Chiến lược phát triển văn hóa Việt Nam phải nêu được khát vọng xây dựng đất nước Việt Nam hùng cường, trong đó văn hóa là sức mạnh nội sinh
Đó là khẳng định của Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng hôm nay 29.6.2021 tại hội nghị nghị trực tuyến toàn quốc về định hướng, góp ý dự thảo Chiến lược phát triển văn hóa Việt Nam đến năm 2030 và Chương trình hành động phát triển du lịch giai đoạn 2021-2025. Tham dự ở điểm cầu Quảng Trị có Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Hồ Đại Nam; Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hoàng Nam.
Chiến lược phát triển văn hóa Việt Nam đến năm 2030 được xây dựng với mục tiêu chung là khơi dậy khát vọng cống hiến vì Tổ quốc, phát huy mạnh mẽ giá trị văn hóa và con người Việt Nam, từng bước xây dựng văn hóa thực sự trở thành nền tảng tinh thần vững chắc của xã hội, sức mạnh nội sinh quan trọng đảm bảo sự phát triển bền vững và hội nhập quốc tế. Theo đó, đến năm 2030 phấn đấu đạt được các chỉ tiêu phát triển văn hóa quan trọng như: 100% các Bộ, ngành, địa phương xây dựng và thực hiện hiệu quả Quy tắc ứng xử văn hóa trong các lĩnh vực chuyên ngành theo chức năng, nhiệm vụ; 100% đơn vị hành chính cấp tỉnh, huyện có Trung tâm Văn hóa- Thể thao; có ít nhất 5 di sản văn hóa vật thể và di sản văn hóa phi vật thể được UNESCO ghi danh; 95-100% di tích quốc gia đặc biệt và 65-70% di tích quốc gia được tu bổ, tôn tạo; 80% các xã vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi được nâng cao mức hưởng thụ văn hóa, bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống; có 8-10 giải thưởng Văn học ASEAN; 15-20 tác phẩm văn xuôi, thơ ca xứng tầm lịch sử hào hùng và công cuộc đổi mới của đất nước; doanh thu các ngành công nghiệp văn hóa đóng góp 7% GDP…
Chiến lược cũng đề ra các nhiệm vụ và giải pháp trọng tâm, trong đó nhấn mạnh tập trung vào hoàn thiện thể chế, chính sách, khung pháp lý; xây dựng con người Việt Nam phát triển toàn diện; xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh; nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động văn hóa; bảo vệ và phát huy di sản văn hóa dân tộc; phát triển một số lĩnh vực văn hóa như: Nghệ thuật biểu diễn, điện ảnh, mỹ thuật, nhiếp ảnh và triển lãm, thư viện; phát triển công nghiệp văn hóa, xây dựng thị trường văn hóa lành mạnh; phát huy vai trò của truyền thông đại chúng, truyền thông mới và văn hóa số; chủ động hội nhập, tăng cường hợp tác, giao lưu quốc tế về văn hóa; phát triển nguồn nhân lực; nghiên cứu khoa học và công nghệ về văn hóa nghệ thuật; giải pháp tài chính.
Chương trình hành động phát triển du lịch giai đoạn 2021-2025 xác định các nhiệm vụ trọng tâm ưu tiên phát triển du lịch và thực hiện hiệu quả các mục tiêu, định hướng phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2025 phù hợp với tình hình thực tiễn. Tạo sự đồng thuận, nhất trí cao trong nhận thức và hành động của toàn ngành du lịch, các ngành liên quan, các địa phương, doanh nghiệp và người dân để tập trung phát triển du lịch thực sự trở thành ngành kinh tế mũi nhọn và bền vững, từng bước đưa Việt Nam trở thành điểm đến đặc biệt hấp dẫn, thuộc nhóm 30 quốc gia có năng lực cạnh tranh du lịch hàng đầu thế giới.
