Chiến lược năng lượng mới của ông Trump gặp khó?

Tổng thống đắc cử Donald Trump đã vận động tranh cử với khẩu hiệu chính sách năng lượng: 'Khoan, khoan nữa, khoan mãi'. Tuy nhiên, các lựa chọn nội các của ông cho các vị trí về năng lượng và môi trường – cùng với bối cảnh nền kinh tế nhiên liệu hóa thạch hiện tại – cho thấy mọi thứ sẽ không dễ dàng như vậy.

Tổng thống đắc cử Donald Trump đã vận động tranh cử với khẩu hiệu chính sách năng lượng: “Khoan, khoan nữa, khoan mãi”. Ảnh AP

Tổng thống đắc cử Donald Trump đã vận động tranh cử với khẩu hiệu chính sách năng lượng: “Khoan, khoan nữa, khoan mãi”. Ảnh AP

Không có gì phải nghi ngờ rằng, trái ngược hoàn toàn với chính quyền Biden tập trung vào khí hậu, những người mà Trump đang quy tụ sẽ thực hiện kỳ vọng của ngành công nghiệp nhiên liệu hóa thạch nhằm thúc đẩy khai thác dầu và nhu cầu đối với các sản phẩm của ngành này. Họ sẵn sàng dỡ bỏ các quy định ủng hộ xe điện và xe lai tiết kiệm nhiên liệu, đồng thời phê duyệt các dự án hóa lỏng và xuất khẩu khí đốt tại Vịnh Mexico.

Chính sách năng lượng của ông Trump cũng sẽ chịu ảnh hưởng từ bối cảnh năng lượng đang thay đổi nhanh chóng. Ông Trump và các đồng minh tuyên bố sẽ mở hết công suất khai thác dầu quốc gia. Dù dưới thời Tổng thống Joe Biden chú trọng vào khí hậu, sản lượng dầu của Mỹ đã đạt mức cao nhất từ trước đến nay.

Mặc dù ông Trump cam kết hủy bỏ đạo luật khí hậu quan trọng của ông Biden, các khoản tín dụng thuế hào phóng dành cho năng lượng sạch đang thúc đẩy việc xây dựng nhà máy xe điện và năng lượng mặt trời, mang lại sự tăng trưởng kinh tế cho các bang có truyền thống ủng hộ Đảng Cộng hòa. Điều này có thể khiến các nhà lập pháp GOP khó phản đối hơn.

Một mảnh ghép lớn khác của bức tranh năng lượng là điện, vốn đang có nhu cầu cao do trí tuệ nhân tạo, trung tâm dữ liệu và các cơ sở sản xuất năng lượng đi vào hoạt động ngày càng nhiều. Nhiều công ty công nghệ lớn đã cam kết sử dụng năng lượng hạt nhân không phát thải carbon.

Tất cả những điều này cho thấy bức tranh năng lượng hiện nay khác xa so với nhiệm kỳ đầu tiên của ông Trump.

Nhiệm kỳ thứ hai của ông Trump: Chính sách năng lượng sẽ ra sao?

Chỉ vài ngày sau khi ông Trump chiến thắng trong cuộc bầu cử năm 2024, nhóm chuyển đổi quyền lực của ông đã bắt đầu lên kế hoạch cho chính sách năng lượng và đảo ngược các yếu tố chính trong di sản khí hậu của ông Biden.

Các hành động dự kiến bao gồm rút Mỹ khỏi Thỏa thuận Khí hậu Paris – điều mà ông Trump đã làm trong nhiệm kỳ đầu tiên. Kế hoạch cũng bao gồm thu nhỏ diện tích các di tích quốc gia để tăng cường khai thác dầu trên đất công, cắt giảm việc làm và các văn phòng Chính phủ chuyên trách giảm ô nhiễm tại các cộng đồng thu nhập thấp, theo hai nguồn tin của CNN.

Đội ngũ của ông Trump cũng đang lên kế hoạch cắt giảm thêm các quy định khí hậu và năng lượng của ông Biden, bao gồm nhiều quy tắc quan trọng của EPA nhằm giảm ô nhiễm từ phương tiện và nhà máy điện. Đội chuyển giao của ông Trump không phản hồi các câu hỏi cụ thể về kế hoạch của chính quyền sắp tới.

