Chiến lược đặt nguyện vọng dễ trúng tuyển vào ngành Truyền thông đa phương tiện
Một số cơ sở giáo dục đại học đưa ra tư vấn về chiến lược đặt nguyện vọng giúp thí sinh tăng cơ hội trúng tuyển ngành Truyền thông đa phương tiện.
Thời đại công nghệ số phát triển nhu cầu về truyền thông ngày càng tăng cao. Nhiều năm trở lại đây, ngành Truyền thông đa phương tiện trở thành ngành học hấp dẫn nhưng có sự cạnh tranh khá lớn. Để thí sinh dễ trúng tuyển ngành này, đại diện một số cơ sở giáo dục đại học đã đưa ra một số tư vấn.
Đừng chỉ chạy theo sở thích, xu hướng
Chia sẻ với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Vũ Quỳnh, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Lạc Hồng khẳng định ngành Truyền thông đa phương tiện là ngành học hấp dẫn nhiều thí sinh nhờ sự phát triển mạnh mẽ của lĩnh vực truyền thông và công nghệ.
Để tăng cơ hội trúng tuyển vào ngành này, thí sinh cần có chiến lược phù hợp, bao gồm lựa chọn tổ hợp môn xét tuyển, nâng cao kết quả học tập ở bậc phổ thông, tham gia hoạt động ngoại khóa và tìm hiểu kỹ về phương thức tuyển sinh của cơ sở giáo dục mà bản thân yêu thích.

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Vũ Quỳnh, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Lạc Hồng. (Ảnh: NVCC)
“Trước tiên, thí sinh cần xác định tổ hợp môn xét tuyển phù hợp. Mỗi trường đại học có thể áp dụng các tổ hợp khác nhau, chẳng hạn tại Trường Đại học Lạc Hồng, các tổ hợp xét tuyển cho ngành Truyền thông đa phương tiện bao gồm: Ngữ văn – Lịch sử – Địa lý, Ngữ văn – Toán – Tiếng Anh, Ngữ văn – Toán – Địa lý, Toán – Ngữ văn – Giáo dục kinh tế và pháp luật. Để có thông tin tổ hợp xét tuyển của từng trường, thí sinh có thể tham khảo trực tiếp trên website hoặc liên hệ phòng tuyển sinh của trường.
Sau khi chọn tổ hợp xét tuyển, việc tập trung cải thiện kết quả học tập ở các môn này là rất quan trọng. Đạt điểm cao không chỉ giúp các bạn gia tăng cơ hội trúng tuyển mà còn tạo nền tảng vững chắc để theo học ngành này một cách hiệu quả sau này.
Ngoài kết quả học tập, kinh nghiệm thực tế cũng đóng vai trò quan trọng. Việc tham gia các câu lạc bộ truyền thông, thiết kế đồ họa, viết lách hoặc các cuộc thi sáng tạo sẽ giúp bạn rèn luyện kỹ năng cần thiết và thể hiện đam mê với ngành học. Những hoạt động này cũng có thể là điểm cộng khi xét tuyển.
Bên cạnh đó, thí sinh cần chuẩn bị hồ sơ xét tuyển đầy đủ và đúng hạn. Việc tìm hiểu kỹ về các phương thức tuyển sinh sẽ giúp bạn có thêm cơ hội trúng tuyển vào ngành Truyền thông đa phương tiện”, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Vũ Quỳnh nói.
Cũng theo Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Lạc Hồng, năng lực của bản thân phù hợp với ngành nghề lựa chọn là rất quan trọng. Thí sinh không nên chạy theo sở thích đơn thuần mà cần nhìn nhận về năng lực thực tế, cơ hội việc làm và cả điều kiện gia đình.
“Chiến lược đặt nguyện vọng thông minh không chỉ đơn thuần dựa trên sở thích mà còn phải cân nhắc đến năng lực bản thân và nhu cầu thực tế của thị trường lao động. Lựa chọn một ngành học phù hợp sẽ giúp người học phát huy thế mạnh cá nhân, giảm áp lực trong quá trình học tập đồng thời đảm bảo cơ hội việc làm ổn định, thu nhập tốt trong tương lai.
