang bị lại cho tiêm kích hạng nhẹ một động cơ J-10 đã bị trì hoãn do độ tin cậy thấp của những phiên bản động cơ WS-10 đầu tiên.
Mặc dù vậy, vào tháng 1 năm nay, phi đội tiêm kích J-11 với động cơ WS-10B nâng cấp đã xuất hiện. Ngay sau đó, việc thay thế AL-31 trên những chiếc J-10 cũng được tiến hành, điều này cho thấy độ tin cậy của động cơ nội địa do Bắc Kinh chế tạo đã tăng lên.
Loạt máy bay chiến đấu mới nhất vẫn sử dụng động cơ AL-31 của Nga là J-15 Flying Shark hoạt động trên tàu sân bay của Hải quân Trung Quốc (PLAN).
Dựa trên yêu cầu khá cao được đưa ra về khả năng chống ăn mòn của động cơ. Vào cuối tháng 11, những chiếc J-15 đầu tiên với động cơ WS-10B đã được nhìn thấy, điều này cho thấy chiếc máy động lực nói trên đã được hoàn thiện để tích hợp cho lô J-15 sẽ được sản xuất kế tiếp.
"Cho đến năm 2010, các nhà sản xuất động cơ Trung Quốc vẫn đứng sau những đối thủ nước ngoài, buộc họ phải tiếp tục sử dụng AL-31 cho tiêm kích nội địa J-10 và J-11".
"Tuy nhiên sự phát triển của WS-10B đánh dấu một cột mốc quan trọng trong sự phát triển của ngành công nghiệp hàng không của đất nước và dẫn đến xu hướng từ bỏ loại AL-31 của Nga để ủng hộ WS-10 nội địa", ấn phẩm MW nói rõ.
Tờ báo Mỹ lưu ý rằng động cơ máy bay chiến đấu vẫn là lĩnh vực chế tạo cuối cùng mà Trung Quốc thua kém đáng kể so với Nga. Việc loại bỏ dần AL-31 sẽ cho phép phi đội tiêm kích của PLAAF được tiêu chuẩn hóa, điều này sẽ làm giảm chi phí bảo dưỡng và duy trì khả năng sẵn sàng chiến đấu của không quân nước này.
Ngoài động cơ WS-10B, cần phải đặc biệt nhấn mạnh đến loại WS-15 được Trung Quốc phát triển đặc biệt cho tiêm kích tàng hình J-20, nó đã gần như hoàn thiện tính năng và theo đánh giá thì còn vượt trội cả Izdeliye 30 được Nga lắp cho Su-57 trên một vài thông số quan trọng.
Theo Military Watch