Chiến lược kép vì lợi ích Mỹ của Tổng thống Trump khi áp thuế với đồng
Không chỉ bảo vệ sản xuất trong nước, Tổng thống Trump còn nhắm đến mục tiêu chiến lược: kiểm soát kim loại quan trọng và tăng ảnh hưởng địa chính trị tại Trung Đông, Bắc Phi.

Tổng thống Mỹ Donald Trump phát biểu tại cuộc họp báo ở Nhà Trắng, Washington, D.C. Ảnh: THX/TTXVN
Tổng thống Mỹ Donald Trump vừa gây chấn động thị trường toàn cầu khi tuyên bố sẽ áp thuế 50% đối với đồng nhập khẩu vào nước này. Động thái này ngay lập tức khiến giá đồng tăng 17%. Vậy đâu là những lý do đằng sau quyết định có vẻ táo bạo này của ông Trump? Theo các chuyên gia được báo Izvestia (Nga) thăm dò, đây là một phần trong chiến lược rộng lớn hơn nhằm bảo vệ các nhà sản xuất trong nước và củng cố vị thế của Mỹ trên bản đồ kinh tế - chính trị thế giới.
Một trong những lý do cốt lõi khiến Tổng thống Trump nhắm vào đồng là tầm quan trọng chiến lược của kim loại này. Đồng là nguyên liệu không thể thiếu để sản xuất nhiều loại vũ khí quan trọng như máy bay, tàu chiến và đạn dược. Theo Yulia Davydova, Phó Giáo sư Khoa Phân tích Chính trị và Tâm lý Xã hội tại Đại học Kinh tế Plekhanov ở Moskva (Nga), Mỹ đứng thứ hai thế giới về trữ lượng quặng đồng, nhưng lại không có nhiều mỏ đồng đã được khai thác. Phó Giáo sư Davydova nhận định, mức thuế quan cao sẽ khuyến khích sản xuất đồng trong nước và đưa Mỹ trở lại vị thế thống trị trong lĩnh vực này.
Về phần mình Alexey Kalachev, nhà phân tích tại Finam cho rằng đây là một phần trong "ý tưởng của Tổng thống Trump nhằm kích thích sản xuất trong nước các kim loại chiến lược quan trọng". Tuy nhiên, ông Kalachev cũng lưu ý rằng việc kích thích sản xuất là một quá trình dài hạn, trong khi nhu cầu của ngành công nghiệp là tức thời. Điều này có thể khiến người tiêu dùng Mỹ phải trả thêm tiền hoặc giảm lượng đồng sử dụng.
Mở rộng ảnh hưởng tại Trung Đông và Bắc Phi, loại bỏ đối thủ dầu mỏ
Bên cạnh mục tiêu về đồng, việc áp thuế lên các quốc gia Trung Đông và Bắc Phi cũng nằm trong chiến lược đa chiều của ông Trump. Maxim Chirkov, Phó Giáo sư tại Viện Kinh tế và Tài chính thuộc Đại học Quản lý Nhà nước Nga, cho rằng Washington muốn tăng cường sự hiện diện của mình tại các khu vực này, dù hoạt động thương mại trực tiếp không quá đáng kể.
Đồng thời, theo bà Yulia Davydova, chính quyền Mỹ đang cố gắng loại bỏ các đối thủ cạnh tranh trong lĩnh vực sản xuất dầu mỏ. Bà nhắc lại rằng Algeria, Libya và Iraq là những nhà cung cấp dầu mỏ và các sản phẩm dầu mỏ toàn cầu. Mikhail Khachaturian, Phó Giáo sư tại Khoa Phát triển Chiến lược và Đổi mới thuộc Đại học Tài chính Nga, bổ sung rằng ông Trump tìm cách gây bất lợi cho thị trường dầu mỏ, qua đó thúc đẩy các nước này từ bỏ việc tham gia OPEC+ và các chương trình cắt giảm sản lượng nhằm tiếp tục hạ giá dầu.
Trong khi đó, chuyên gia độc lập Andrey Barkhota nhận định, nguồn dầu rẻ hơn sẽ chảy vào các nhà máy sản xuất của Mỹ, giúp kiềm chế chi phí sản phẩm hoàn thiện ngày càng tăng trong quá trình tái công nghiệp hóa của Mỹ. Điều này sẽ hỗ trợ các công ty dầu mỏ trong nước. Mặc dù giá dầu Brent đã phục hồi một phần, nhưng nhìn chung, giá năng lượng đã giảm 1/4 kể từ đầu năm.
Thiệt hại kinh tế tiềm tàng của Algeria, Tunisia và Iraq do thuế quan có thể lên tới 10-15 tỷ USD trong năm nay. Tuy nhiên, ông Khachaturian dự đoán các nước này có thể sẽ tìm cách đạt được thỏa thuận thương mại song phương với Mỹ bằng cách giảm thuế quan của họ đối với hàng hóa Mỹ.
Về phía Nga, một trong những nhà sản xuất đồng lớn thứ bảy thế giới với trữ lượng khoảng 930.000 tấn, các khoản thuế này sẽ không ảnh hưởng trực tiếp. Ông Khachaturian cho biết, do các lệnh trừng phạt, việc xuất khẩu đồng sang Mỹ không được thực hiện. Hiện tại, Nga đang tập trung nhiều hơn vào việc cung cấp tinh quặng đồng cho Trung Quốc, một sự lựa chọn hợp lý về mặt địa lý.
Tổng quan, động thái áp thuế của ông Trump đối với đồng và các quốc gia Trung Đông, Bắc Phi cho thấy một chiến lược đa mục đích, vừa nhằm bảo vệ và thúc đẩy sản xuất trong nước, vừa tăng cường ảnh hưởng địa chính trị và kiểm soát thị trường năng lượng toàn cầu.