Chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa: Cần thiết nhưng phải thận trọng

Các ngành công nghiệp văn hóa (CNVH) Việt Nam đã có những thành tựu nhất định được ghi nhận nhưng cũng đang tồn tại nhiều vấn đề. Nhằm đáp ứng yêu cầu thực tiễn và tháo gỡ những vướng mắc trong thời gian qua, ngành văn hóa triển khai xây dựng chiến lược phát triển các ngành CNVH Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Tuy nhiên, không ít ý kiến cho rằng, việc xây dựng chiến lược mới cho phát triển các ngành CNVH nhằm thay thế chiến lược đã được ban hành từ năm 2016 là cần thiết nhưng cũng cần đặc biệt cẩn trọng.

Cần cơ chế, chính sách để tiếp cận nguồn lực của nhà nước tốt hơn

Ủng hộ chủ trương xây dựng chiến lược CNVH mới nhưng nhạc sĩ, nhà sản xuất âm nhạc Quốc Trung cho rằng trước khi có chiến lược trong nhiều năm, trước tiên, chúng ta phải xây dựng các thể chế, các quy định theo kịp với sự phát triển của ngành. Nhà sản xuất fesival Moon Soon - Lễ hội âm nhạc Gió Mùa cũng than phiền khá nhiều về không ít bất cập trong cơ chế chính sách phát triển CNVH hiện nay.

Phát triển công nghiệp văn hóa giúp nghệ sĩ phát huy tài năng tốt hơn.

Phát triển công nghiệp văn hóa giúp nghệ sĩ phát huy tài năng tốt hơn.

Theo nhạc sĩ Quốc Trung, trong phát triển CNVH, đội ngũ sáng tạo có vai trò quan trọng. Đội ngũ sáng tạo mạnh không chỉ ở trong nhà nước mà nằm rất nhiều ở khu vực tư nhân. Tuy nhiên, chính sách để đội ngũ sáng tạo ở khu vực tư nhân có thể thụ hưởng thiết chế chính sách của nhà nước chưa có. Điều đó hạn chế rất nhiều sự đóng góp, sự cạnh tranh cho đội ngũ sáng tạo trong và ngoài nhà nước. Trong khi thực tế, sự cạnh tranh thúc đẩy sáng tạo, thúc đẩy CNVH phát triển.

“Tôi cảm giác tất cả những gì liên quan đến xã hội hóa hiện nay là chúng ta đang cho các đội ngũ ngoài nhà nước được tham gia làm các công việc sáng tạo về văn hóa chứ không hoàn toàn có chính sách hỗ trợ cụ thể nào giữa nhà nước và đội ngũ sáng tạo bên ngoài nhà nước. Đội ngũ sáng tạo bên ngoài gặp nhiều khó khăn về các thủ tục xin cấp phép, tiếp cận các thiết chế văn hóa của nhà nước. Khi làm Gió Mùa, chúng tôi biểu diễn miễn phí ở các không gian di sản văn hóa của Hoàn Kiếm, Hà Nội. Mặc dù có sự hỗ trợ của quận Hoàn Kiếm, nhưng chúng tôi vẫn gặp khó khăn khi thuê rạp vì vướng quy định” - nhạc sĩ Quốc Trung cho hay.

Ông cũng khuyến nghị, chúng ta cần có những thay đổi trong kế hoạch ngắn hạn để thấy chính sách đã phù hợp hay chưa, từ đấy mới có thể xây dựng chiến lược dài hơi đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2045.

Nhạc sĩ - nhà sản xuất âm nhạc Quốc Trung.

Nhạc sĩ - nhà sản xuất âm nhạc Quốc Trung.

Thực tế, những than phiền như của nhạc sĩ Quốc Trung không hẳn là cá biệt. Bà Trương Uyên Ly, một trong những người dành nhiều tâm huyết cho phát triển các không gian văn hóa sáng tạo cũng tiết lộ, bà và các đồng sự gặp khá nhiều khó khăn trong tiếp cận các thiết chế văn hóa của nhà nước, mặc dù địa phương rất có thiện chí. Có những trường hợp, đội ngũ sáng tạo được hỗ trợ địa điểm trên danh nghĩa, nhưng thực tế, họ vẫn trả tiền thuê mặt bằng. Lý do là theo quy định, đơn vị được giao quản lý thiết chế văn hóa đó không được phép cho thuê.

