Chiến lược 'Một châu Âu kết nối toàn cầu': Thúc đẩy sự liên kết

Các nước thành viên Liên minh châu Âu (EU) vừa nhất trí thông qua chiến lược xây dựng cơ sở hạ tầng nhằm tăng cường liên kết khu vực này với thế giới với tên gọi 'Một châu Âu kết nối toàn cầu'. Bước đi được kỳ vọng không chỉ giúp thúc đẩy phát triển kinh tế và đối ngoại, mà còn góp phần bảo đảm lợi ích an ninh cùng các giá trị của châu Âu trong một thế giới ngày càng nhiều thách thức và biến động.

Các quan chức ngoại giao EU thảo luận bên lề cuộc họp tại thủ đô Brussels (Bỉ) vào ngày 12-7.

Chiến lược “Một châu Âu kết nối toàn cầu” được các ngoại trưởng EU thảo luận và nhất trí thông qua trong một cuộc họp tại thủ đô Brussels (Bỉ) vào ngày 12-7. Thông cáo của Hội đồng châu Âu cho biết, đây là kế hoạch được xây dựng trên nền tảng Tuyên bố chung về kết nối châu Âu - châu Á năm 2018. Hội đồng châu Âu nhấn mạnh, nguyên tắc cơ bản của chiến lược này là kết nối phải bền vững, toàn diện và dựa trên luật lệ. Kết nối tốt hơn cũng sẽ góp phần đa dạng hóa chuỗi giá trị, khẳng định tầm quan trọng của châu Âu về địa chính trị và địa kinh tế cũng như tăng cường khả năng cạnh tranh của EU với các đối tác.

Trong một thế giới ngày càng kết nối, EU cần thúc đẩy các lợi ích, giá trị và vị thế của mình, đồng thời tăng cường hợp tác với các đối tác trong lĩnh vực kỹ thuật số, an ninh, chuyển đổi xanh, giao thông, năng lượng... EU hiện có một loạt chiến lược để kết nối với cả các nước láng giềng và các khu vực xa hơn, trong đó nổi bật là chiến lược kết nối châu Âu với châu Á. Tuy nhiên, những tiềm năng này chưa được khai thác triệt để do những hạn chế về cơ sở hạ tầng.

Chiến lược kết nối toàn cầu của châu Âu là bước đi mới nhất sau các thỏa thuận của EU đạt được với Ấn Độ và Nhật Bản nhằm tăng cường kết nối trong lĩnh vực giao thông, công nghệ số và năng lượng, cũng như cam kết tương tự của Nhóm các nước công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới (G7). Tháng 6 vừa qua, tại Hội nghị Thượng đỉnh diễn ra ở Anh, lãnh đạo các nước G7 đã khởi động kế hoạch cơ sở hạ tầng toàn cầu có tên gọi Xây dựng lại thế giới tốt đẹp hơn với cam kết huy động hàng chục nghìn tỷ USD cho các dự án cơ sở hạ tầng tại châu Á, châu Phi và Mỹ Latinh.

Trên cơ sở đó, EU cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của việc xây dựng quan hệ đối tác với các quốc gia và khu vực có chung mục tiêu. Những quan hệ đối tác như vậy có thể giúp thúc đẩy tính tương thích và bổ sung của các hành động và sáng kiến kết nối. Ngoài việc triển khai các quan hệ đối tác hiện có về kết nối và đẩy mạnh phát triển cơ sở hạ tầng như với Nhật Bản và Ấn Độ, Hội đồng châu Âu cũng kêu gọi các nước thành viên thúc đẩy các quan hệ đối tác và hợp tác với ASEAN và Mỹ, hợp tác trong khuôn khổ các diễn đàn đa phương, bao gồm G7 và G20.

“Một châu Âu kết nối toàn cầu” có thể được coi là câu trả lời của EU cho các chiến lược đầy tham vọng của các đối tác khác. Mặc dù kế hoạch cơ sở hạ tầng toàn cầu của châu Âu không hề nhắc đến Trung Quốc, song giới quan sát nhận định đây là chiến lược mới có thể cạnh tranh với sáng kiến Vành đai và Con đường (BRI) của “người khổng lồ” châu Á. Phát biểu với báo chí bên lề cuộc họp, Ngoại trưởng Đức Heiko Maas nhận định, Trung Quốc đang sử dụng các phương tiện kinh tế và tài chính để gia tăng ảnh hưởng khắp nơi trên thế giới. Việc than phiền về điều này là vô nghĩa và châu Âu cần phải đưa ra được các đề xuất phù hợp với lợi ích của mình.

Tầm quan trọng của một chiến lược kết nối hiệu quả của EU càng được nhấn mạnh hơn nữa trong bối cảnh đại dịch Covid-19 bùng phát, làm bộc lộ cả những điểm mạnh và điểm yếu của mạng lưới kết nối châu Âu với toàn cầu. EU dự kiến sẽ đưa ra lộ trình chính thức cho kế hoạch kết nối đầy tham vọng này từ mùa xuân năm 2022.

Minh Hiếu

Nguồn Hà Nội Mới: http://hanoimoi.com.vn/tin-tuc/the-gioi/1005621/chien-luoc-mot-chau-au-ket-noi-toan-cau-thuc-day-su-lien-ket