Chiến dịch tiêm vaccine phòng sởi

Việt Nam đã ghi nhận hơn 2.000 ca mắc sởi, trong đó tại TPHCM ghi nhận hơn 500 ca mắc. Hiện tại, nước ta có 18 tỉnh, thành nằm trong nguy cơ dịch sởi gia tăng. Chiến dịch tiêm vaccine sởi ưu tiên những tỉnh, thành này.

Tuy nhiên, trong chiến dịch thêm này đối tượng tiêm chủng là trẻ từ 1 đến 10 tuổi, trừ những trường hợp đã tiêm đủ 2 mũi vaccine.

Bộ Y tế đã đánh giá nguy cơ dịch theo bộ công cụ do WHO cung cấp và xác định 18 tỉnh, thành phố với khoảng 100 huyện nằm trong khu vực có nguy cơ. Bộ Y tế sẽ tiến hành tiêm vaccine sởi - rubella miễn phí cho các đối tượng này.

Cần triển khai kịp thời các biện pháp để kiểm soát dịch sởi, đặc biệt là tiêm chủng vaccine
Liên quan đến chiến dịch tiêm vaccine sởi, phát biểu tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan đề nghị UBND tỉnh quan tâm chỉ đạo Sở, ban ngành xây dựng, ban hành Kế hoạch tiêm chủng bổ sung vaccine Sởi-rubella, bố trí đầy đủ kinh phí, nhân lực, trang thiết bị cho điểm tiêm chủng bao gồm cả các đội cấp cứu lưu động.

Tổ chức buổi tiêm chủng và theo dõi, xử trí các trường hợp phản ứng sau tiêm chủng; tuyên truyền ý nghĩa, lợi ích của hoạt động tiêm bổ sung vaccine Sởi-Rubela cho đội ngũ cán bộ, giáo viên các khối tiểu học, mầm non, mẫu giáo; Vận động phụ huynh đồng ý cho con em tham gia tiêm vaccine đảm bảo đúng quy định.

Bộ trưởng Đào Hồng Lan cũng kêu gọi các bậc cha mẹ, hãy nêu cao tinh thần trách nhiệm đưa trẻ đi tiêm chủng đầy đủ, đúng lịch vì sức khỏe của con em mình.

"Hãy coi việc tiêm chủng không chỉ là quyền lợi, trách nhiệm của mỗi cá nhân mà còn trách nhiệm đối với cộng đồng"- Bộ trưởng nói.

Cũng tại hội nghị, TS Angela Pratt - Trưởng đại diện WHO tại Việt Nam thông tin, để hỗ trợ chiến dịch tiêm chủng vaccine sởi của Việt Nam, WHO đã hoàn tất việc mua sắm khẩn cấp hơn 1 triệu liều vaccine sởi-rubella để ứng phó với dịch bệnh và tiêm chủng tăng cường tại các khu vực có nguy cơ cao nhất.

Còn bà Rana Flower, Trưởng đại diện UNICEF tại Việt Nam bày tỏ: dịch sởi có thể bùng phát mạnh vào thời điểm học sinh quay trở lại trường trong tháng 9.

Theo bà Rana Flower, Việt Nam đã đạt được những thành công nhất định trong phòng chống dịch sởi. Tuy nhiên, việc đại dịch COVID-19 hoành hành đã gây gián đoạn nguồn cung ứng vaccine, cũng như công tác tiêm chủng vaccine. Điều này tạo ra khoảng trống vaccine ở nhiều trẻ em Việt Nam.

"Chúng ta cần triển khai kịp thời các biện pháp để kiểm soát dịch sởi, đặc biệt là tiêm chủng vaccine. Chúng tôi khuyến khích tất cả các tỉnh thành coi chiến dịch tiêm chủng này là ưu tiên hàng đầu. Trẻ em sắp quay lại trường học vào tháng 9 và có thể khiến dịch bệnh bùng phát nghiêm trọng hơn"- bà Rana Flower nói.

Theo Sức khỏe và Đời sống

Nguồn Trà Vinh: https://www.baotravinh.vn/y-te/chien-dich-tiem-vaccine-phong-soi-39514.html