Theo đó, thực hiện chương trình hành động, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch sẽ chủ trì thực hiện các nhiệm vụ như: Tổng kết, đánh giá, hoàn thiện thể chế, chính sách phát triển du lịch; ứng dụng khoa học và công nghệ hiện đại, công nghệ số trong ngành du lịch; tập trung đầu tư phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng phục vụ du lịch; phát triển sản phẩm du lịch và quản lý chất lượng dịch vụ du lịch; hỗ trợ doanh nghiệp du lịch phục hồi, phát triển trong bối cảnh tác động của đại dịch COVID-19; phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao và thị trường lao động du lịch bền vững; phát triển thị trường, tăng cường xúc tiến, quảng bá và đẩy mạnh hợp tác quốc tế về du lịch. Bên cạnh đó, các bộ, ngành, địa phương, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị- xã hội, tổ chức xã hội nghề nghiệp căn cứ vào chức năng cũng phối hợp thực hiện chương trình hành động phát triển du lịch giai đoạn 2021-2025 theo nhiệm vụ đề ra.
Tại hội nghị, các đại biểu đã tập trung thảo luận, nêu nhiều ý kiến đóng góp quan trọng vào Chiến lược phát triển văn hóa Việt Nam đến năm 2030 và Chương trình hành động phát triển du lịch giai đoạn 2021-2025. Một số ý kiến cho rằng quản lý văn hóa cần hướng tới sự chủ động hỗ trợ hoạt động văn hóa - nghệ thuật, tiếp cận gần hơn quy luật thị trường trong sản xuất, phân phối, tiêu dùng và hưởng thụ văn hóa. Quan điểm văn hóa phải được đặt ngang hàng với kinh tế, chính trị và xã hội; xây dựng thị trường văn hóa đi đôi với phát triển các ngành công nghiệp văn hóa; xây dựng văn hóa doanh nghiệp, đạo đức kinh doanh để văn hóa thực sự là hệ điều tiết cho sự phát triển kinh tế - xã hội. Các đại biểu cũng đã đóng góp nhiều ý kiến, tham luận về các giải pháp phục hồi du lịch trong thời gian tới. Trong đó tập trung vào định hướng công tác xúc tiến quảng bá du lịch, triển khai hoạt động du lịch an toàn, tiếp tục đề xuất chính sách tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp và người lao động trong ngành, giải pháp quản lý một số loại hình cơ sở lưu trú du lịch mới, quy hoạch hệ thống du lịch Việt Nam trong thời kỳ mới...
Phát biểu kết luận hội nghị, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng đánh giá cao các ý kiến góp ý, định hướng của các đại biểu đối với dự thảo Chiến lược phát triển văn hóa Việt Nam đến năm 2030 và Chương trình hành động phát triển du lịch giai đoạn 2021-2025. Đồng thời khẳng định Bộ sẽ tổng hợp, tiếp thu các ý kiến góp ý để hoàn thiện các dự thảo một cách hoàn chỉnh, đầy đủ nhất. Chiến lược phát triển văn hóa là một vấn đề lớn, việc xây dựng Chiến lược phát triển văn hóa Việt Nam đến năm 2030 là chương trình hành động của Bộ nhằm triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng. Vì vậy chiến lược cần phải phải nêu được khát vọng xây dựng đất nước Việt Nam hùng cường, trong đó văn hóa là sức mạnh nội sinh. Mục tiêu của chiến lược là phát triển con người Việt Nam toàn diện, đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước, trong đó ưu tiên xây dựng hệ giá trị về văn hóa và Bộ tiêu chí đánh giá văn hóa.
Đối với nhiệm vụ phát triển du lịch giai đoạn 2021- 2025, Bộ trưởng yêu cầu ngành du lịch cần tiếp tục đổi mới mạnh mẽ, thể hiện khát vọng phát triển trong thời kỳ mới. Tiếp tục phát triển các sản phẩm du lịch, triển khai hiệu quả các chương trình liên kết phát triển du lịch; nghiên cứu định vị lại các thị trường du lịch quốc tế, chú trọng phát triển theo chiều sâu, nâng cao chất lượng khách, định hướng và xây dựng sản phẩm phù hợp với phân khúc thị trường khách du lịch. Tập trung triển khai hiệu quả chương trình kích cầu du lịch, phát triển mạnh thị trường du lịch nội địa. Tiếp tục thúc đẩy quá trình chuyển đổi số, trong đó tập trung vào phát triển hệ thống cơ sở dữ liệu số ngành du lịch, bản đồ du lịch…