Chiến dịch Điện Biên Phủ: Ngày 25-4-1954, ta gặp bất lợi về thời tiết

Trong suốt thời gian diễn ra Chiến dịch Điện Biên Phủ, quân địch biết rõ sức phá hoại của những trận mưa đối với những tuyến đường tiếp tế. Vì thế, ngay từ đầu chiến dịch, chúng đã muốn tạo ra mưa nhân tạo, nhưng chưa thành công. Mùa mưa tới sớm đã tiếp tay cho chúng.

Về phía địch: Ngày 25-4, Langlais kiểm đếm lại lực lượng của mình thấy còn tổng số 1.400 người, 8 khẩu pháo 105mm và 2 chiếc xe tăng..., viên Đại tá mới được thăng chức quyết định mở một trận đánh giải tỏa. Ngày 26-4, bốn trong số những trung đội Bắc Phi khá nhất được lựa chọn tiến công vào những chiến hào của ta ở phía Tây Bắc Khu C. Langlais được báo cáo tại đây chỉ có một đường hào của ta. Nhưng khi những người lính của Đại đội 9 Algeria đột nhập thì thấy mình lọt giữa hai tuyến chiến hào, họ phải yêu cầu quân cứu viện mới chạy thoát. Langlais quyết định phải có hình thức kỷ luật đối với một số kẻ hèn nhát để làm gương. Viên Trung úy Benthabich chỉ huy đơn vị này được gọi tới. Langlais ra lệnh chọn hai người trong số những kẻ bỏ chạy để xử bắn. Một số sĩ quan Pháp tỏ vẻ đồng tình.

Lính Pháp tại Điện Biên Phủ. Ảnh tư liệu

Lính Pháp tại Điện Biên Phủ. Ảnh tư liệu

Benthabich trở về đại đội rồi quay lại nói: "Tôi không thể chỉ định ai. Mọi người cho rằng họ đều dũng cảm như nhau và đã chiến đấu hết sức mình. Nếu cần bắn thì bắn tất cả. Khi những người lính lê dương của ông không chọc thủng được vòng vây cũng phải chạy trốn, cho nên không thể bắn bất cứ ai! Không một người Algeria nào chấp nhận cách đối xử không công bằng đó". Rồi viên Trung úy nói thêm: "Thưa Đại tá, hãy tin tôi, chúng ta không được phép hoang phí số binh lính ít ỏi hiện có. Tôi đã mất 4 người, mà mới được thả dù có một người!". Langlais buộc phải hủy quyết định.

Về phía ta: Địch hy vọng kéo dài cuộc chiến bằng cách đánh mạnh vào các tuyến đường tiếp tế. Chúng biết rõ sau mỗi đợt tiến công, bộ đội ta lại phải chờ đạn, gạo từ hậu phương chuyển lên. Những quãng đường nằm bên sườn đèo cao, những đoạn dễ bị úng nước, những chiếc cầu trên đường độc đạo trở thành túi bom.

Ở tuyến hậu phương, đèo Giàng trên đường từ Cao Bằng xuống, đèo Cà từ Lạng Sơn về, đèo Khế nối liền Thái Nguyên với Tuyên Quang, đèo Lũng Lô nối liền Yên Bái với Sơn La, là mục tiêu của những cuộc oanh kích. Trên tuyến chiến dịch, bom địch vẫn không ngừng trút xuống đèo Pha Đin, các đầu mối giao thông Cò Nòi, Tuần Giáo.

Nhưng còn một tai họa khác là mưa. Mưa biết khai thác nhược điểm của con đường còn hơn cả những tên giặc lái. Tất cả đường của ta đều hẹp và xấu, lại bị phá hoại trước đây, mới được khôi phục nhanh bằng cấp phối, ngay khi trời vừa khô ráo, xe cơ giới qua lại gặp rất nhiều khó khăn. Mưa tạo thành những bãi lầy dài cả 10km. Mưa dồn đất thành từng vạt xuống phủ kín mặt đường. Có khi nó cuốn cả từng mảng đường bên sườn đèo xuống vực sâu. Quân địch đã biết rõ sức phá hoại của mưa đối với những tuyến đường tiếp tế. Ngay từ đầu chiến dịch, chúng đã muốn tạo ra mưa nhân tạo, nhưng chưa thành công. Mùa mưa tới sớm đã tiếp tay cho chúng.