Nếu chỉ chạy theo sở thích mà bỏ qua triển vọng nghề nghiệp, bạn có thể đối mặt với khó khăn khi tìm việc sau tốt nghiệp. Ngược lại, nếu chọn ngành theo xu hướng mà không có đam mê hoặc khả năng phù hợp, rất dễ dẫn đến chán nản và thiếu động lực phát triển lâu dài.
Để đưa ra quyết định chính xác, thí sinh cần tự đánh giá sở thích, năng lực của bản thân, tìm hiểu kỹ về các ngành nghề, xu hướng tuyển dụng, tiềm năng phát triển và mức thu nhập. Đồng thời, tham khảo ý kiến từ thầy cô, chuyên gia hướng nghiệp, tham gia các buổi tư vấn, trải nghiệm thực tế để có cái nhìn toàn diện hơn. Ngoài ra, cần cân nhắc yếu tố tài chính gia đình và học lực hiện tại để đảm bảo khả năng theo đuổi ngành học đã chọn.
Quan trọng nhất, cần tránh chọn nghề theo phong trào hoặc áp lực từ gia đình, bởi quyết định này ảnh hưởng trực tiếp đến tương lai và hạnh phúc lâu dài của chính bạn. Một lựa chọn đúng đắn sẽ giúp bạn phát huy tối đa tiềm năng và thành công trên con đường sự nghiệp”, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Vũ Quỳnh bày tỏ.
Trong khi đó, phó hiệu trưởng một trường đại học ở phía Nam cho biết khi đăng ký nguyện vọng, thí sinh không bị giới hạn số lượng, nhưng cần có chiến lược hợp lý để tránh tình trạng dàn trải quá mức.
Thứ tự sắp xếp nguyện vọng đóng vai trò rất quan trọng, bởi nếu thí sinh trúng tuyển nguyện vọng đầu tiên, các nguyện vọng sau sẽ không được xét. Do đó, hãy ưu tiên sắp xếp theo mức độ yêu thích thay vì chỉ dựa trên độ an toàn. Quan trọng nhất, hãy tìm hiểu kỹ thông tin tuyển sinh của từng trường bằng cách đọc đề án tuyển sinh để nắm rõ phương thức xét tuyển, chỉ tiêu và mức điểm chuẩn của các năm trước.
Bên cạnh phương thức xét tuyển bằng điểm thi tốt nghiệp trung học phổ thông, các trường đại học áp dụng nhiều phương thức khác nhằm tạo điều kiện thuận lợi và mở rộng cơ hội trúng tuyển cho thí sinh.
Các phương thức phổ biến bao gồm: xét tuyển thẳng theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo dành cho thí sinh đạt giải cao trong các kỳ thi học sinh giỏi cấp quốc gia, quốc tế hoặc có thành tích xuất sắc; xét tuyển từ các kỳ thi đánh giá năng lực, đánh giá tư duy do một số trường tổ chức; xét tuyển kết hợp chứng chỉ quốc tế như IELTS, TOEFL… cùng điểm thi tốt nghiệp trung học phổ thông hoặc học bạ; và xét tuyển qua phỏng vấn để đánh giá năng lực cá nhân.
Việc đa dạng hóa phương thức tuyển sinh giúp thí sinh chủ động lựa chọn hướng đi phù hợp với năng lực và hoàn cảnh, đồng thời tăng cơ hội trúng tuyển vào ngành học mong muốn. Do đó, việc tìm hiểu kỹ thông tin tuyển sinh của từng trường là cần thiết để có kế hoạch chuẩn bị tốt nhất.
Sự chuẩn bị kỹ lưỡng là chìa khóa để thành công
Theo Tiến sĩ Trần Văn Lệ - Trưởng khoa, Khoa Truyền thông, Trường Đại học Đại Nam, sự tìm hiểu, chuẩn bị kỹ lưỡng về ngành học và yêu cầu tuyển sinh của từng trường đóng vai trò quan trọng trong khả năng trúng tuyển, đối với ngành Truyền thông đa phương tiện nói riêng và các ngành học khác nói chung.

Tiến sĩ Trần Văn Lệ - Trưởng khoa, Khoa Truyền thông, Trường Đại học Đại Nam. (Ảnh: NVCC)
“Ngành Truyền thông đa phương tiện ngày càng thu hút nhiều thí sinh, và để tăng cơ hội trúng tuyển vào trường mong muốn, các em cần có sự chuẩn bị kỹ lưỡng.