Liên quan đến những vướng mắc trong phát triển CNVH, đặc biệt là bất cập trong cơ chế chính sách tạo tình trạng thiếu hài hòa giữa khu vực công lập và tư nhân trong việc tiếp cận nguồn hỗ trợ từ nhà nước, bà Vũ Quỳnh Lê, Phó cục trưởng Cục Quản lý đấu thầu, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho rằng mô hình đầu tư theo hình thức đối tác công tư (PPP) mới được luật hóa vài năm và không phải lĩnh vực nào cũng nên áp dụng. Cũng theo bà Lê, chủ trương, chính sách xã hội hóa đã có từ lâu nhưng rất thiếu số liệu, không có số liệu về chính sách xã hội hóa đi vào cuộc sống như thế nào. Xã hội hóa rất rộng, PPP chỉ là một phần. Trước đây, các dự án trong lĩnh vực văn hóa thực hiện gần giống như đầu tư công. Khi xây dựng Luật PPP, ngành văn hóa không đưa ra được số liệu, cơ sở để điều chỉnh. Vì vậy, Luật PPP không có lĩnh vực văn hóa.

Ông Phạm Tuấn Long, Chủ tịch UBND quận Hoàn Kiếm, Hà Nội.

Ông Phạm Tuấn Long, Chủ tịch UBND quận Hoàn Kiếm, Hà Nội.

Chia sẻ quanh câu chuyện này, ông Phạm Tuấn Long, Chủ tịch UBND quận Hoàn Kiếm, Hà Nội cho biết, Hoàn Kiếm có khối lượng di sản văn hóa rất phong phú. Địa phương đã có nhiều mô hình, dành nhiều kinh phí đầu tư tu bổ, phát huy các di tích, thiết chế văn hóa, bảo tồn phát huy di sản phi vật thể. Có địa điểm vốn có nguy cơ mất an toàn, thiếu ánh sáng, không đảm vệ sinh môi trường nhưng đã được cải thiện, thu hút du khách nhờ việc kết hợp với các nghệ sĩ thực hiện các dự án nghệ thuật công cộng: cầu vượt Trần Nhật Duật, phố Phùng Hưng, Phúc Tân.

Thống kê 6 tháng đầu năm 2024 của Hoàn Kiếm cho thấy, tăng trưởng du lịch đã bằng trước đại dịch COVID-19. Trung bình 1 tuần, Hoàn Kiếm đón khoảng hơn 3 vạn khách du lịch. Mặc dù tháng 6,7,8 là thời điểm nắng, nóng và là mùa du lịch thấp điểm trong năm nhưng lượng khách vẫn tăng do với cùng kỳ năm trước. Hoàn Kiếm đầu tư cho bảo tồn, phát huy di sản văn hóa, tạo điều kiện phát huy, hỗ trợ nghệ sĩ, thu lại bằng sự phát triển du lịch trên địa bàn. Nếu định lượng được hiệu quả hợp tác công - tư rất khó vì khó thống kê và khó có số liệu thống kê riêng.

Bắt nhịp với sự phát triển của khoa học công nghệ để không lạc hậu

“Công nghệ đang phát triển, thay đổi rất nhanh. Những hiểu biết của chúng ta có thể trở thành lạc hậu sau một thời gian ngắn. Những tác động của công nghệ sẽ thay đổi rất cơ bản trong hoạt động văn hóa trong tương lai. Chúng ta phải tính đến sự thay đổi của công nghệ nếu không sẽ rất dễ lạc hậu” - Đây là khẳng định của chuyên gia truyền thông Lê Quốc Vinh, Chủ tịch Câu lạc bộ Doanh nhân văn hóa khi trao đổi xung quanh việc xây dựng đề án phát triển CNVH đến năm 2030 tầm nhìn đến năm 2045.

Các nghệ sĩ Nhà hát Nhạc Vũ Kịch Việt Nam biểu diễn vở “Carmen”.

Các nghệ sĩ Nhà hát Nhạc Vũ Kịch Việt Nam biểu diễn vở “Carmen”.

Cụ thể, theo ông Vinh, ngành công nghiệp nội dung số rất mới mẻ. Chúng ta có Hiệp hội truyền thông số, trong đó có các mạng lưới câu lạc bộ nội dung số nhưng các ngành này chưa đưa vào chiến lược phát triển các ngành CNVH. Chúng ta có lĩnh vực phần mềm, trò chơi giải trí nhưng không có lĩnh vực sản xuất sản phẩm số. Sản phẩm từ TikTok, YouTube chưa đưa vào lĩnh vực nào nhưng thực tế nó vẫn đang rất phát triển. Mới đây nhất, những bộ phim cực ngắn rất thịnh hành. Ở Trung Quốc có khoảng hơn 100 app phim ngắn. Sản phẩm này thống trị thị trường nội dung giải trí trên Internet và hiện đã phát triển sang châu Âu, nhen nhóm ở Việt Nam.

