Chiến lược phát triển bền vững ngành hoa tỉnh Lâm Đồng
Với mục tiêu phát triển sản xuất hàng hóa thương mại giá trị cao, bền vững với chuỗi giá trị mang tầm khu vực, quốc tế, hình thành trung tâm sản xuất hoa hàng đầu khu vực Đông Nam Á; ngành hoa Lâm Đồng cần xây dựng và triển khai hữu hiệu giải pháp chiến lược bền vững, lâu dài.
Mục tiêu cụ thể đến năm 2030, tổng diện tích canh tác hoa toàn tỉnh khoảng 3.900 - 4.000 ha (diện tích gieo trồng đạt 11.500 - 12.000 ha), sản lượng khoảng 4,5 tỷ cành và 500 triệu chậu hoa các loại. Theo đó, vùng nông nghiệp TP Đà Lạt phát triển các loại hoa cắt cành truyền thống (hoa cúc, hoa hồng) tại các làng hoa (Vạn Thành, Hà Đông, Thái Phiên, Xuân Thành, Đa Thiện), mở rộng quy mô sản xuất tại xã Đạ Sar, thị trấn Lạc Dương, huyện Lạc Dương... Tổng diện tích gieo trồng hoa cúc toàn tỉnh đạt 2.916 ha, sản lượng 1,32 tỷ cành (tăng 6,7% diện tích và sản lượng so với 2021); hoa hồng 1.560 ha, sản lượng 466 triệu cành (tăng 4,3% diện tích và sản lượng so với năm 2021). Riêng hoa lay ơn canh tác ngoài trời từ xã Hiệp An, huyện Đức Trọng nhân rộng sản xuất sang các địa phương thuộc huyện Lạc Dương, Đơn Dương 1.174 ha, sản lượng 277 triệu cành (tăng 7,6% diện tích và 20,1% về sản lượng so với năm 2021).
Bên cạnh việc tiếp tục duy trì sản xuất các loại hoa truyền thống đã có thương hiệu, thị trường ổn định nêu trên, toàn tỉnh mở rộng sản xuất các loại hoa cao cấp như loa kèn, thược dược, oải hương... tại khu vực các huyện Lạc Dương, Đức Trọng, Đơn Dương gắn với phát triển các doanh nghiệp, trang trại nông nghiệp công nghệ cao; diện tích gieo trồng các loại hoa cao cấp khoảng 1.500 ha, tăng 60% so với năm 2021. Đồng thời đẩy mạnh sản xuất hoa chậu và các loại hoa trang trí khác có lợi thế cạnh tranh cao như lan hồ điệp, lan vũ nữ, thu hải đường, đáp ứng nhu cầu thị trường trong nước. Tổng diện tích gieo trồng hoa chậu đạt 1.774 ha, sản lượng trên 500 triệu chậu, tăng 59% về diện tích và sản lượng so với năm 2021.
Để đáp ứng nhu cầu phát triển sản xuất, nâng cao giá trị các loại hoa, toàn tỉnh nhập nội và sử dụng giống mới đạt trên 3.000 ha gieo trồng hàng năm (chiếm 26% tổng diện tích canh tác hoa); tỷ lệ diện tích sản xuất hoa từ các giống mới có bản quyền đạt 35 - 40% phù hợp với các quy định để phát triển thị trường xuất khẩu. Qua đó hình thành cụm công nghiệp sản xuất giống hoa nuôi cấy mô hiện đại, nâng cao năng lực sản xuất trên 120 triệu cây giống, đảm bảo phục vụ sản xuất hoa của tỉnh hàng năm từ 3.500 - 4.000 ha canh tác; xuất khẩu đạt 75 triệu cây giống mô sang các nước Hà Lan, Pháp, Mỹ, Đan Mạch, Australia, Nhật Bản, Thái Lan...
“Chiến lược phát triển bền vững ngành hoa Lâm Đồng đến năm 2023 là cơ cấu lại các vùng chuyên canh hoa theo hướng phát huy tối đa lợi thế từng địa phương, khu vực và năng lực sản xuất của người dân, doanh nghiệp; đồng thời bố trí sử dụng hợp lý công nghệ nhà kính đảm bảo cảnh quan đô thị, nông thôn hướng đến hình thành các mô hình điểm về làng hoa xanh...”, theo ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lâm Đồng.
Gắn sản xuất với thị trường, toàn tỉnh hoàn thiện chuỗi giá trị ngành hoa, gắn kết các vùng chuyên canh nhỏ theo nguyên tắc minh bạch, trách nhiệm, cùng chia sẻ lợi ích, trong đó nâng cao vai trò của Hiệp hội Hoa và các doanh nghiệp thành viên để đạt mục tiêu đến 2030 có ít nhất 50% sản lượng hoa tiêu thụ qua các chuỗi. Toàn tỉnh cũng sẽ đưa vào hoạt động Trung tâm Giao dịch hoa thực hiện dịch vụ bảo quản hoa sau thu hoạch, tiếp nhận và phân phối sản phẩm theo các đơn hàng và vận chuyển, cung ứng đến các thị trường tiêu thụ đạt 4,2 - 4,3 tỷ cành/năm. Ngoài ra đẩy mạnh công nghệ sau thu hoạch với trên 1 triệu sản phẩm hoa tươi, hoa khô/năm và trên 100 loại sản phẩm nước hoa theo nhu cầu của thị trường. Đến năm 2030, xây dựng 1 - 2 trung tâm logistics với 15 - 20 doanh nghiệp tham gia để nâng cao sức cạnh tranh, giảm giá phí các dịch vụ theo phương châm hiện đại, chuyên nghiệp, kết nối tiêu thụ trên 70% sản lượng hoa. Qua đó xuất khẩu đạt 900 triệu cành và chậu hoa các loại, tương ứng kim ngạch trên 217 triệu USD.
Giải pháp “trọng tâm của trọng tâm” phát triển bền vững ngành hoa Lâm Đồng đến năm 2030 là “tăng cường công tác quản lý nhà nước để xây dựng kế hoạch cho các vùng sản xuất hoa ứng dụng công nghệ cao; kêu gọi các nhà sản xuất vào các khu, vùng sản xuất hoa công nghệ cao; tập trung các nguồn lực để xây dựng cơ sở hạ tầng thiết yếu theo quy hoạch, ưu tiên đầu tư nâng cấp những công trình có nhu cầu bức thiết phục vụ sản xuất, quản lý, vận hành, duy tu bảo dưỡng đối với các công trình đã hoàn thành đưa vào sử dụng; thực hiện có hiệu quả các cơ chế, chính sách trong hỗ trợ đầu tư phát triển hoa công nghệ cao, thông minh...”.
Theo VĂN VIỆT (LĐ online)
Xem link nguồn