Trước hết, việc nghiên cứu thông tin về ngành học và yêu cầu tuyển sinh của từng trường là điều cần thiết. Thí sinh nên tham khảo thông tin trên website chính thức của trường để nắm rõ tiêu chí tuyển sinh, tổ hợp môn xét tuyển, phương thức xét tuyển, điểm chuẩn các năm trước, cũng như định hướng đào tạo của trường là nghiên cứu hay ứng dụng. Ngoài ra, các yếu tố khác như hoạt động ngoại khóa, chứng chỉ bổ sung cũng là những điểm quan trọng cần xem xét.
Chẳng hạn, ngành Truyền thông đa phương tiện của Khoa Truyền thông, Trường Đại học Đại Nam chú trọng đến tính ứng dụng. Sinh viên được đào tạo với sự cân bằng giữa lý thuyết và thực hành, tham gia các câu lạc bộ chuyên môn như câu lạc bộ Truyền thông PMI, giúp rèn nghề song song với việc học trên lớp.
Bên cạnh việc chọn trường phù hợp, thí sinh cần lựa chọn tổ hợp môn xét tuyển phù hợp với thế mạnh cá nhân. Với ngành Truyền thông đa phương tiện tại Trường Đại học Đại Nam, thí sinh có thể đăng ký xét tuyển theo bốn tổ hợp: C03, C14, D01, D84. Việc chọn tổ hợp môn phù hợp sẽ giúp các bạn tăng khả năng trúng tuyển.
Đồng thời, ngoài việc chuẩn bị hồ sơ xét tuyển đầy đủ và ôn tập để đạt kết quả tốt nhất, các em cũng nên tìm hiểu trước những kiến thức liên quan đến truyền thông đa phương tiện để có sự chuẩn bị vững chắc hơn trước khi bước vào giảng đường đại học”.
Cùng quan điểm này, Thạc sĩ Đàm Minh Anh - Phó Trưởng phòng, Phòng Đào tạo, Trường Đại học Sư phạm, Đại học Đà Nẵng - cơ sở giáo dục đại học có đào tạo khối ngành báo chí, truyền thông đưa ra tư vấn.

Trường Đại học Sư phạm - Đại học Đà Nẵng đào tạo khối ngành báo chí, truyền thông. (Ảnh: website nhà trường)
“Đối với các thí sinh, lời khuyên quan trọng nhất lúc này vẫn là tập trung ôn luyện thật tốt cho kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông sắp tới. Sau khi có kết quả, các em sẽ có cơ sở để lựa chọn trường và ngành học dựa trên đề án tuyển sinh mà các trường công bố.
Một điểm đáng chú ý trong quy chế thi năm nay là thí sinh chỉ cần đăng ký ngành học, trường học, hệ thống xét tuyển sẽ tự động lấy tổ hợp môn và phương thức xét tuyển mà thí sinh có số điểm cao nhất để xét. Do đó, dù học sinh xét tuyển theo phương thức nào, điều quan trọng nhất vẫn là giữ vững tinh thần, tập trung ôn tập thật tốt để có tâm lý sẵn sàng cho kỳ thi. Khi có kết quả trong tay, các em sẽ có nhiều cơ hội hơn để lựa chọn ngành học phù hợp với sở thích và năng lực của mình. Từ đó đưa ra quyết định đặt nguyện vọng phù hợp, nâng cao cơ hội trúng tuyển vào trường mong muốn.
Hiện nay, có khá nhiều phương thức tuyển sinh mà thí sinh có thể quan tâm. Chẳng hạn, tại Trường Đại học Sư phạm, Đại học Đà Nẵng, nhà trường áp dụng một số phương thức tuyển sinh như: xét tuyển thẳng theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo; xét tuyển dựa trên điểm thi tốt nghiệp trung học phổ thông; xét tuyển bằng học bạ.
Bên cạnh đó, Trường Đại học Sư phạm, Đại học Đà Nẵng còn sử dụng kết quả kỳ thi đánh giá năng lực của Trường Đại học Sư phạm Hà Nội và Trường Đại học Sư phạm Thành phố Hồ Chí Minh để xét tuyển. Số lượng thí sinh đăng ký theo phương thức này khá lớn”, Thạc sĩ Đàm Minh Anh cho hay.