“Chúng tôi làm việc với một nhạc sĩ, đề nghị sáng tác một tác phẩm cho trường học, nhưng một chuyên gia về AI lập tức đưa ra 6 bản nhạc khác nhau với những làn điệu âm nhạc khác nhau và đều hay cả. Thế giới hiện nay đang phát triển khái niệm kinh tế hình ảnh. Nó kết hợp nhiều ngành kinh tế, từ thiết kế, nhiếp ảnh, điện ảnh, sản xuất video, thời trang, phụ kiện âm nhạc cho đến thể thao, giải trí… Chúng ta tiếp nhận những cái mới như thế này như thế nào? Những điều này, chiến lược phát triển CNVH cần tính tới” - ông Lê Quốc Vinh nói.

Ông Vinh cũng cho rằng, ngành CNVH muốn phát triển thì phải đầy đủ các yếu tố cấu thành thị trường. Ngoài người trực tiếp sáng tạo văn hóa, phải quan tâm đến doanh nhân, các nhà đầu tư phát triển kinh doanh. Tuy nhiên, trong thực tế, cơ chế, chính sách hiện nay trong phát triển CNVH đang tạo nên những rủi ro lớn cho các nhà đầu tư, quản trị kinh doanh trong ngành CNVH sáng tạo.

Đánh giá thẳng thắn về thực trạng phát triển các ngành CNVH Việt Nam, PGS.TS Nguyễn Thị Thu Phương, Viện trưởng Viện Văn hóa nghệ thuật quốc gia Việt Nam khẳng định: Việc ban hành và thực hiện Chiến lược phát triển các ngành CNVH Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 đã tạo ra sự chuyển biến tích cực và đổi mới đối với các CNVH. Tuy nhiên, qua thực tiễn 7 năm triển khai thực hiện Chiến lược còn một số tồn tại, hạn chế như nhận thức về vai trò, tầm quan trọng của phát triển các ngành CNVH gắn với mục tiêu phát triển bền vững và hội nhập quốc tế của đất nước chưa rõ.

Thói quen trông chờ ngân sách nhà nước cho các hoạt động sản xuất các sản phẩm, dịch vụ văn hóa vẫn tồn tại từ thời bao cấp, cùng với quan niệm ngành văn hóa là ngành “tiêu tiền” đang tạo rào cản trong nhận thức về đầu tư các nguồn lực cho phát triển các ngành CNVH. Chúng ta chưa phát huy được sự đóng góp của các chủ thể tham gia vào chuỗi giá trị CNVH do cơ chế phối hợp giữa các ban, ngành, cơ quan các cấp, giữa khu vực nhà nước và khu vực tư nhân còn thiếu đồng bộ, chặt chẽ. Quá trình hoàn thiện thể chế chưa tạo điều kiện ưu tiên và khuyến khích các ngành CNVH phát triển, đặc biệt là trong bối cảnh sau đại dịch COVID-19. Đầu tư cho văn hóa chưa tương xứng với tiềm năng của các ngành CNVH trong phát triển bền vững. Bất cập trong cơ chế chính sách tạo tình trạng thiếu hài hòa giữa khu vực công lập và tư nhân trong việc tiếp cận nguồn hỗ trợ từ nhà nước. Chất lượng nguồn nhân lực chưa đáp ứng được nhu cầu phát triển các ngành CNVH…

Xây dựng đề án chiến lược mới về phát triển các ngành CNVH Việt Nam, Ban tổ chức sẽ phải đánh giá hiệu quả triển khai của chiến lược ban hành năm 2016, thành công và hạn chế của chiến lược này, chỉ ra nguyên nhân, đồng thời xác định quan điểm, mục tiêu, giải pháp phát triển các ngành CNVH làm sao để có trọng tâm, trọng điểm và cơ chế hành động thực sự cho đến năm 2030 và xác định tầm nhìn mang tính khả thi vào năm 2045. Tuy nhiên, để đạt được mục tiêu này, Ban tổ chức sẽ cần rất nhiều ý kiến thiết thực hơn của các nhà nghiên cứu, quản lý và nhất là những người trực tiếp hoạt động trong các ngành CNVH Việt Nam.

Minh Hải

Nguồn ANTG: https://antg.cand.com.vn/kinh-te-van-hoa-the-thao/chien-luoc-phat-trien-cac-nganh-cong-nghiep-van-hoa-can-thiet-nhung-phai-than-trong-i738141/