'Chiến dịch' giành lại vỉa hè: Nhiều nơi phớt lờ, ngang nhiên vi phạm
Đại tá Dương Đức Hải, Phó Giám đốc Công an thành phố Hà Nội thừa nhận bên cạnh các quận, huyện đã triển khai tốt công tác sắp xếp vỉa hè, vẫn còn một số địa phương chưa vào cuộc quyết liệt.
Thành phố Hà Nội đã và đang quyết liệt ra quân tổng kiểm tra, xử lý, giải quyết vi phạm về trật tự, an toàn giao thông, trật tự đô thị, trật tự công cộng trên địa bàn, trong đó có vấn đề giành lại vỉa hè cho người đi bộ.
Kết quả bước đầu cho thấy sau ra quân rầm rộ, ở nhiều địa phương, vỉa hè đã phong quang, sạch đẹp. Tuy nhiên, nhiều nơi vẫn phớt lờ chỉ đạo của thành phố, vỉa hè vẫn bị chiếm dụng trái phép tràn lan gây nên cảnh nhếch nhác, ảnh hưởng đến an toàn giao thông và mỹ quan đô thị.
Theo ghi nhận của phóng viên trên địa bàn quận Cầu Giấy, tình trạng vi phạm lòng đường, vỉa hè diễn ra ngang nhiên, gây bức xúc cho người đi đường.
Cụ thể, tại khu vực cổng Ủy ban Nhân dân phường Nghĩa Tân, Công an phường Nghĩa Tân, nhiều xe ôtô đỗ ngay trên vỉa hè, khiến người đi bộ gặp khá nhiều khó khăn khi di chuyển qua khu vực này, tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn giao thông.
Đáng chú ý, mặc dù xung quanh khu vực Ủy ban Nhân dân phường có nhiều điểm đỗ xe, một số chủ phương tiện vẫn đỗ trên vỉa hè, chỉ khi có lực lượng chức năng nhắc nhở hay ống kính phóng viên quay, chụp thì các chủ phương tiện mới di chuyển đi nơi khác.
Một số người dân đi chợ Nghĩa Tân (gần khu vực trụ sở Ủy ban Nhân dân phường Nghĩa Tân) bày tỏ khi đi qua khu vực này, nhiều xe ôtô đỗ trên vỉa hè, người dân phải đi xuống lòng đường, gây mất an toàn giao thông.
Anh Trần Văn H. (trú tại phường Cổ Nhuế 1, Bắc Từ Liêm, Hà Nội) cho biết việc ôtô đỗ trên vỉa hè xung quanh khu vực Ủy ban Nhân dân phường hay ngay cổng Công an phường không những gây mất mỹ quan đô thị mà còn phản ánh sự thiếu quyết liệt của phường trong "chiến dịch" đòi lại vỉa hè cho người đi bộ theo đúng tinh thần chỉ đạo của thành phố.
Cũng trên địa bàn quận Cầu Giấy, tại khu vực cổng Trường Mầm non Trăng Đỏ (phường Trung Hòa, Cầu Giấy, Hà Nội), trên vỉa hè cũng xuất hiện những bãi đỗ xe máy cùng nhiều ôtô dù có biển cấm đỗ xe.
Ngoài ra, khu vực sân chơi chung (đối diện Trường Mầm non Trăng Đỏ) của người dân khu vực này bị quây kín bởi hàng dài xe ô tô, xe máy đỗ cả trên vỉa hè và lòng đường.
Tương tự, sáng 22.3, tại khu vực trước số nhà 277 Trung Kính (phường Yên Hòa, Cầu Giấy, Hà Nội), số nhà 127 Nguyễn Phong Sắc (phường Dịch Vọng Hậu, Cầu Giấy, Hà Nội), ôtô còn ngang nhiên đỗ xuống lòng đường, thậm chí đè lên cả vạch chỉ dẫn cho người đi bộ qua đường, tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn giao thông.