 Bộ đội và dân công mở đường từ Tuần Giáo vào Điện Biên Phủ. Ảnh tư liệu

Bộ đội và dân công mở đường từ Tuần Giáo vào Điện Biên Phủ. Ảnh tư liệu

Pháo đói đạn trầm trọng. Có ngày mỗi khẩu pháo của ta chỉ còn hai, ba viên đạn. Bắn quá 3 viên 105mm phải xin phép Tham mưu trưởng, quá 10 viên phải xin phép Tổng tư lệnh. Trong giai đoạn này, một số nhà nghiên cứu phương Tây đã quá cường điệu số đạn pháo của ta tại Điện Biên Phủ. Có người tính ta đã bắn khoảng 350.000 viên. Cũng theo họ, phía Pháp đã sử dụng trong chiến dịch 132.000 viên, không kể hỏa lực của chiến xa và đặc biệt là không quân. Trong thực tế, về đạn 105mm, ta chỉ có tổng số khoảng hơn 20.000 viên, gồm 11.000 viên chiến lợi phẩm của Chiến dịch Biên giới, 3.600 viên do Trung Quốc viện trợ kèm theo pháo, 440 viên chiến lợi phẩm ở mặt trận Trung Lào và khoảng 5.000 viên thu được của địch thả dù tiếp tế.

Trên cánh đồng phía Tây, bộ đội ta đã khơi rãnh xung quanh công sự và đào những đường thoát nước tại trận địa. Cơ quan tham mưu mặt trận tập trung nghiên cứu cách làm chiến hào nổi để đối phó với nước lũ. Mỗi khi thấy một đám mây đen hiện trên đầu núi, một ánh chớp lóe trong đêm, Chỉ huy trưởng lại bồn chồn. Chúng ta đã chuẩn bị mọi mặt để chiến đấu qua mùa mưa. Nhưng tốt nhất vẫn là kết thúc số phận quân địch trước khi mùa mưa tới.

Phối hợp với chiến trường Điện Biên Phủ

Để có lực lượng tiếp viện cho chiến trường Điện Biên Phủ đang bị nguy khốn, ngày 25-4-1954, địch cho Binh đoàn cơ động số 1 cùng 3 tiểu đoàn lẻ và một tiểu đoàn pháo theo đường 12 rút về Thakhek. Trên đường rút quân chúng bị Trung đoàn 18 cùng lực lượng bạn chặn đánh từng chặng, tiêu hao, tiêu diệt thêm một số. Trước khi Chiến dịch Điện Biên Phủ bước vào đợt cuối, cuộc tiến công của ta và bạn ở Trung Lào kết thúc. Trong hoạt động này, ta và bạn đã loại khỏi vòng chiến đấu gần 3.000 tên địch, tiếp tục giữ chân nhiều binh đoàn cơ động tinh nhuệ của chúng ở Trung Lào.

THÀNH VINH (lược trích)

1. Đại tướng Võ Nguyên Giáp: Tổng tập Hồi ký, Nxb Quân đội nhân dân, Hà Nội, 2010.

2. Đại tướng Hoàng Văn Thái: Tổng tập, Nxb Quân đội nhân dân, Hà Nội, 2007.

3. Chiến dịch Điện Biên Phủ - Sự kiện và con số/Nguyễn Văn Thiết-Lê Xuân Thành, Nxb Quân đội nhân dân, Hà Nội, 2014.

4. Điện Biên Phủ-nhìn từ hai phía, Nxb Thanh Niên, 2004.

5. Điện Biên Phủ - Điểm hẹn lịch sử/Hồi ức của Đại tướng Võ Nguyên Giáp do nhà văn Hữu Mai thể hiện, Nxb Thông tin và Truyền thông, 2018.

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/quoc-phong-an-ninh/chien-thang-dien-bien-phu-moc-son-lich-su/dien-bien-chien-dich/chien-dich-dien-bien-phu-ngay-25-4-1954-ta-gap-bat-loi-ve-thoi-tiet-773743