Ngành dầu khí phát triển mạnh dưới thời ông Biden, bất chấp các cam kết về khí hậu, nhưng chính quyền của ông đã cố gắng hạn chế việc khai thác trên đất công so với các chính quyền trước. Các nhân sự mà ông Trump chọn dự kiến sẽ đảo ngược nỗ lực này.

Chính quyền sắp tới cũng tập trung thúc đẩy nhu cầu đối với nhiên liệu hóa thạch. Điều này bao gồm nới lỏng các quy định đối với xe chạy bằng xăng và tiếp tục cấp giấy phép liên bang cho các nhà máy xuất khẩu khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) quy mô lớn, vốn đã bị Bộ Năng lượng dưới thời ông Biden tạm dừng trong năm nay. Xuất khẩu LNG là một cách để ngành dầu khí Mỹ bán thêm khí đốt cho châu Âu, cũng như các thị trường mới nổi ở châu Á và Nam Mỹ.

Tuy nhiên, ngành công nghiệp LNG đang khuyến nghị chính quyền Trump không vội vàng phê duyệt ngay các nhà máy mới, mà nên dành thời gian để đảm bảo tất cả giấy phép được cấp đều có thể vượt qua thách thức pháp lý tại tòa.

Các ranh giới trong cuộc chiến về năng lượng sạch mờ nhạt hơn

Điều chưa rõ ràng là các lựa chọn nhân sự của ông Trump sẽ ảnh hưởng thế nào đến năng lượng sạch. Luật năng lượng sạch của ông Biden mang lại lợi ích lớn cho các khu vực bầu cử thuộc Đảng Cộng hòa trên khắp nước Mỹ, và việc bãi bỏ luật này có thể khiến Đảng Cộng hòa hy sinh hàng tỷ USD đầu tư tư nhân cùng hàng nghìn việc làm.

Ngoài đạo luật khí hậu của ông Biden, vẫn còn nhiều dấu hỏi lớn khác. Ví dụ, Bộ Nội vụ của ông Biden đã cấp phép cho hàng chục dự án năng lượng sạch trên đất và vùng biển liên bang, bao gồm 11 dự án điện gió ngoài khơi đã được phê duyệt, điều mà ông Trump sẽ khó đảo ngược. Tuy nhiên, chính quyền Trump có thể ngừng cấp phép cho các dự án điện gió ngoài khơi trong tương lai.

Đặc biệt, ngành công nghiệp hạt nhân đang hy vọng rằng dưới thời ông Trump sẽ có thêm nhiều khoản đầu tư vào loại năng lượng không phát thải carbon này. Năng lượng hạt nhân nhận được sự ủng hộ từ cả hai Đảng và đang được thúc đẩy mạnh mẽ bởi các công ty công nghệ lớn, vốn đã ký các thỏa thuận để sử dụng phần lớn năng lượng từ hạt nhân. Microsoft thậm chí đã khôi phục lại Three Mile Island – nhà máy ở Pennsylvania từng là nơi xảy ra vụ sự cố hạt nhân duy nhất của Mỹ vào năm 1979.

Ngành năng lượng hạt nhân đã nhận được hàng tỷ USD đầu tư liên bang từ chính quyền Biden cùng các khoản tín dụng thuế. Câu hỏi đặt ra là liệu chính quyền Trump có tiếp tục ủng hộ và tài trợ cho ngành này hay không.

Quy mô đầu tư đó vẫn còn là một dấu hỏi – nhưng yếu tố chính trị xung quanh năng lượng hạt nhân và các dạng năng lượng sạch khác không còn rõ ràng như trước đối với Đảng Cộng hòa, theo nhận định của ông Chatterjee.

“Ở phe bảo thủ, không thể phủ nhận rằng chúng ta không thể đáp ứng được nhu cầu điện ngày càng tăng chỉ với nhiên liệu hóa thạch”, ông Chatterjee nói với CNN.

Nh.Thạch

AFP

Nguồn PetroTimes: https://nangluongquocte.petrotimes.vn/chien-luoc-nang-luong-moi-cua-ong-trump-gap-kho-722327.html