Tại khu vực cổng Trường Đại học Điện lực ở số 235 và đầu ngõ 234 Hoàng Quốc Việt (thuộc phường Cổ Nhuế 1, Bắc Từ Liêm, Hà Nội) vào thời điểm đầu giờ sáng hay giờ tan học, xuất hiện tình trạng hàng trăm xe máy lại lưu thông trên vỉa hè hai bên cổng trường. Nhiều xe máy đi ngược chiều. Việc này cũng tiềm ẩn nguy cơ tai nạn giao thông, ảnh hưởng đến sự an toàn của học sinh, sinh viên.
Đặc biệt, ngay trên vỉa hè khu vực cổng Trường Đại học Điện lực cũng xuất hiện bãi giữ xe, gây mất mỹ quan, lộn xộn và thường xuyên xảy ra tắc đường vào giờ cao điểm ở khu vực này.
Liên quan đến vấn đề này, Đại tá Dương Đức Hải, Phó Giám đốc Công an thành phố Hà Nội thẳng thắn thừa nhận bên cạnh các quận, huyện đã triển khai tốt công tác sắp xếp vỉa hè, lòng đường, vẫn còn một số địa phương chưa vào cuộc một cách quyết liệt. Do đó, Công an thành phố đã thành lập các đoàn kiểm tra, trực tiếp ghi lại hình ảnh; đồng thời, kiến nghị công an các địa phương chấn chỉnh, phân công trách nhiệm rõ người, rõ việc, quy rõ vai trò, trách nhiệm người đứng đầu; ra quân quản lý có chiều sâu và cụ thể, tránh việc chỗ làm chỗ không…
Lực lượng chức năng các địa phương trên địa bàn thành phố đã, đang ra quân trên tinh thần không "đánh trống, bỏ dùi," quyết tâm giành lại vỉa hè cho người đi bộ.
Bên cạnh đó, Công an thành phố đã đề ra giải pháp tham mưu Ban Chỉ đạo 197, Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội, triển khai theo lộ trình, từng bước chia ra các giai đoạn thực hiện từ công tác tuyên truyền đến điều tra cơ bản, đồng thời, quyết liệt xử lý vi phạm.
Đặc biệt, sau xử lý, lực lượng chức năng sẽ tiếp tục duy trì công tác kiểm tra, giám sát một cách thường xuyên, liên tục nhằm nâng cao ý thức người dân và làm quen với khái niệm "vỉa hè không phải để kinh doanh, buôn bán."
Trước đó, ngày 9.3, Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội ban hành Công văn số 607/UBND-ĐT về việc tăng cường kiểm tra, quản lý sử dụng hè phố, lòng đường.
Công văn nêu rõ để chấn chỉnh tình trạng vi phạm, lập lại trật tự, kỷ cương đô thị, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân các quận, huyện, thị xã chỉ đạo tăng cường kiểm tra, xử lý các trường hợp lấn chiếm hè phố, lòng đường làm nơi kinh doanh, buôn bán, để vật liệu xây dựng không đúng quy định; tháo dỡ mái che, mái vẩy, bục bệ làm cản trở giao thông và mất mỹ quan đô thị; kiểm tra, xử lý nghiêm các điểm trông giữ phương tiện trái phép, không đúng quy định, gây cản trở giao thông.
Ngoài ra, Ủy ban Nhân dân các quận, huyện, thị xã và sở, ngành liên quan đã xây dựng kế hoạch, phân công tổ chức thực hiện, rà soát các điều kiện chuẩn bị cho công tác sắp xếp, lập lại trật tự hè phố, lòng đường và kiểm tra, xử lý các vi phạm; tổ chức kiểm tra, xử lý nghiêm các vi phạm, thường xuyên duy trì lập lại trật tự hè phố, lòng đường kể từ ngày 21/3.
Bên cạnh đó, Chánh Văn phòng Ủy ban Nhân dân thành phố sẽ công khai thông tin các Chủ tịch Ủy ban Nhân dân quận, huyện, thị xã; Chủ tịch Ủy ban Nhân dân xã, phường, thị trấn để xảy ra nhiều vi phạm về trật tự hè phố, lòng đường trên địa bàn tại các cuộc họp báo của Ủy ban Nhân dân thành phố hằng tháng.