Chiến dịch Tây Nguyên: Lựa chọn mục tiêu then chốt, tạo lập thế trận vững chắc

Trận tiến công quân địch ở thị xã Buôn Ma Thuột (Đắk Lắk) là trận đánh then chốt mở đầu và cũng là trận then chốt quyết định trong Chiến dịch Tây Nguyên năm 1975.

Nét nổi bật về nghệ thuật quân sự trong trận đánh này là ta lựa chọn chính xác mục tiêu tiến công, tạo lập thế trận vững chắc và tổ chức hiệp đồng chặt chẽ các lực lượng tác chiến hiệu quả.

1. Lựa chọn chính xác mục tiêu đánh trận then chốt. Trên cơ sở phân tích, đánh giá về địch, Bộ tư lệnh chiến dịch chọn Buôn Ma Thuột (Nam Tây Nguyên) làm mục tiêu tiến công. Đây là quyết định đúng đắn, bởi Buôn Ma Thuột là trung tâm kinh tế, chính trị, quân sự, văn hóa của địch ở Tây Nguyên. Vì thế, thị xã Buôn Ma Thuột được đánh giá là điểm trọng yếu duy trì ổn định thế bố trí lực lượng và thế trận của địch ở Tây Nguyên. Mất Buôn Ma Thuột sẽ phá vỡ thế liên hoàn ở Tây Nguyên, uy hiếp đồng bằng ven biển và miền Đông Nam Bộ.

Quân Giải phóng đánh chiếm sở chỉ huy Sư đoàn 23 ngụy quân Sài Gòn tại Buôn Ma Thuột, ngày 11-3-1975. Ảnh tư liệu

Quân Giải phóng đánh chiếm sở chỉ huy Sư đoàn 23 ngụy quân Sài Gòn tại Buôn Ma Thuột, ngày 11-3-1975. Ảnh tư liệu

Đối với ta, tuy gặp khó khăn nhất định về nắm địch, địa hình, vận chuyển vật chất và cơ động tập kết lực lượng, nhưng nếu chiếm được Buôn Ma Thuột, ta có thể nhanh chóng phát triển tiến công lên Kon Tum và Pleiku, nhanh chóng giải phóng Tây Nguyên, chia cắt chiến trường miền Nam thành hai khu vực (Huế-Đà Nẵng và Sài Gòn), đồng thời tạo điều kiện thuận lợi cho ta phát triển lực lượng tiến xuống giải phóng vùng đồng bằng Khu 5.

2. Tạo lập thế trận vững chắc đánh trận then chốt. Để bảo đảm đánh chắc thắng, Bộ tư lệnh chiến dịch hạ quyết tâm “trói địch ở Buôn Ma Thuột mà đánh”. Theo đó, ta thực hiện nghi binh nhử địch, kéo chúng dồn lực lượng về hướng Kon Tum, Pleiku rồi hãm chúng ở đó, khiến địch sơ hở, tạo thuận lợi cho ta bí mật cơ động lực lượng hình thành thế trận chia cắt, vây hãm rồi tiến công địch ở Buôn Ma Thuột. Thực tế, ta thực hiện tốt việc chia cắt địch cả về chiến lược và chiến dịch. Về chiến lược, ta sử dụng lực lượng quy mô từ một trung đoàn đến một sư đoàn (thiếu) đánh cắt Đường 19 và 21, không cho địch chi viện từ ven biển Khu 5 cho Tây Nguyên và ngăn chặn địch rút chạy đường bộ từ Tây Nguyên xuống đồng bằng Khu 5. Về chiến dịch, ta sử dụng một sư đoàn đánh cắt Đường 14, không cho địch ở Bắc Tây Nguyên chi viện cho Nam Tây Nguyên, cô lập địch ở Buôn Ma Thuột. Địch chỉ có thể chi viện bằng đường không, nhưng mức độ không lớn.

3. Tổ chức hiệp đồng chặt chẽ các lực lượng tác chiến. Theo kế hoạch, đêm 10-3-1975, đặc công bất ngờ đánh chiếm một số vị trí ở khu kho Mai Hắc Đế, sân bay Hòa Bình, sân bay thị xã và hậu cứ Trung đoàn 53 của địch. Tiếp đó, lực lượng pháo binh bắn vào thị xã, tạo điều kiện cho bộ binh và xe tăng từ 5 hướng đánh thẳng vào trung tâm thị xã. Quá trình tiến công, ta tổ chức hiệp đồng chặt chẽ giữa các lực lượng tác chiến trên 5 hướng tiến công, kết hợp giữa lực lượng đột phá từ bên ngoài vào với lực lượng thọc sâu và luồn sâu; đồng thời kết hợp giữa hỏa lực của pháo binh, pháo cao xạ và xung lực của đặc công, bộ binh, xe tăng, thiết giáp. Nhờ tổ chức hiệp đồng chặt chẽ các lực lượng, vận dụng linh hoạt, sáng tạo các hình thức tập kích, tiến công địch phòng ngự trong công sự vững chắc, kết hợp bao vây, vu hồi, thọc sâu, luồn sâu, đến 10 giờ 30 phút ngày 11-3, ta hoàn toàn làm chủ thị xã, tiêu diệt và làm tan rã toàn bộ quân địch ở Buôn Ma Thuột, thu và phá hủy nhiều vũ khí, trang bị quân sự của địch.

NGỌC SƠN

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/quoc-phong-an-ninh/nghe-thuat-quan-su-vn/chien-dich-tay-nguyen-lua-chon-muc-tieu-then-chot-tao-lap-the-tran-vung-chac-722207